Bệnh nhân 45 tuổi suýt đột tử vì vỡ động mạch chủ đột ngột

Hoàng Lan |

(PLO)- Khi vào viện, bệnh nhân chỉ còn thở ngáp cá, mạch huyết áp không đo được, không nghe được tiếng tim.

Ngày 24-4, tin từ Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết vừa cứu sống bệnh nhân LTT (45 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bị vỡ động mạch chủ ngực nguy kịch.

Trước đó, vào khoảng 17 giờ 30 ngày 18-4, bệnh nhân đột ngột đau ngực, mất tri giác được người nhà đưa vào khoa cấp cứu của BV Nhân dân Gia Định. Lúc này, mặt mày bệnh nhân nhợt nhạt, thở ngáp cá, huyết áp và mạch không đo được, không nghe tiếng tim, tay chân lạnh, môi tím.

Qua chụp MSCT ngực, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị phình động mạch chủ ngực kèm tràn dịch ngoài màng tim, nghi phình động mạch đã vỡ. Ngay lập tức, các bác sĩ đã hội chẩn để phẫu thuật khẩn cấp cho bệnh nhân dù cơ hội cứu sống không cao nhưng không mổ chắc chắn bệnh nhân sẽ chết.

Bệnh nhân 45 tuổi suýt đột tử vì vỡ động mạch chủ đột ngột - Ảnh 1.

Sau ca phẫu thuật vỡ động mạch chủ ngoạn mục, bệnh nhân đã được cứu sống. Ảnh: BVCC

Trong ca mổ kéo dài 5 tiếng đồng hồ, các bác sĩ đã lấy máu tụ ra và thay thế khối phình động mạch chủ ngực đang vỡ chảy máu bằng mạch máu nhân tạo dài khoảng 12 cm.

Sau ca mổ, bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tim thêm 30 giờ, sau đó tự thở được huyết động ổn và rút nội khí quản sau 72 giờ, không có biểu hiện suy tạng, hồi phục nhận thức. Dự kiến bệnh nhân có thể xuất viện trong tuần tới.

TS-BS Bùi Minh Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật tim, BV Nhân dân Gia Định cho biết phình động mạch chủ ngực thường gặp ở người lớn tuổi, từ 60 tuổi trở đi có bệnh lý xơ vữa động mạch và tăng huyết áp. Ở độ tuổi trẻ hơn, bệnh này có thể xảy ra ở những người gặp bệnh lý nhiễm trùng (giang mai, nhiễm trùng máu…).

Điều đáng chú ý là phình động mạch chủ ngực thời gian gần đây gặp ở độ trẻ hơn (40-50 tuổi). Ở trường hợp bệnh nhân nữ vừa được cứu sống, nguyên nhân có thể do bệnh mô liên kết bẩm sinh. Bệnh nhân may mắn được cấp cứu, phẫu thuật kịp thời, nếu chậm hơn một thời gian ngắn nữa, có thể sẽ không cứu được. Động mạch chủ ngực xuất phát từ tim, là động mạch lớn nhất của cơ thể, sau khi vỡ sẽ gây chèn ép tim cấp, thiếu máu tạng (não, gan,thận… ) dẫn đến tử vong.

“Việc người nhà tin tưởng đội ngũ y bác sĩ, đồng thuận phẫu thuật khẩn cấp đã phần nào đã rút ngắn thời gian gây nguy hiểm tính mạng và tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân”, BS Thành nhận định.

Đối với những người trẻ tuổi, có tăng huyết áp và đau ngực, nên khám sức khoẻ định kỳ để có thể phát hiện phình động mạch chủ ngực, từ đó có phương pháp theo dõi và điều trị kịp thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại