BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế siết chặt kê đơn biệt dược gốc

Khánh Ngọc |

Ngày 8/9, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Y tế về việc thống nhất tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc năm 2018 theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Theo đó, đối với các bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế, các Bệnh viện trực thuộc Bộ Quốc phòng như Bệnh viện trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103, Viện Bỏng Lê Hữu Trác, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Y học cổ truyền quân đội, các bệnh viện trực thuộc Bộ Công an như Bệnh viện 198, Bệnh viện 30/4 và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc tối đa bằng 30 % tổng chi thuốc.

Các bệnh viện tuyến trung ương có tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc không quá 30% tổng chi thuốc, các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc nhỏ hơn 30% tổng chi thuốc giữ nguyên tỷ lệ sử dụng như năm 2016.

Đối với Bệnh viện hạng 1 trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 25% so với tổng chi thuốc.

Các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc thực tế trong năm 2016 lớn hơn 25%, điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 25% tổng chi thuốc. Các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc nhỏ hơn 25%tổng chi thuốc, giữ nguyên tỷ lệ sử dụng năm 2016.

Bệnh viện hạng 2 trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương, tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 15% tổng chi thuốc, các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc nhỏ hơn 15% chi thuốc, giữ nguyên tỷ lệ sử dụng như năm 2016.

Bệnh viện hạng 3 trực thuộc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám chữa bệnh tương đương tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 4% so với tổng chi thuốc, các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc thực tế trong năm 2016 lớn hơn 4% điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc không quá 4% tổng chi thuốc, các bệnh viện có tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc nhỏ hơn 4% thuốc chi, giữ nguyên tỷ lệ sử dụng như năm 2016.

Không sử dụng biệt dược gốc tại các cơ sở khám chữa bệnh hạng 4, trạm y tế xã, các cơ sở khám chữa bệnh không phân hạng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh về việc sử dụng biệt dược gốc không vượt quá quy định so với tỷ lệ đã thống nhất, đồng thời chỉ đạo việc kê đơn thay thuốc biệt dược gốc đã hết hạn, bản quyền các thuốc Generic nhóm 1 có nhiều số đăng ký đám ứng yêu cầu điều trị tại các cơ sở y tế.

Trước đó, vào tháng 3/2017, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Từ vài năm trở lại đây, công tác đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập được chỉ đạo quyết liệt và có bước đổi mới quan trọng, giảm được giá thuốc thuộc nhóm generic tới 35% (so với khi thực hiện đấu thầu theo cơ chế cũ).

Riêng đối với công tác đấu thầu thuốc, quản lý giá thuốc biệt dược chưa được triển khai hiệu quả.

Hiện nay đã có hàng trăm loại thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ và có thuốc generic tương tự được chứng minh tương đương sinh học với thuốc biệt dược gốc đáp ứng yêu cầu điều trị theo tiêu chuẩn cao nhất được các nước tham gia ICH (Nhóm 1) áp dụng, trong đó nhiều loại thuốc đã có 2 đến 3 số đăng ký với giá rẻ hơn nhiều so với thuốc biệt dược và chi phí mua các loại biệt dược này rất lớn.

Để giải quyết các bất cập trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sửa đổi, bổ sung quy định về việc mua thuốc biệt dược gốc đã hết bản quyền để giảm giá thuốc thông qua đấu thầu rộng rãi với các thuốc thuộc Nhóm 1 đã có nhiều số đăng ký đáp ứng yêu cầu điều trị theo danh mục do Bộ Y tế công bố.

Biệt dược gốc là sản phẩm thuốc có chứa dược chất mới do các nhà nghiên cứu hoặc các nhà sản xuất sáng chế ra. Hãng dược đứng tên bằng phát minh được phép sản xuất độc quyền sản phẩm trong một thời gian nhất định (thường là từ 10 đến 20 năm kể từ ngày dược chất được tìm thấy).

Và trong thời gian bảo hộ, một công ty khác muốn sản xuất thuốc theo biệt dược gốc phải được sự cho phép của hãng độc quyền, đồng thời phải trả tiền bản quyền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại