Bí quyết để trẻ không bị ốm khi nằm điều hòa

Vân Hồng |

Những ngày hè nóng bức, việc cho trẻ sử dụng điều hòa gần như thường xuyên. Làm sao để trẻ không "phát ốm" khi ở trong phòng điều hòa? Sau đây là bí quyết mà cha mẹ cần nhớ.

Mùa hè là thời gian cao điểm về sử dụng điều hòa. Làm sao để bé không bị ốm khi sử dụng điều hòa?

13 lưu ý sau đây giúp bạn có thể áp dụng ngay để bé có thể thích ứng nhanh với môi trường sử dụng điều hòa nhiệt độ nhé.


Sử dụng điều hòa đúng cách giúp bé ngủ ngon và khỏe mạnh (Ảnh minh họa)

1. Không vào phòng điều hòa khi người còn nhễ nhại mồ hôi

Trẻ em thường có lượng mỡ dưới da ít, mạch máu cũng chưa phát triển hoàn hảo như người lớn nên rất dễ bị sốc nhiệt khi cơ thể đang nóng mà gặp gió lạnh.

Nếu bé vừa ở ngoài nóng vào nhà, tốt nhất nên thay quần áo bị ướt mồ hôi, lau khô người bé, cho bé ở ngoài phòng điều hòa một lát cho cơ thể "nguội" bớt rồi mới vào phòng điều hòa.

2. Nên duy trì ổn định mức nhiệt, không để nhiệt độ chênh lệch quá lớn

Nên để điều khiển điều hòa ngoài tầm tay của trẻ em, để bé không được tự điều chỉnh nhiệt độ điều hòa.

Máy điều hòa nên duy trì nhiệt độ ổn định từ khoảng 26-29 độ tùy vào thời tiết. Không nên thường xuyên thay đổi để đảm bảo nhiệt độ phòng luôn ổn định ở mức mát vừa phải.

3. Tránh để gió lạnh thổi thẳng vào người bé

Cửa gió điều hòa thường thổi khá mạnh, không nên để bé nằm trực tiếp trước họng gió điều hòa.

Khi gió lạnh quá mạnh, các mao mạch trên cơ thể bé sẽ bị co thắt, làm giảm nhiệt độ đột ngột dễ gây bệnh cảm lạnh hoặc bệnh về hô hấp.

4. Phòng có điều hòa nên thông gió hàng ngày

Hàng ngày vào sáng sớm hoặc chiều tối, khi trời mát dịu, bạn nên mở cửa phòng để thông gió, cho không khí trong phòng lưu thông khoảng 15 phút rồi đóng cửa lại.

Đây cũng là cách đẩy vi khuẩn gây hại ra khỏi phòng, đồng thời không tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn ủ bệnh, sinh sôi và lây lan.

Đặc biệt gia đình có trẻ sơ sinh, cần phải mở cửa phòng để thông gió, đón không khí mới cho trẻ dễ hít thở, đầy đủ ôxy để nhanh lớn hơn.

5. Tạo ẩm trong phòng

Điều hòa không khí chỉ tạo mát chứ không có chức năng duy trì độ ẩm cần thiết trong phòng.

Khả năng giữ ẩm của da trẻ em cũng ít hơn so với người lớn, nên cần phải tự tạo ẩm trong phòng bằng cách dùng máy tạo ẩm hoặc để chậu nước trong phòng.

Ngoài ra, nên cho trẻ hoặc người già uống đủ nước, ăn thêm nhiều rau, trái cây trong bữa ăn hàng ngày.

6. Không nên cho trẻ liên tục chạy ra chạy vào phòng điều hòa

Do nhiệt độ trong phòng và nhiệt độ ngoài trời khác nhau, thậm chí nhiều khi còn chênh lệch đến 13-16 độ. Không nên cho trẻ vừa chơi ngoài trời, vừa chạy vào phòng có bật điều hòa, gây sốc nhiệt, làm bé dễ bị nhiễm bệnh.

Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột này cũng làm cho bé khó thích nghi, gây ra cảm lạnh, ho, sổ mũi và một số bệnh khác.

7. Nên tắt điều hòa khoảng 1 tiếng trước khi ra ngoài

Trẻ em hay bị ốm khi nằm điều hòa là do cơ thể chưa thể tự điều chỉnh nhiệt độ tốt như người lớn.

Bạn nên tắt điều hòa trước 1 tiếng, ngồi trong phòng không bật điều hòa, khi nhiệt độ phòng với nhiệt độ ngoài trời không quá chênh lệch thì mới cho bé ra ngoài. Nếu tắt điều hòa và lập tức ra ngoài bé sẽ dễ bị bệnh về đường hô hấp.

8. Nên thường xuyên vệ sinh điều hòa

Bí quyết để trẻ không bị ốm khi nằm điều hòa - Ảnh 2.

Nên vệ sinh điều hòa thường xuyên, đảm bảo sạch sẽ (Ảnh minh họa)

Tùy vào môi trường của bạn để quyết định việc vệ sinh điều hòa định kỳ sao cho phù hợp. Đối với những nơi có nhiều bụi, không khí ô nhiễm, tốt nhất nên làm sạch bộ lọc hai tuần/lần.

Để vệ sinh tản nhiệt điều hòa không khí, bạn có thể mua chất khử trùng chuyên nghiệp để tự làm sạch

Điều hòa bẩn là nguyên nhân gây bệnh, tốn điện năng hơn và cũng là môi trường lý tưởng để vi khuẩn, nấm mốc trú ẩn, thổi trực tiếp vào người sử dụng.

9. Mặc đồ mỏng dài tay cho bé khi nằm điều hòa

Khi bé nằm trong phòng điều hòa lâu, nhiệt độ cơ thể sẽ giảm thấp xuống, bé sẽ cảm thấy se lạnh hoặc ớn lạnh trên da.

Để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất bạn nên mặc cho bé bộ quần áo mỏng dài tay, tránh để hở quá nhiều phần tay chân dễ gây nhiễm lạnh.

Đối với trẻ sơ sinh, cần mặc kín, đi tất, đội mũ để đảm bảo bé không bị hở những phần da thịt mỏng manh. Nếu nhiễm lạnh sẽ gây ra chứng đau bụng rất nguy hiểm.

10. Đưa bé ra ngoài khi trời mát

Em bé không thể khỏe mạnh nếu bạn giữ mãi trong phòng điều hòa. Dù thời tiết nóng cỡ nào bạn cũng nên lựa chọn thời điểm nhiệt độ thấp nhất để cho bé ra ngoài.

Không khí trong lành dịu mát bên ngoài sẽ là môi trường tốt để bé hít thở và lớn lên.

Việc ra ngoài lúc trời dịu mát hàng ngày giúp bé rèn luyện khả năng thích nghi với thời tiết khí hậu. Không nên quá bao bọc bé sẽ càng dễ làm tổn thương hơn khi lớn lên.

11. Cho bé uống nước ấm

Thời tiết nóng bức, mặc dù bé ngồi trong phòng điều hòa mát mẻ nhưng cơ thể vẫn tiêu thụ và thiếu nước như khi ở bên ngoài.

Cách uống nước tốt nhất là nên pha chút nước ấm để giữ ấm cho cơ thể từ bên trong thay vì uống nước lạnh.

Bạn cũng có thể dùng các loại nước trà nhạt có pha chút đường cho bé uống để tăng thêm hương vị, thanh mát và giải nhiệt.

12. Bảo vệ rốn cho bé

Khi ở trong phòng điều hòa, 2 bộ phận quan trọng cần được giữ ấm nhất đó là rốn và bàn chân của bé.

Để bé luôn khỏe khi nằm điều hòa, tốt nhất bạn nên giữ ấm vừa phải với quần áo cotton thoáng khí, mềm mại, hút mồ hôi.

13. Theo dõi thân nhiệt thường xuyên cho bé

Bạn có thể đo thân nhiệt cho bé ở miệng, nách hoặc hậu môn. Thông thường nhiệt độ của bé khoảng 36-37,5 độ. Nếu cao hơn hoặc thấp hơn thì bạn cần để ý để điều chỉnh.

*Tổng hợp từ Baidu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại