Bé gái 14 tuổi đã ung thư cổ tử cung: BS khuyến cáo cha mẹ làm ngay việc này cho con gái

Ngọc Anh |

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm ở phụ nữ. Căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng được đó là tiêm phòng vắc xin HPV cho các bé gái từ 9 đến 26 tuổi chưa quan hệ tình dục.

Chưa rõ nguyên nhân

Sau trường hợp cháu bé 14 tuổi ở Bình Dương bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho rằng hãy tiêm phòng cho các bé gái đặc biệt lúc 12 – 13 tuổi để giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

Theo bác sĩ Tiến, sức khỏe cháu bé 14 tuổi bị ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn đang được điều trị tại viện đang trong giai đoạn hậu phẫu. Nếu sau hậu phẫu, sức khỏe đảm bảo có thể tiến hành điều trị xạ trị và hóa chất cho bé để giảm đau cũng như các phương pháp bổ trợ khác.

Còn việc phẫu thuật lại cắt khối u trong điều trị xạ trị, hóa trị u thu nhỏ, bác sĩ Tiến cho biết khoảng 20% cơ hội bé có thể phẫu thuật lại.

Bé gái 14 tuổi đã ung thư cổ tử cung:  BS khuyến cáo cha mẹ làm ngay việc này cho con gái - Ảnh 1.

Hình ảnh ca ung thư cổ tử cung.

Là người trực tiếp mổ cho bé gái này, bác sĩ Tiến lấy làm đáng tiếc vì khối u đã lan rộng và như một khối bê tông chèn ép từ bàng quang thân tử cung khiến bác sĩ không thể cắt bỏ được. Gần 30 năm trong nghề, bác sĩ Tiến đã phải thốt lên "thật khủng khiếp" và đây là ca bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mà anh gặp với tổn thương quá muộn.

Sau trường hợp này, bác sĩ Tiến chưa rõ nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung của bé. Trong khi thực tế 95 % các bệnh nhân ung thư cổ tử cung có vi rút HPV – một dạng vi rút gây u nhú ở người. Còn yếu tố di truyền thì rất hiếm, đến nay vẫn chưa xác định được yếu tố di truyền trong ung thư cổ tử cung.

Bác sĩ Tiến cho biết hiện nay người ta chỉ thấy một số người trong gia đình có vấn đề liên quan đến đào thải HPV (đào thải HPV là việc người nhiễm HPV nhưng không chuyển thành nhiễm mạn tính. Những người không đào thải được HPV sẽ bị nhiễm mạn tính và tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung).

Trường hợp của cháu bé này có bị đột biến gene liên quan đến việc đào thải HPV hay không thì vẫn chưa biết, vì hiện nay các nhà khoa học vẫn còn đang trong qua trình tìm kiếm và xác định các gen có liên quan đến điều hòa miễn dịch và dung nạp miễn dịch với HPV.

Biện pháp duy nhất

Qua trường hợp bé gái này, bác sĩ Tiến cho biết cha mẹ hãy quan tâm tới các bé gái nhiều hơn. Nếu bé có chu kỳ kinh nguyệt cần được theo dõi, trò chuyện với bé để các bé có thể tâm sự với mẹ. Bố mẹ bé sẽ nắm được tình hình sức khỏe của con mình hơn.

Bé gái 14 tuổi đã ung thư cổ tử cung:  BS khuyến cáo cha mẹ làm ngay việc này cho con gái - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – Bệnh viện Ung bướu TP.HCM

Theo y văn tại Mỹ mỗi năm ghi nhận được khoảng 14 trường hợp/năm bị ung thư cổ tử cung ở tuổi 15 – 19 tuổi và có cháu được xác định nhiễm vi rút HPV từ mẹ trong giai đoạn chu sinh.

Trong điều kiện nguy cơ lây nhiễm vi rút HPV không chỉ qua quan hệ tình dục an toàn mà có thể qua cọ sát nhưng nụ hôn, nắm tay, sử dụng chung đồ lót, khăn mặt đều có nguy cơ phơi nhiễm. Bác sĩ Tiến khuyến cáo nên tiêm phòng vắc xin HPV cho các bé gái.

Đã có thời gian dư luận cho rằng vắc xin HPV không an toàn và không phòng được bệnh, điều này là sai vì theo bác sĩ Tiến hiện nay rất nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới, các nhà khoa học vẫn cho rằng tiêm ngừa vắc xin HPV sẽ giảm đáng kể ung thư cổ tử cung.

Ở nước phát triển trẻ em gái được chích ngừa trên 70% trẻ con từ vài chục năm trước nên tỉ lệ ung thư giảm mạnh, hiện tại đang xuống hàng thứ 4,5.

Mới đây trên trang Medscape,vào ngày 04/04/2019, Tác giả Peter Russel đã đăng một bài báo đánh giá hiệu quả của vắc xin ngừa HPV trong giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung: Trong một nghiên cứu quan sát, việc tiêm vắc xin HPV thường quy cho các em gái từ 12-13 tuổi đã làm giảm mạnh bệnh lý cổ tử cung tiền xâm lấn khi trưởng thành.

Một nghiên cứu được đăng tại The BMJ cũng cho thấy ung thư cổ tử cung ở phụ nữ không tiêm vắc xin cũng giảm, có thể đây là kết quả của "sự bảo vệ mở rộng".

Có thể tiêm chủng vắc xin ngừa nhiễm HPV cho bé gái lứa tuổi từ 9- 26 tuổi. Tuy nhiên, thời điểm tốt nhất là từ 12-13 tuổi, nếu tiêm chủng ở lứa tuổi 16-17 đây là thời điểm tiêm chủng "bắt kịp"thì không tốt bằng và lúc trẻ 12 – 13 tuổi vì có thể người được tiêm chủng đã bị "phơi nhiễm" HPV.

Bác sĩ Tiến cho rằng với ung thư cổ tử cung hay bệnh ung thư gì, mối người hãy tự tìm cách bảo vệ mình một cách tốt nhất.

Trường hợp là phụ huynh nếu thấy con em có những dấu hiệu như kinh nguyệt bất thường, rong kinh hoặc rong huyết, đau bụng, tiêu tiểu khó khăn, mệt mỏi, sụt cân... và nhất là bụng to dần thì phải đến cơ sở y tế tìm ra nguyên nhân để kịp thời xử lý tránh những căn bệnh đáng tiếc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại