Theo tính toán, trung bình một người sẽ dành 20,000 phút của đời cho việc hôn. Vào ngày Lễ tình nhân Valentine năm 2013, một cặp đôi Thái Lan đã lập kỷ lục thế giới cho nụ hôn dài nhất: tận 58 tiếng 35 phút và 16 giây. Trên thực tế, nụ hôn đã có lịch sử hơn 3.500 năm nay. Ghi chép lâu đời nhất lịch sử về hành động này là từ năm 1500 trước Công nguyên ở Ấn Độ. Người ta tin rằng Alexander Đại đế chính là người đã đem nụ hôn từ Ấn Độ về vùng Trung Đông và và Hy Lạp, La Mã cổ đại.
Các nhà tâm lý học cho rằng hành động hôn mà chúng ta nhìn thấy bây giờ có thể bắt nguồn từ hành động mớm con thường thấy ở loài chim và một số loài động vật có vú khác. Còn với con người hiện đại, hôn là sự thể hiện tình yêu một cách lãng mạn.
Đồng ý là như vậy nhưng tại sao lại là hôn môi? Con người hoàn toàn có thể thể hiện sự lãng mạn bằng cách khác, như là cọ trán, đập tay hay chạm mông. Chúng ta đều từng nghe những câu chuyện về người Eskimo ở Alaska hay người Moris - thổ dân New Zealand - chào nhau bằng cách cọ mũi. Có vô số nơi mà chúng ta có thể chạm lên cơ thể của người kia để đảm bảo vệ sinh hơn kia mà.
Vẫn chưa có bất cứ kết luận về lý do người xưa phát kiến ra nụ hôn nhưng các nhà nghiên cứu cũng đưa ra một vài giả thuyết, trong đó giả thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất là hôn môi xuất phát từ bản năng bảo tồn giống nòi của con người, rằng nụ hôn giúp chúng ta tìm ra người bạn đời phù hợp.
Ông Micheal Stevens, một giảng viên khoa học ở Mỹ, từng nói: "Nước bọt của bạn mang theo cả những thông tin về bạn, về tình trạng sức khỏe của bạn. Màng nhầy trong miệng chúng ta cho các hormone như testosterone thấm qua, nên hôn trở thành một cách chúng ta "thử". Một nụ hôn đẹp có thể là bằng chứng sinh học rằng người đó là một người bạn đời phù hợp".
Ông cũng giải thích thêm rằng những người tiền sử hôn nhiều hơn những người tiền sử khác có lẽ đã chọn được những người bạn đời tốt hơn, sinh sản những thế hệ mang gen tốt hơn để tiến hóa.
Ngoài ra, nụ hôn còn mang lại rất nhiều lợi ích khác. Theo tạp chí Cosmopolitan ấn hành năm 2017, hôn nhau giúp nhân đôi tốc độ trao đổi chất của cơ thể chúng ta. Một nụ hôn có thể đốt cháy 2 calo/phút, với những nụ hôn say đắm thì lên đến 6 calo/phút. Hành động này còn khiến chúng ta vận động cơ mặt: một nụ hôn kiểu Pháp cần tới sự vận động của 146 loại cơ. Không chỉ vậy, hệ miễn dịch của ta cũng được củng cố. Nghe thì có vẻ không đúng lắm khi mà chúng ta trao đổi những 80 triệu vi khuẩn mỗi lần hôn, song nó cũng đưa vào cơ thể những loại vi khuẩn mới. Giống như được tiêm vaccine, nó giúp cơ thể chúng ta có thể chống chọi tốt hơn, miễn dịch tốt hơn.
Cũng không thể phủ nhận rằng hôn làm chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Hank Green, một vlogger khoa học, từng nói trong một video của mình rằng, môi và lưỡi chúng ta chứa đầy những dây thần kinh nhạy cảm. Nếu đó là một nụ hôn nồng nàn, các mạch máu giãn ra làm má chúng ta sẽ đỏ lên, đồng tử chúng ra to ra, mắt chúng ta mơ màng hơn, nhịp tim chúng ta thì tăng, bơm thêm nhiều oxy lên não.
Khi hôn, não bộ cũng sản sinh ra nhiều chất hóa học giúp nâng cao tâm trạng con người, như dopamine làm ta có cảm hứng, serotonin làm ta thấy hạnh phúc hay oxytocin hay còn gọi là hormone của tình yêu vì nó giúp ta hưng phấn.
Tuy vậy, trên hết, nụ hôn là sự kết nối, là sự cam kết của các cặp đôi đối với tình cảm của họ. Khi được hỏi về ý nghĩa của nụ hôn trên truyền hình, một người đàn ông từng trả lời, một trong những điều tuyệt vời nhất về việc hôn là vì nó luôn xuất phát từ những điều tích cực. Nó là một khoảnh khắc thân mật, tin tưởng giữa những người gần gũi nhất.
Vậy nên hãy đừng bận tâm nhiều về nguồn gốc của nụ hôn hay việc nó có ảnh hưởng gì tới sức khỏe hay không nữa. Hãy tận hưởng khoảnh khắc đặc biệt đó của bạn mỗi ngày nếu có thể.