Những cái chết bất ngờ vì chủ quan
Tăng huyết áp là nguyên nhân tử vong hàng đầu thế giới, mỗi năm cướp đi sinh mạng trên 7 triệu người.
Tại Việt Nam, hiện có gần 21 triệu người mắc tăng huyết áp. Số người tử vong vì tăng huyết áp mỗi năm cao hơn 10 lần số người tử vong vì tai nạn giao thông.
Trong đó nhóm dân văn phòng có nguy cơ cao mắc tăng huyết áp, do hội tụ cùng lúc nhiều yếu tố như stress, ngồi nhiều, ăn uống thiếu kiểm soát...
Ngồi nhiều, stress, ăn uống thiếu kiểm soát khiến dân văn phòng dễ mắc tăng huyết áp
Phân tích tại hội nghị Tăng huyết áp Việt Nam lần thứ 2 vừa diễn ra, GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, dân văn phòng hầu hết ăn cơm bụi nên không kiểm soát được lượng muối, lượng dầu mỡ, không ăn đủ rau xanh như ở nhà.
"Chưa kể căng thẳng thần kinh, lười vận động, lối sống tĩnh tại quá lâu nên ngày càng nhiều đối tượng nhóm này bị tăng huyết áp.
Nhiều người khi phát hiện mới ngã ngửa vì không thấy có triệu chứng gì", GS Việt nói.
Với kinh nghiệm hơn 60 năm trong ngành tim mạch, GS Phạm Gia Khải, Chủ tịch danh dự Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, hầu hết bệnh nhân mắc huyết áp cao không có triệu chứng nên thường chủ quan, ngay cả các bác sĩ đầu ngành.
"Khi cố GS Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng ĐH Y 60 tuổi, tôi bảo đo huyết áp cho thầy nhưng thầy nhất quyết bảo tôi có làm sao đâu.
Nhưng khi đo thì huyết áp đã lên tới 180/100mmHg, trong khi người bình thường chỉ có 140/90mmHg", GS Khải dẫn chứng.
3 giáo sư đầu ngành về tim mạch "mổ xẻ" bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp ngoài gây suy thận, nhồi máu cơ tim còn gây ra các biến chứng tai biến mạch máu não cực kỳ lớn, gây xuất huyết não, vỡ mạch máu não.
Theo GS Khải, đó chính là lí do vì sao, nhiều người tử vong đột ngột trong vòng 1-2 phút mà không biết nguyên nhân.
Giáo sư Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho biết, câu chuyện về sự ra đi đột ngột của 2 cha con cố GS Tôn Thất Tùng và Tôn Thất Bách là những minh chứng "đau thương" về biến chứng bệnh tăng huyết áp.
Cả 2 cố giáo sư đều có tiền sử bệnh tăng huyết áp và mất đột ngột vì nhồi máu cơ tim.
Phải điều trị suốt đời
Theo GS Lân Việt, nhiều bệnh nhân rất sai lầm khi dùng thuốc thấy huyết áp giảm lại ngưng điều trị, điều này rất nguy hiểm.
"Nhiều người tối hôm trước huyết áp vẫn bình thường nhưng sáng ngủ dậy huyết áp bất ngờ tăng vọt gây liệt nửa người", GS Việt cảnh báo.
Theo GS, huyết áp cao là bệnh phải điều trị lâu dài, thậm chí điều trị suốt đời nhưng tại Việt Nam có tới 70% bệnh nhân huyết áp cao vẫn chưa đạt được huyết áp mục tiêu ở mức 140/90mmHg trở xuống (tỉ lệ này ở các nước tiên tiến từ 50-55%).
"Có nhiều nguyên do.
Một phần do bệnh nhân hạn chế về kinh tế, chỉ dùng được 1 thuốc, phần khác do quan niệm điều trị không đúng, cứ thấy đỡ là ngưng và quan trọng không kiểm soát được chế độ sinh hoạt, vẫn ăn mặn, ăn mỡ...", GS Việt chỉ rõ.
Theo ông, phần lớn bệnh nhân tăng huyết áp bị cùng lúc nhiều bệnh như đái tháo đường, béo phì, suy thận, bệnh mạch vành, bệnh ngoại vi... nên khuynh hướng chung khi điều trị phải phối hợp dùng nhiều thuốc để khống chế các yếu tố nguy cơ khác.
Các chuyên gia khuyến cáo càng lớn tuổi càng cần ăn nhạt, cố gắng dùng dưới 5g muối/ngày để dự phòng bệnh tăng huyết áp
Tại Việt Nam, để điều trị huyết áp cao, các bác sĩ phổ biến dùng 1-4 thuốc nhưng cũng có trường hợp dùng đến liều tối ưu 5 loại thuốc, quá nữa sẽ gây tác dụng phụ nhưng huyết áp vẫn chưa đạt huyết áp mục tiêu.
Theo các GS đầu ngành, với huyết áp cao, chi phí điều trị do biến chứng cao hơn từ 2- 5 lần so với việc điều trị tăng huyết áp trong cộng đồng. Do đó việc dự phòng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
GS Lân Việt khuyên người dân nên giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày); tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no (mỡ động vật); đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng.
Ngoài ra cần giảm cân (nếu quá cân), kiểm soát vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ; hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp, tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày; tránh stress; tránh bị lạnh đột ngột.
Để đo huyết áp chính xác, trước khi đo có thể ngâm chân trong nước lạnh 4 độ C từ 2-3 phút.
Cần khám sức khỏe định kỳ, nhớ huyết áp của mình như nhớ tuổi, vì huyết áp biến đổi theo ngày, theo từng giai đoạn.