Bệnh hô hấp nguy hiểm ở trẻ em gia tăng khó lường

Ngọc Minh |

Thời tiết đang chuyển mùa từ xuân sang hè là thời điểm thuận lợi cho bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV) bùng phát mạnh.

Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, số bệnh nhân mắc virus hợp bào hô hấp (RSV) tới bệnh viện điều trị đang có xu hướng gia tăng và diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và có bệnh lý nền.

Theo thống kê của bệnh viện, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 5/3/2023, tổng số ca nhiễm RSV ghi nhận trong toàn bệnh viện là 1.025 trường hợp. Chỉ tính riêng từ ngày 1/3-5/3 là 157 ca mắc.

Virus RSV là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa Thu – Đông hoặc Xuân – Hè (từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm).

Cũng theo TS.BS Phạm Thị Thuận, phụ trách Chủ nhiệm khoa Nhi (Bệnh viện Trung ương quân đội 108), RSV là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh đường hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là bệnh viêm tiểu phế quản và viêm phổi ở trẻ em dưới hai tuổi. Thời điểm xuân sang hè, không khí có sự thay đổi, sự kết hợp giữa lạnh và ẩm khiến virus sinh sôi mạnh. Thời tiết thay đổi khiến tế bào đường hô hấp dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với virus.

RSV lây truyền qua giọt bắn và dịch tiết đường hô hấp của người nhiễm bệnh khi ho, hắt hơi, chảy mũi, hoặc tiếp xúc trực tiếp như tiếp xúc dịch tiết hô hấp trên các bề mặt.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị nhiễm RSV do sức đề kháng kém. Nhiễm RSV có thể dẫn đến viêm tiểu phế quản, viêm phổi hoặc đồng nhiễm cả hai với các biểu hiện như: Khó thở, thở nhanh hơn bình thường; Ho ngày càng nặng; Thờ ơ, mệt mỏi, giảm hứng thú với mọi thứ xung quanh hoặc chán ăn.

Bệnh hô hấp nguy hiểm ở trẻ em gia tăng khó lường - Ảnh 1.

Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhi. (Nguồn ảnh: T.L)

Bác sĩ Thuận cho biết các triệu chứng trên xuất hiện theo từng giai đoạn bệnh chứ không đến cùng một lúc và có xu hướng nặng dần. Biểu hiện lâm sàng nhiễm RSV rầm rộ vào khoảng ngày thứ 5 của bệnh và thường cải thiện sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, cơn ho có thể kéo dài khoảng 4 tuần do sự phục hồi chậm của các tế bào có lông mao.

Các yếu tố tăng nguy cơ mắc RSV và khiến bệnh trở nặng

- Trẻ đẻ non, cân nặng khi sinh thấp.

- Trẻ dưới 3 tháng tuổi.

- Trẻ có bệnh tim bẩm sinh có tăng áp lực động mạch phổi.

- Trẻ có bệnh phổi mạn tính như loạn sản phế quản phổi.

- Trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh, suy dinh dưỡng nặng.

- Trẻ có mắc bệnh lý thần kinh cơ.

Làm gì để phòng tránh RSV?

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh do RSV gây ra. Do đó, chúng ta vẫn áp dụng các biện pháp điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ và điều trị các biến chứng (nếu có). Vì thế, các chuyên gia khuyên phòng bệnh là cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.

Để tránh bị nhiễm virus RSV ở trẻ nhỏ, bác sĩ khuyến cáo:

- Ngay từ khi mang thai, cần chăm sóc bà mẹ, để đảm bảo trẻ sinh ra đủ tháng, đủ cân và khỏe mạnh;

- Cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu;

- Cho ăn dặm đúng phương pháp đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng;

- Môi trường sống trong lành, không có khói, bụi, khói thuốc lá;

- Vệ sinh mũi họng thường xuyên: nhỏ mũi bằng nước muối sinh lí (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lí;

- Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường;

- Hạn chế cho trẻ ra ngoài vào sáng sớm hoặc đêm lạnh, nếu bắt buộc ra ngoài phải đeo khẩu trang, giữ ấm cho trẻ;

- Hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Đối với trẻ lớn, thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế;

- Tiêm vắc xin phòng bệnh theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Bác sĩ cho biết hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu. Do đó, ở những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến bệnh nặng khi nhiễm RSV có thể tiêm dự phòng kháng thể đơn dòng mỗi tháng một lần vào mùa dịch, giúp tăng cường miễn dịch chống lại RSV tốt hơn. Nên tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin được khuyến cáo theo độ tuổi, đặc biệt với trẻ nhỏ và đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt tốt để cơ thể mạnh khỏe một cách tự nhiên, phòng ngừa bệnh tật.

Các chuyên gia cho rằng việc sử dụng vắc xin đường uống như ly giải vi khuẩn cũng góp phần hỗ trợ tạo đề kháng cho đường hô hấp, giúp trẻ phòng chống sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, trong đó có RSV.

Ngoài ra, tránh đưa trẻ đến nơi công cộng như siêu thị, trung tâm thương mại… nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng và lây lan virus trong mùa RSV. Khi trẻ bị bệnh, nên cách ly và chăm sóc trẻ tại nhà để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại