Chỉ trong vòng 3 ngày, phổi của một bé gái 6 tuổi đã chuyển sang màu trắng
Lúc đầu, Tiểu Bân, mới 6 tuổi (ở Trung Quốc), có một số triệu chứng chung như sốt, ho, sổ mũi. Cha mẹ cho rằng cô bé bị cảm lạnh thông thường, sẽ khỏi bệnh sẽ khi uống thuốc cảm. Tuy nhiên, điều này lại không xảy ra, Tiểu Bân bắt đầu bị khó thở trầm trọng và cơn sốt cao kéo dài.
Cha mẹ đã đưa cô bé đến bệnh viện địa phương để kiểm tra máu và chụp X-quang ngực, kết quả cho thấy có sự đông đặc quy mô lớn ở phổi của Tiểu Bân, đây là hiện tượng thường được chúng ta gọi là "phổi trắng".
Bệnh viện địa phương đã khẩn trương chuyển Tiểu Bân đến Bệnh viện số 2 của Đại học Chiết Giang để điều trị nhi khoa. Khi đến đây, cô bé đã buộc phải thở bằng máy do tình trạng khó trở trầm trọng.
Các bác sĩ tiến hành xét nghiệm axit nucleic cho Tiểu Bân thì phát hiện adenovirus dương tính, kết hợp với các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhi, cô bé được kết luận bị viêm phổi nặng do nhiễm adenovirus.
Sau ba ngày điều trị triệu chứng, Tiểu Bân cuối cùng đã được tháo máy thở và chuyển trở lại phòng bệnh thường.
Đây không phải trường hợp duy nhất, Đóa Đóa 5 tuổi ở Hàng Châu (Trung Quốc) cũng đột nhiêm lên cơn sốt. Lúc đầu, gia đình tưởng Đóa Đóa bị cảm nên đã tìm thuốc cho cô bé uống. Không ngờ, cô bé vẫn sốt liên tục, thuốc hạ sốt chỉ dùng được vài giờ, đồng thời cô bé còn bị nôn mửa và tiêu chảy. Sau khi uống thuốc được vài ngày, cơn ho của Đóa Đóa ngày càng trầm trọng và cơn sốt kéo dài.
Mẹ đã đưa cô bé đến Khoa Nhi của Bệnh viện Nhân dân Số 1 Hàng Châu (Trung Quốc). Qua một loạt xét nghiệm, Đóa Đóa được phát hiện dương tính với adenovirus và đã phát triển thành bệnh viêm phổi do adenovirus.
Bị bệnh sau khi đi bơi về
Điểm chung của cả 2 bệnh nhi này là đều phát bệnh sau một vài ngày đi bơi về.
Jiang Chunming, Trưởng khoa Nhi của Bệnh viện Nhân dân số 1 Hàng Châu (Trung Quốc), cho biết hầu hết trẻ em nhiễm adenovirus đều sốt cao kéo dài hơn một tuần. Điều quan trọng là các triệu chứng ban đầu tương đối âm ỉ và có thể dễ dàng gây nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.
Adenovirus có thể bị nhiễm quanh năm, nhưng vào mùa hè, adenovirus có nhiều khả năng xuất hiện ở bể bơi, công viên nước và các khu vui chơi dưới nước khác. Ngoài việc lây truyền qua nước bọt, adenovirus còn có thể lây truyền qua đường tiêu hóa, chẳng hạn như nước và các vật dụng bị nhiễm mầm bệnh.
Các bể bơi và công viên nước có mật độ dân cư đông đúc, người bơi dưới nước vô tình mang phân hoặc dịch cơ thể mang virus vào nước, đặc biệt dễ xảy ra nhiễm trùng.
Bác sĩ Jiang Chunming cho biết, hiện tại chưa có vắc xin hay thuốc đặc trị cho adenovirus nên cách phòng ngừa hiệu quả nhất là cố gắng tránh “tiếp xúc” nó.
Trước hết, hãy chú ý vệ sinh cá nhân, rửa tay kịp thời và cố gắng không dùng chung cốc, bộ đồ ăn với người khác;
Cố gắng không đưa trẻ dưới 2 tuổi đi bơi ở các bể bơi công cộng đông đúc. Nếu đến bể bơi công cộng để bơi, hãy nhớ chọn địa điểm bơi được khử trùng nghiêm ngặt;
Đội mũ bơi và kính bảo hộ khi bơi, không nuốt nước hồ bơi và không dùng chung khăn tắm với người khác;
Sau khi bơi, nhanh chóng rửa sạch cơ thể bằng nước chảy và súc miệng;
Nếu có triệu chứng cảm lạnh hoặc cảm thấy không khỏe, bạn nên ngừng bơi kịp thời.
Ông nhắc nhở rằng vì không có thuốc đặc trị cho adenovirus nên khi sốt cao, hãy đến bệnh viện để khám càng sớm càng tốt. Trẻ có thể bị đau họng, đỏ mắt và các triệu chứng không đặc hiệu khác, vì vậy đừng mù quáng tự cho con uống thuốc. Hơn nữa, vì adenovirus rất dễ lây lan nên một khi có người xung quanh bạn được chẩn đoán nhiễm bệnh, bạn phải tiến hành cách ly kịp thời.
Nguồn và ảnh: QQ, The Healthy