Bộ đôi sát thủ đối với tàu sân bay

TUẤN SƠN |

Theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga, tên lửa hành trình siêu thanh thế hệ mới Kinzhal sẽ sớm được tích hợp trên máy bay ném bom siêu âm Tu-22M3 Backfire.

Vốn được thiết kế chính cho nhiệm vụ săn tìm các nhóm tàu sân bay của đối phương, sự kết hợp giữa X-47M2 Kinzhal và Tu-22M3 sẽ tạo ra vũ khí diệt tàu sân bay mới của Quân đội Nga.

Từ Iskander thành “sát thủ diệt hạm”

Sự xuất hiện của dòng tên lửa hành trình siêu thanh thế hệ mới X-47M2 Kinzhal được biết tới rộng rãi sau tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin trong Thông điệp quốc gia Nga năm 2018.

Những lời giới thiệu về khả năng đạt tốc độ bay tới Mach 10 (gấp 10 lần tốc độ âm thanh) và hình ảnh về vụ phóng thử tên lửa Kinzhal từ máy bay Mig-31 tại Quân khu phía Nam của Nga đã tạo được ấn tượng mạnh không chỉ với các chuyên gia quân sự thế giới, mà còn cả giới hoạch định quân sự Mỹ và phương Tây.

Hiện tại, Kinzhal được coi là tổ hợp vũ khí diệt hạm độc nhất vô nhị trên thế giới, không có vũ khí nào của Mỹ và phương Tây có đủ tính năng để đối trọng.

 Bộ đôi sát thủ đối với tàu sân bay - Ảnh 1.

Tên lửa Kinzhal trang bị trên máy bay Mig-31. Ảnh: RIAN.

Từ những hình ảnh được công bố, cũng như đặc tính khí động học của Kinzhal, giới chuyên gia quân sự có thể khẳng định chắc chắn, X-47M2 được phát triển trên nền tảng hay biến thể hàng không của tên lửa 9M723-1, thuộc tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander.

Hai dòng tên lửa này có nguyên lý hoạt động tương tự nhau. Sau khi rời phương tiện phóng, chúng đều leo cao lên độ cao 18km; sử dụng thế năng để tăng tốc độ bay lên 2.500km… Điểm khác biệt chỉ nằm ở việc Kinzhal sử dụng hệ thống dẫn đường chủ động cho nhiệm vụ diệt hạm và tầm bắn lớn hơn rất nhiều nhờ phóng từ trên không.

Cần nhấn mạnh rằng, Kinzhal không hề vi phạm Hiệp định INF giữa Nga và Mỹ, khi X-47M2 không phải là tên lửa phóng từ mặt đất…

Ngoài nhiệm vụ diệt hạm, Nga hoàn toàn có khả năng hoán cải Kinzhal cho nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất. Tuy nhiên, do giá thành cao, Kinzhal sẽ chỉ được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu có giá trị chiến lược hoặc trong các nhiệm vụ đặc biệt.

Trang bị Kinzhal lên Tu-22M3 là hành động hợp lý

Một vấn đề có thể thấy rõ ràng là bộ đôi Mig-31 và Kinzhal phù hợp với nhiệm vụ thử nghiệm hơn. Trong các nhiệm vụ chiến đấu thực tế, việc mỗi máy bay Mig-31 chỉ có thể mang 1 đạn Kinzhal chỉ có xác suất làm tổn thương chiến hạm của đối phương, còn khả năng vô hiệu hóa và tiêu diệt, đặc biệt với chiến hạm lớn như tàu sân bay là việc bất khả thi.

Chính vì thế, việc tên lửa Kinzhal được tích hợp lên máy bay ném bom Tu-22M3 là hoàn toàn hợp lý.

Tu-22M3 có hệ thống ra-đa chuyên biệt cho nhiệm vụ diệt hạm, cũng như các mấu treo đủ cứng và trọng lượng cất cánh lớn để mang cùng lúc nhiều tên lửa Kinzhal cho nhiệm vụ tấn công.

Hiện tại, Không quân Nga đang biên chế khoảng 60 máy bay Tu-22M3 và vài chục chiếc trong tình trạng niêm cất. Trước khi Kinzhal xuất hiện, vũ khí chính của các máy bay Tu-22M3 chính là tên lửa diệt hạm X-22 và X-32.

Với các gói nâng cấp mới, tầm hoạt động của máy bay ném bom này được tăng lên gần 3.000km. Sự kết hợp giữa Kinzhal và Tu-22M3 sẽ giúp Quân đội Nga có vũ khí diệt hạm không thể ngăn chặn ở khoảng cách tới 5.000km.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc tích hợp tên lửa Kinzhal lên máy bay Tu-22M3 sẽ được thực hiện nhanh chóng vì Kinzhal nhỏ gọn hơn nhiều so với tên lửa X-22. Vấn đề còn lại chỉ là tinh chỉnh hệ thống điện tử và dẫn đường.

Do trần bay của Tu-22M3 chỉ khoảng 13km, thấp hơn so với Mig-31, nên tầm bắn tối đa của tên lửa Kinzhal mang theo có thể không đạt con số 2.000km như thiết kế. Tuy nhiên, con số còn lại cũng quá đủ để bộ đôi Tu-22M3 và Kinzhal có thể tung đòn tấn công không thể ngăn chặn ngoài tầm phòng không của hạm đội đối phương.

Tiềm năng trở thành vũ khí hạt nhân chiến lược

Với học thuyết quân sự phòng thủ, Quân đội Nga coi Kinzhal như một vũ khí răn đe để bảo vệ quyền lợi quốc gia. Với mục đích này, Kinzhal được thiết kế với đầu đạn thông thường để dùng cho các nhiệm vụ cấp chiến thuật.

 Bộ đôi sát thủ đối với tàu sân bay - Ảnh 2.

Bộ đôi Tu-22M3 và tên lửa Kinzhal sẽ là vũ khí tấn công lợi hại mới của Quân đội Nga. Ảnh: warfare.ru

Tuy nhiên, nếu xung đột xảy ra, Kinzhal hoàn toàn có thể được tái trang bị đầu đạn hạt nhân để tận dụng được khả năng tấn công chính xác cao và không thể bị ngăn chặn.

Nga có thể sử dụng Kinzhal phiên bản trang bị đầu đạn hạt nhân để tấn công phủ đầu các vị trí chiến lược tại châu Âu, như các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ đang triển khai hay các vị trí tập kết lực lượng, trung tâm chỉ huy.

Rất nhiều khả năng Kinzhal sẽ sớm có biến thể trang bị đầu đạn hạt nhân, tương tự như Nga đã làm với tên lửa hành trình X-101 trang bị trên máy bay ném bom Tu-95MS và Tu-160M (biến thể hạt nhân mang tên lửa X-102). Tuy nhiên, đó không phải là ưu tiên hàng đầu hiện nay của Quân đội Nga.

Với bộ đôi X-47M2 Kinzhal và Tu-22M3, Nga đang có trong tay loại vũ khí diệt hạm không đối thủ và chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng nhiều tới hoạch định chiến lược của Mỹ và NATO tại châu Âu, cũng như trên Thái Bình Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại