Bé trai nuốt bóng đèn, mất 1 phần phổi

A. Thư |

Cậu bé nuốt phải bóng đèn led suốt cả năm nhưng gia đình không phát hiện ra. Các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 phải phẫu thuật cắt bỏ một phần phổi phải cứu cháu bé.

Cậu bé T.H.L. (6 tuổi) được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) vì sốt, ho, ói. Không ngờ các triệu chứng trông có vẻ bình thường ở trẻ em ấy lại dẫn đến một ca đại phẫu, cắt bỏ một phần phổi phải.

Theo gia đình, cách đây 1 năm, cháu bé từng được đưa đi khám vì ho và nôn ói nhiều. Sau ít ngày uống thuốc, triệu chứng có đỡ nên cha mẹ tưởng rằng vậy là xong. Ai ngờ, các triệu chứng ho và ói tái lại nhiều lần và ngày một nặng thêm.

Khi bé được đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ mới phát hiện ra nguyên nhân là một chiếc bóng đèn led đang nằm ở khu vực đáy phổi bên phải, thậm chí có thể sờ được qua thăm khám bằng tay. Ban đầu, các bác sĩ tìm cách nội soi để gắp dị vật ra.

Tuy nhiên, bóng đèn đã bị ăn quá sâu vào các mô, đồng thời tình trạng nhiễm trùng đã quá nặng, thùy dưới phổi phải thậm chí còn có một lỗ thủng. Bóng đèn led tuy rất nhỏ, đường kính chỉ vài li nhưng có những chấu sắt găm sâu vào phổi.

Vì vậy, để cứu cháu bé, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ thùy dưới phổi phải. 

Theo thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Kinh Bang, Phó Khoa ngoại, một trong những người trực tiếp phẫu thuật cho bé, việc cắt bỏ này chưa ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, nhưng việc phải trải qua một ca đại phẫu và để lại một vết sẹo mổ như thế này thì tất nhiên thiệt thòi cho bé.

Bé trai nuốt bóng đèn, mất 1 phần phổi - Ảnh 1.

Sáng 28-12, bé L. nói mình đã khỏe, tuy vẫn còn hơi đau vết mổ. Bé vui vẻ tạo dáng khi thấy mọi người chụp ảnh - Ảnh: ANH THƯ

Đến sáng nay, 28-12, cháu bé đã ổn định, ăn uống bình thường.

Cách đây ít lâu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đã phẫu thuật cắt một phần ruột cháu bé 4 tuổi, bị nhiễm trùng ruột do nuốt phải những viên bi sắt.

Thạc sĩ – bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết mỗi mùa cuối năm, Tết nhất là thời điểm các trẻ gặp rắc rối vì dị vật tăng cao.

Vì vậy, phụ huynh phải hết sức cẩn trọng. Không hiếm các tình huống dị vật bị "bỏ quên" như thế này và để lại hậu quả nghiêm trọng.

Tốt nhất vẫn là đề phòng: đừng nên cho trẻ nhỏ chơi những đồ vật nhỏ, dễ nuốt. Nếu trẻ bị ho, nôn ói, khó thở không rõ nguyên nhân, bị bệnh đường hô hấp tái đi tái lại nhiều lần, hãy nghĩ đến nguy cơ nuốt dị vật và sớm đi bé đi kiểm tra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại