Ngày 10/4/1917, cô gái 18 tuổi Grace Fryer háo hức đi làm ngày đầu tiên với công việc vẽ mặt đồng hồ tại công ty United States Radium Corporation (USRC), Orange, New Jersey. Với cả hai anh trai đều đã đi lính, Grace cho rằng cô cần phải cố gắng tìm lấy một công việc ổn định, kiếm thêm thu nhập để lo cho gia đình.
Cô không hề biết được rằng công việc mới này đã mãi mãi làm thay đổi cuộc đời cô cũng như số phận của những người công nhân lao động cho đến ngày nay.
Những cô gái "bóng ma"
Radium là nguyên tố hóa học mới được nhà hóa học Marie Curie phát hiện ra vào khoảng 20 năm trước khi cuộc chiến tranh thế giới xảy ra.
Với khả năng phát sáng được xem là kỳ diệu, radium đã trở thành một trong những chất hóa học được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ thuốc chữa bệnh cho đến mỹ phẩm. Một trong những ứng dụng phổ biến nhất chính là để vẽ mặt đồng hồ.
Trong thời đại phụ nữ bắt đầu dấy lên tư tưởng về nữ quyền, công việc sơn mặt đồng hồ tại nhà máy của công ty USRC chính là niềm mơ ước của mọi cô gái trẻ.
Làm công nhân ở đây họ được trả gấp 3 lần tiền lương so với các nhà máy khác, chính vì vậy phụ nữ có thể độc lập hơn về tài chính cũng như tự chủ hơn trong cuộc sống của mình.
Hầu hết các công nhân ở nhà máy USRC đều là những cô gái độ tuổi đôi mươi trẻ trung. Với lợi thế có đôi bàn tay nhỏ nhắn và linh hoạt, họ chính là những ứng viên thích hợp nhất cho công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo này.
Một trong những kỹ thuật sơn mà Grace cũng như tất cả các công nhân khác phải thực hiện chính là liếm đầu cọ cho mềm và nhọn trước khi sơn những con số hay chi tiết bé xíu trên đồng hồ. Cứ như thế, mỗi lần họ cho cọ vào miệng, họ lại nuốt một ít sơn radium phát sáng vào người.
Chẳng bao lâu sau, những cô gái sơn mặt đồng hồ còn được biết đến với biệt danh "bóng ma" bởi sau mỗi ngày kết thúc ca làm, gần như cả cơ thể họ đều bao phủ bởi lớp bụi sơn radium khiến họ có thể phát sáng trong bóng đêm. Các cô gái trẻ còn tận dụng lợi thế hiếm có này để làm đẹp cho mình.
Chẳng hạn như mặc bộ váy họ yêu thích nhất đến công xưởng để sau đó chiếc váy có thể tỏa sáng khi họ đến vui chơi tại vũ trường vào ban đêm. Họ thậm chí còn dùng sơn để bôi lên móng tay và răng như một trào lưu làm đẹp thời thượng mà không phải ai cũng có cơ hội để theo đuổi.
Sự thật và những lời dối trá
"Điều đầu tiên tôi hỏi họ là liệu thứ này có gây ảnh hưởng gì đến chúng tôi hay không?", Mae Cubberley, người hướng dẫn cho Grace kỹ thuật liếm cọ nhớ lại.
"Bình thường chẳng ai muốn cho vào miệng những thứ mà họ biết là sẽ gây nguy hiểm cho mình. Nhưng ông Savoy, người quản lý công xưởng, khẳng định với chúng tôi rằng nó không nguy hiểm, không cần phải lo lắng".
Thế nhưng sự thật hoàn toàn không phải vậy. Ngay từ khi nguyên tố phát ra ánh sáng xanh này được phát hiện, nó đã được biết đến như một thứ gây hại cho con người. Ngay cả bản thân bà Marie Curie cũng từng bị bỏng phóng xạ khi tiếp xúc với radium.
Không ít người từng chết vì ngộ độc radium trước khi những nữ công nhân đầu tiên cầm bút vẽ lên mặt đồng hồ. Đó là lý do vì sao công nhân nam làm việc trong nhà máy đều phải mặc tạp dề chì và sử dụng kẹp kim loại để xử lý radium.
Nữ công nhân đã bị chính những người chủ của mình bỏ mặc, thậm chí là không hề cảnh báo họ về sự nguy hiểm của radium.
Mặt khác, vào thời bấy giờ, người ta tin rằng chỉ một lượng nhỏ radium giống như lượng mà những nữ công nhân tiếp xúc mỗi ngày, là rất có lợi cho sức khỏe.
