Ảnh: BSCC.
Mới đây, bác sĩ CK1 Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP HCM), cho biết anh vừa tiếp nhận một bệnh nhi khá mũm mĩm nhưng hay bị bệnh vặt. Đáng chú ý, so sánh bàn tay của cậu bé với những người khác, lòng bàn tay của cậu bé trắng toát trong khi bàn tay của người khác hồng hào.
Theo chia sẻ của mẹ bệnh nhi, bé rất thích uống sữa tươi, thậm chí uống thay cơm với lượng khoảng 2 lốc/ngày. "Sơ hở là bé lục tủ lạnh uống sữa", người mẹ nói với BS Vũ.
Tiến hành các xét nghiệm, BS Vũ kết luận bé trai có tình trạng thiếu máu mức độ trung bình - nặng.
"Bé thiếu máu cả về chất lẫn lượng, hồng cầu vừa nhỏ vừa nhạt, giảm số lượng, hemoglobin 6g/dl với mức sắt của cơ thể gần như chạm đáy", bác sĩ Vũ thông tin.
Dấu hiệu thiếu máu ở trẻ
Theo bác sĩ Vũ, tình trạng thiếu sắt ở trẻ nhỏ không hiếm gặp. Sắt là vi chất rất quan trọng trong việc duy trì nhiều chức năng của cơ thể, nhất là trong quá trình sản xuất hemoglobin (phân tử vận chuyển oxy của hồng cầu trong máu). Tình trạng thiếu sắt gây thiếu máu rất phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
Khi bị thiếu máu, trẻ sẽ có một số biểu hiện như da xanh xao, niêm mạc nhạt, lòng bàn tay dễ thấy và so sánh nhất; ù tai, hoa mắt, chóng mắt, ngất; chán ăn, rối loạn tiêu hóa; hay hồi hộp, nhịp tim nhanh, dễ mệt; rối loạn hệ nội tiết.
Dấu hiệu ít phổ biến hơn là đau đầu, đau cơ và rụng tóc. Một số trẻ cảm thấy ăn không ngon miệng, khó nuốt và loét miệng.
Theo bác sĩ Vũ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể là do giảm cung cấp sắt. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, xuất phát từ chế độ ăn thiếu thực phẩm chứa sắt (như chế độ ăn chay, uống nhiều sữa bò mỗi ngày làm giảm hấp thu chất sắt trong thực phẩm); cũng có thể do bệnh lý gây giảm hấp thu sắt; phẫu thuật cắt bỏ tá tràng, dạ dày; bệnh viêm ruột; viêm dạ dày do HP…
Ngoài ra, có thể do tăng nhu cầu sắt (ở trẻ em, trẻ sinh non; bệnh mạn tính, hóa trị liệu…), mất máu, phẫu thuật, chấn thương, sử dụng thuốc chống viêm không steroid kéo dài, thường gặp nhất ở trẻ em là nhiễm ký sinh trùng.
Việc điều trị chủ yếu là giải quyết nguyên nhân để tránh gây thiếu sắt tái phát, đồng thời điều chỉnh chế độ ăn bổ sung sắt.
Phụ huynh có thể bổ sung sắt cho trẻ qua một chế độ ăn giàu chất sắt (bao gồm lòng đỏ trứng, thịt đỏ, rau lá có màu xanh,…), hoặc cho trẻ uống sắt nguyên tố 3-5 mg/kg cân nặng/ngày, thường dùng dạng kết hợp với axid folic. Phụ huynh cũng nên bổ sung vitamin C hoặc uống nước cam để tăng hấp thu sắt.
Phòng ngừa thiếu sắt cho trẻ
Bác sĩ Vũ khuyến cáo để phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt, phụ huynh nên:
- Nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoặc sữa bổ sung sắt dành cho trẻ trong năm đầu đời;
- Thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt, vitamin;
- Không uống trà, cà phê ngay sau ăn làm giảm hấp thu sắt;
- Tẩy giun định kỳ hàng năm cho trẻ em trên 12 tháng tuổi.