Thực hiện tự chủ nhưng vẫn phải đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ảnh: TTXVN
Kết quả "buồn"
Tại Bệnh viện Bạch Mai, từ quý II/2022, khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, số lượng bệnh nhân tăng lên đột biến, cũng là lúc bộc lộ rất nhiều khó khăn do thực hiện tự chủ toàn diện. Từ tình trạng thiếu rất nhiều trang thiết bị trong khám chữa bệnh, khiến người bệnh phải chịu thiệt; đến khó khăn trong thu - chi... Bệnh viện cũng lao đao khi nhân viên y tế chuyển việc, nghỉ việc hàng loạt...
Từ chỗ là một trong số những bệnh viện sớm có thiết bị đồng bộ, hiện đại trong chẩn đoán ung thư ở giai đoạn trước; từ năm 2020 đến nay, toàn bộ thiết bị này của Bệnh viện lại trở về " con số 0 " tròn trĩnh. Trong số này, nhiều thiết bị như máy chụp cộng hưởng từ, máy xạ trị gia tốc, máy phẫu xạ …hiện đã hết hợp đồng, một số lại vướng vào thủ tục pháp lý; thậm chí hệ thống thiết bị y tế phục vụ phẫu thuật như: Robot Rosa, kính hiển vi phẫu thuật, hệ thống phẫu thuật nội soi cũng hết hợp đồng liên doanh, liên kết, nên đành " đắp chiếu " để đấy.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Nguyên nhân là do cơ chế ký kết các hợp đồng liên doanh, liên kết còn lỏng lẻo, văn bản pháp quy chưa rõ ràng, nên khi các cơ quan kiểm tra đã phát hiện sai phạm. Vì vậy, không có nhà đầu tư nào tiếp tục ký kết hợp đồng với Bệnh viện.
Bệnh viện hiện cũng rất khó khăn. Dù đang tích cực mua sắm, nhưng nguồn tài chính không cho phép để bệnh viện có thể đầu tư lớn, bởi phải cần hàng nghìn tỷ để mua sắm trang thiết bị.
Hơn 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ, cùng với ảnh hưởng của dịch COVID-19, toàn bộ nguồn ngân sách của Bệnh viện đã rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn; thậm chí còn không đủ đảm bảo chi thường xuyên, chi lương thưởng cho cán bộ, nhân viên của Bệnh viện.
Cũng theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, về nhân lực, trong 2 năm qua, nhiều chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên sâu đã rời Bệnh viện sang khu vực y tế tư nhân (kế cả một số cán bộ cấp cao, có học hàm, học vị và uy tín trong ngành y tế). Cụ thể, trong năm 2021, đã có hơn 200 cán bộ viên chức xin thôi việc; 9 tháng năm 2022, con số này là 105. Không chỉ riêng đội ngũ y bác sĩ, mà cả đội ngũ cán bộ khối hậu cần cũng xin nghỉ do áp lực trong công việc.
"Hiện thu nhập tăng thêm của nhân viên y tế chỉ bằng một nửa, thậm chí có khoa chỉ bằng 1/5 so với mức thu nhập năm 2019. Dù chúng tôi đã cố gắng nhưng vẫn không giữ chân được", PGS.TS Đào Xuân Cơ chia sẻ.
Cũng đối mặt với nhiều khó khăn khi thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện, Bệnh viện K cũng như đang “bị trói chân” khó bứt phá được.
Chia sẻ tại tọa đàm “Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn" do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức vừa qua, PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết: “Dù thực hiện tự chủ hay không thì bệnh nhân đến Bệnh viện K vẫn đông, hiện nay số bệnh nhân đến bệnh viện tăng khoảng 30- 40% so với trước dịch nhưng nguồn thu của Bệnh viện lại giảm 1/3, thiếu máy móc để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Nếu trước đây, Bệnh viện có 9 máy xạ trị, thì nay chỉ 5 máy hoạt động. Có máy đã hết khấu hao, nên các máy còn lại phải hoạt động hết công suất 23- 24 tiếng/ngày, bệnh nhân phải xạ trị cả vào ban đêm. Hiện Bệnh viện cần thêm khoảng 10 máy để đáp ứng điều trị nhưng giá của máy xạ trị tới 130 tỷ đồng/máy, nếu đầu tư thì sẽ cần rất nhiều tiền”.
Cùng với đó, Bệnh viện K cũng đang gặp khó khăn về tài chính. Cụ thể, Bệnh viện đang xây dựng cơ sở 1, ở giai đoạn xây thô, cần 1.020 tỷ đồng để hoàn thiện. Nếu tự chủ, Bệnh viện sẽ không lo được nguồn vốn này.