Thực tế người ta còn uống nước pha radium, sử dụng mỹ phẩm, bơ, sữa, kem đánh răng… có chứa nguyên tố "tuyệt diệu" này. Báo chí còn tung hô radium như một "thần dược" có thể kéo dài tuổi thọ cho con người.
Ít người biết rằng tất cả đều là những lời dối trá được dựng lên từ chính những công ty đã và đang sử dụng radium như một nguồn sinh lợi khổng lồ của mình. Họ đã nhắm mắt làm ngơ trước mọi dấu hiệu nguy hiểm. Khi được hỏi đến, các nhà quản lý công ty chỉ nói với các cô gái trẻ rằng, radium sẽ khiến cho má họ hồng hào, rạng rỡ hơn.
Cái chết đầu tiên
Năm 1922, một đồng nghiệp của Grace, Mollie Maggia, buộc phải nghỉ việc bởi tình trạng sức khỏe cô suy giảm bất ngờ. Bắt đầu với cơn đau răng kinh khủng, Mollie đã phải đến nha sĩ để nhổ chiếc răng đó đi.
Chẳng bao lâu sau, chiếc răng kế tiếp lại đau và buộc phải nhổ. Trong miệng Mollie bỗng xuất hiện khối u sưng to, có chứa mủ và dịch vàng gây ra muôn vàn đau đớn. Khối u liên tục chảy nước làm cho hơi thở của Mollie bốc mùi hôi thối.
Ngay cả đôi chân của Mollie cũng đau nhức đến mức cô không thể đi lại được nữa. Bác sĩ chẩn đoán cô bị thấp khớp, chỉ kê aspisin rồi cho cô xuất viện.
Đến tháng 5 năm 1922, tình trạng của Mollie ngày một tồi tệ hơn. Tại thời điểm này, cô đã rụng gần hết răng trong miệng và tình trạng viêm nhiễm bí ẩn đã lan rộng khắp khuôn mặt cô. Toàn bộ hàm dưới, vòm miệng và lỗ tai của Mollie đều nổi lên khối u lớn.
Nhưng điều kinh khủng nhất chưa dừng ở đó. Khi nha sĩ yêu cầu Mollie mở miệng để kiểm tra, chỉ với một động tác chạm rất nhẹ bằng ngón tay, xương hàm của Mollie đã bị gãy vụn. Vị nha sĩ không giấu nổi sự kinh hoàng trong ánh mắt của ông.
Một ngày sau đó, phần xương hàm dưới của Mollie đều bị gỡ bỏ nhưng không cần đến phẫu thuật mà chỉ đơn giản là nha sĩ đưa ngón tay vào miệng cô để lấy ra.
Cơ thể của Mollie đang dần rụng rơi thành từng mảnh. Dĩ nhiên, cô không phải là nạn nhân duy nhất. Lúc này đây, Grace Fryer và rất nhiều công nhân nữ khác bắt đầu có biểu hiện đau nhức hàm và bàn chân.
Ngày 12/9/1922, căn bệnh nhiễm trùng quái ác đã lan đến phần cổ họng của Mollie, ăn sâu đến các tĩnh mạch. Đến 5 giờ chiều hôm đó, Mollie bị vỡ mạch máu, xuất huyết quá nặng nên đã qua đời. Khi đó cô vừa tròn 24 tuổi.
Các bác sĩ lúng túng và bất lực trước căn bệnh lạ của Mollie, cuối cùng họ đã viết trong giấy chứng tử rằng, cô chết vì bệnh giang mai. Sau này công ty USRC đã dùng điều này để chống lại cô trong các vụ kiện.
Sau cái chết kinh hoàng của Mollie, những đồng nghiệp cũng nhanh chóng từng người một, theo dấu chân cô đi vào cửa tử.
Tội ác khủng khiếp được che dấu
Suốt 2 năm trời, công ty USRC hoàn toàn từ chối mọi trách nhiệm cho rằng cái chết của các công nhân nữ tại nhà máy có liên quan đến họ. Tuy vậy tin đồn về thứ thuốc độc gây chết người cũng khiến cho công việc kinh doanh của USRC gặp nhiều trở ngại.
Đến năm 1924, công ty này buộc phải ủy thác cho một chuyên gia công khai nghiên cứu về mối liên hệ giữa công việc sơn mặt đồng hồ và những cái chết bất thường của nữ công nhân để làm yên lòng dư luận.
Kết quả nghiên cứu cho thấy loại sơn chứa radium rõ ràng chính là hung thủ gây nên căn bệnh quái ác và khiến cho nhiều công nhân nữ thiệt mạng. Nhưng thay vì nhận lấy trách nhiệm này, chủ tịch công ty USRC đã tung tiền để lật ngược lại kết quả nghiên cứu.
Người này còn dùng đủ mọi chiêu trò để lừa dối Bộ Lao động khi họ đang bắt đầu rục rịch điều tra. Không chỉ vậy, hắn ta còn công khai chỉ trích các nạn nhân rằng họ chỉ đang lợi dụng bệnh tật của bản thân để kiếm chác tiền bồi thường từ công ty mà thôi.
Ánh sáng xanh không biết nói dối
Cái chết kinh hoàng liên tục ập đến khiến cho các công nhân nữ hoảng loạn và sợ hãi. Thử thách lớn nhất mà họ phải đối mặt chính là làm sao để tìm ra được mối liên hệ giữa căn bệnh bí ẩn và chất radium mà họ đã phải nuốt đến hàng trăm lần mỗi ngày.
Bên cạnh đó, nhiều người vẫn tin tưởng rằng radium là một chất có lợi cho sức khỏe khiến cho cuộc chiến của các công nhân nữ thấp cổ bé họng càng thêm khó khăn. Thực tế, mãi cho đến khi người công nhân nam đầu tiên ở công ty radium qua đời, các chuyên gia mới thật sự nghiêm túc xem xét đến những ảnh hưởng của chất phóng xạ nguy hiểm này đối với con người.
Năm 1925, bác sĩ Harrison Martland đã tiến hành nghiên cứu và chứng minh rằng radium chính là thủ phạm giết chết các cô gái trẻ trong nhà máy USRC. Thực chất từ năm 1901, radium đã được chứng minh có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến con người khi tiếp xúc bên ngoài.
Pierre Curie, chồng của bà Marie Curie, từng viết rằng sẽ không một ai muốn ở trong phòng cùng với một ký radium nguyên chất vì thứ phóng xạ nguy hiểm này có thể đốt cháy toàn bộ da trên cơ thể con người, phá hủy thị lực và tệ hơn là gây tử vong.
Bác sĩ Harrison phát hiện rằng khi tiêu thụ radium qua đường miệng, dù chỉ với lượng chất rất nhỏ cũng có khả năng gây hậu quả kinh khủng gấp nghìn lần.
Radium sau khi vào cơ thể các nạn nhân đã phát ra bức xạ liên tục khiến cho cấu trúc xương của họ bị phá hủy. Radium tấn công trên toàn bộ cơ thể của các cô gái: cột sống của Grace như bị nghiền nát và cô buộc phải dùng nẹp thép mới có thể ngồi vững, một cô gái khác có phần cằm biến mất, chân của cô bị rút ngắn lại và gãy vụn một cách tự nhiên.
Đáng sợ hơn nữa, những đoạn xương bị hủy hoại ấy vẫn tiếp tục phát sáng trong đêm như minh chứng kinh hoàng nhất của chất độc radium.
Đáng tiếc là một khi đã nhiễm độc phóng xạ, số phận của các cô gái chỉ còn là đau đớn và cái chết chứ không có cách nào chữa trị được. Và họ, những cô công nhân trẻ tuổi phơi phới buộc phải trơ mắt nhìn vào một tương lai khủng khiếp mà chỉ có cái chết mới kết thúc được mọi thứ.
Cuộc chiến giành lại công bằng cho những công nhân nữ
Bất chấp ngành công nghiệp radium ra sức chèn ép, dùng mọi thủ đoạn để vùi dập nghiên cứu của bác sĩ Harrison, các công nhân nữ tại nhà máy biết rằng họ không còn đường nào khác là phải cùng đoàn kết đứng lên đấu tranh đòi lại công bằng cho tất cả những người cùng cảnh ngộ.
"Cuộc chiến này không phải vì bản thân tôi", Grace Fryer nói. "Tôi đang nghĩ đến hàng trăm cô gái trẻ khác và muốn họ nhìn vào chúng tôi như những ví dụ".
Grace đã lãnh đạo các công nhân nữ, quyết tâm tìm cho họ một luật sư mặc cho bao nhiêu lần bị từ chối. Những luật sư đó, người thì phớt lờ vì không tin vào lời nói của phụ nữ, có người vì e sợ uy quyền của các công ty radium, cũng có người không muốn tham gia vào một cuộc chiến pháp lý mà họ buộc phải lật ngược lại những điều luật vốn có…
Vào thời điểm đó, ngộ độc radium không phải là một căn bệnh có thể được đền bù. Căn bệnh thậm chí không được phát hiện cho đến khi các dấu hiệu xuất hiện rõ ràng trên người các nạn nhân. Bên cạnh đó luật pháp quy định những người bị ngộ độc do nghề nghiệp buộc phải chứng minh và chỉ giải quyết vụ án trong vòng 2 năm.
Thế nhưng ngộ độc radium là một câu chuyện khác. Hầu như các nạn nhân chỉ phát bệnh khoảng sau 5 năm làm việc tiếp xúc với chất độc phóng xạ này. Cuối cùng, họ bị mắc kẹt trong một cuộc chiến lẩn quẩn không có một chút công bằng nào.
Năm 1927, một luật sư trẻ tên Raymond Berry đã chấp nhận đại diện cho "những cô gái radium" trong vụ kiện lịch sử chống lại USRC. Trong khi phía công ty liên tục tìm cách kéo dài trình tự pháp lý thì Grace cùng những đồng nghiệp khác chỉ còn vài tháng ngắn ngủi để sống.
Cán cân công lý lại nghiêng về phía kẻ mạnh. Grace và các bạn bị buộc kết thúc vụ kiện bằng việc hòa giải ngoài tòa thế nhưng điều họ làm được còn hơn cả mong đợi. Vụ ngộ độc radium đã bắt đầu khiến cho công chúng để ý tới. Hàng loạt trang nhất của các tờ báo đều đăng tin về "những cô gái radium", tạo nên một làn sóng ảnh hưởng mạnh mẽ trên khắp nước Mỹ.
Tại Ottawa, Illinois, công ty Radium Dial cũng bắt chước chiêu trò của USRC, chối bỏ mọi trách nhiệm liên quan đến tình trạng sức khỏe của các công nhân nữ bị ngộ độc radium.
Họ đặt quảng cáo lớn trên tờ báo địa phương, khẳng định rằng: "Nếu công việc tại nhà máy gây ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe của người lao động thì công ty chúng tôi đã phải bị đóng cửa từ lâu".
Nỗ lực che dấu vụ bê bối này của công ty Radium Dial còn nghiêm trọng đến mức họ đã lấy trộm xương của các nạn nhân bị ngộ độc để làm sai lệch kết quả khám nghiệm tử thi của cơ quan điều tra.
Năm 1928, Sabin Von Sochocky, một trong những người sáng lập của Tổng công ty Radium Hoa Kì và cũng là người đã phát minh ra loại sơn tẩm radium, đã chết vì bị phơi nhiễm bởi sản phẩm của chính mình.
"Những cô gái radium" đã làm nên lịch sử
Năm 1938, một nữ công nhân tại Illinois, Catherine Donohue, đã phát triển một khối u lớn bằng quả bưởi trên hông. Giống như Mollie Maggia, Catherine đã rụng hết răng, xương hàm bể nát thành từng mảnh và cô cũng phải liên tục dùng khăn tay để thấm lấy chất dịch vàng hôi thối chảy ra từ khối u trong miệng.
Từ trên giường bệnh và cận kề cái chết, Catherine cùng với sự giúp đỡ của luật sư Leonard Grossman cuối cùng đã giành được chiến thắng trong vụ kiện đối với công ty của mình. Chiến thắng này không chỉ cho bản thân Catherine mà còn cho tất cả công nhân phải chịu sự bất công trên khắp nước Mỹ.
Cuộc chiến giành công lý của "những cô gái radium" trở thành trường hợp đầu tiên người sử dụng lao động buộc phải chịu trách nhiệm về sức khỏe cho người lao động của công ty. Từ sau đó, hàng loạt các quy định về bảo vệ an toàn cho người lao động được hình thành.
Cơ quan An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp (OSHA) cũng đã được thành lập và hiện vẫn đang hoạt động trên toàn nước Mỹ để bảo vệ lợi ích và sức khỏe của những người lao động. Những cô gái yểu mệnh nhưng có lòng can đảm và nghị lực phi thường đã để lại một di sản vô giá cho khoa học bằng chính mạng sống của mình.
"Những cô gái radium" không chỉ khiến cho lịch sử thay đổi mà họ đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu công nhân khác sau này.
Những vị anh hùng ấy cho đến giờ này dưới lòng đất, từng khúc xương của họ vẫn phát ra thứ ánh sáng xanh ghê rợn như một lời nhắc nhở về sức mạnh và những ảnh hưởng kinh khủng của radium - chất phóng xạ từng một thời được xem là "thần dược".