Cũng theo PGS.TS Lê Văn Quảng, thực hiện tự chủ trong giai đoạn hiện nay, Bệnh viện phải đối mặt với rất nhiều thách thức, mà trước tiên là không biết lấy vốn ở đâu để đầu tư nâng cấp trang thiết bị và công nghệ; tiếp đó là việc chưa tính đúng, tính đủ vào giá dịch vụ y tế.
PGS.TS Đào Xuân Cơ cũng cho rằng, tự chủ toàn diện là Bệnh viện được tự chủ về giá; tuy nhiên, chúng ta chưa có luật về giá. Trong khi đó, hiện nay, giá dịch vụ ở bệnh viện công lập vẫn đang phải tuân thủ quy định; bởi Bệnh viện công lập phải phục vụ an sinh xã hội chứ không thể nâng giá dịch vụ lên để tăng doanh thu được. Đó là chưa kể, trước đây Bệnh viện thực hiện liên doanh, liên kết nên giá dịch vụ được tính theo giá liên doanh, liên kết. Nhưng khi kiểm tra lại không có văn bản hướng dẫn thu giá liên doanh, liên kết rõ ràng; vì vậy khi thực hiện, Bệnh viện rất dễ vướng và dễ sai phạm.
Cần nhất là cơ chế phù hợp
Vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đều đã xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện và chuyển sang thực hiện tự chủ chi thường xuyên. Bộ Y tế cũng đã báo cáo và kiến nghị dừng thí điểm cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K; cả 2 bệnh viện sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các Nghị định của Chính phủ.
Theo GS.TS. Lê Văn Quảng, Bệnh viện cần được Nhà nước đầu tư trong khoảng 3- 5 năm; khi đã có đủ máy móc, có tích lũy thì sẽ xin chuyển sang tự chủ theo nhóm 1 của Nghị định 60. Như thế sẽ đỡ vất vả cho bệnh viện và cũng đảm bảo được an sinh xã hội tốt hơn.
Còn theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, khi thực hiện tự chủ, cần có sự chỉnh sửa để các đơn vị được tự chủ thêm, trao thêm một số quyền cho các bệnh viện. Đồng thời chỉnh lý, bổ sung các điều khoản, thông tư về mua sắm, liên doanh liên kết, đấu thầu… cập nhật vào các văn bản pháp quy cho phù hợp. Đặc biệt, việc thực hiện tự chủ toàn diện cần tránh việc dễ đẩy đến "tư nhân hóa bệnh viện công " . Bởi chúng ta luôn coi trọng vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân và công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; nhất là ở bệnh viện công lập tuyến cuối. Vì vậy, việc tự chủ toàn diện trong đó có tự chủ về giá, cần phải hết sức cân nhắc. Với bệnh viện, thực hiện ở mức độ chi thường xuyên là "vừa phải " .
Theo đó, nếu muốn bệnh viện tự chủ toàn diện, cần phải có lộ trình, trong đó bao gồm việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ kỹ thuật, mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế cũng phải tăng lên và có nhiều mức đóng để người đóng cao được chi trả cao; người diện chính sách, người nghèo thì được hỗ trợ.
Để tháo gỡ về mặt thể chế khi các bệnh viện thực hiện tự chủ, TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng: Chúng ta cần phải xây dựng Thông tư về khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu; để tất cả các bệnh viện có thể tự chủ được về mặt tài chính. Việc tính đúng, tính đủ theo 7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế cũng cần phải thực hiện có lộ trình; nếu như hiện nay mới chỉ xem xét 4/7 yếu tố cấu thành giá thì nguồn kinh phí chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó, cần phải có văn bản hướng dẫn về việc liên doanh, liên kết; điều này phải trên cơ sở Luật quản lý tài sản công; phải có cơ sở pháp lý một cách rõ ràng thì mới có thể thực hiện được.
Cũng theo TS. Nguyễn Huy Quang, hiện chúng ta vẫn đang vướng về việc xác định điều kiện tự chủ, khả năng tự bảo đảm nguồn thu. Đặc biệt là vai trò đảm bảo của Nhà nước trong điều kiện nếu ngân sách bệnh viện không tự chủ được và có sự việc bất khả kháng.
Bên cạnh đó, cần phải điều chỉnh tiền lương, tiền công theo đặc thù của ngành Y tế; đặc biệt là điều chỉnh việc áp dụng thuế sử dụng đất, hiện nay nhiều bệnh viện thực hiện tự chủ chưa tự chủ được nhưng vẫn phải lo đóng thuế đất …
“ Nếu có thể chế pháp lý rõ ràng, xử lý được tất cả những vấn đề còn tồn tại thì sẽ có con đường thênh thang, rộng mở để các bệnh viện có thể thỏa sức sáng tạo. Từ đó, có thể phát triển bệnh viện một cách bền vững và người thụ hưởng chính là người dân ", TS. Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.