Gian nan chặng đường tìm ra bệnh cho con
Con gái chị T.T sống tại Bắc Ninh, 15 tháng tuổi, vốn rất khỏe mạnh và bình thường. Nhưng một đêm đang ngủ say, bé bỗng thức giấc khóc thét rồi lên cơn co giật bất thường. Từ 2h sáng đến 6h sáng, bé bị co giật đến 3 lần.
Bố mẹ bé nhanh chóng chuyển con đến trạm xá rồi sang bệnh viện sản nhi của tỉnh mà cũng không tìm ra nguyên nhân. Bé chỉ được cấp cứu bằng những liều thuốc an thần mỗi khi con sốt và co giật.
Bé gái 15 tháng tuổi bị co giật bất thường trong đêm.
Sau 2 ngày nằm viện tỉnh, gia đình lại tìm cách chuyển con lên bệnh viện Nhi Trung Ương.
Hành trình tìm ra bệnh của con gái chị T.T còn gian nan hơn nữa khi con tiếp tục bị co giật thêm 2 ngày rồi hết chuyển từ khoa thần kinh, làm xét nghiệm CT điện não, chọc dịch màng não tủy… vẫn không biết mắc bệnh gì.
Cuối cùng, sau khi xét nghiệm máu thì bố mẹ bé mới thảng thốt miệng ra khi nhận được kết quả: Con bị thiếu canxi dẫn đến hạ canxi máu và chuyển sang co giật.
Chị T.T không thể ngờ được là con lại bị mắc căn bệnh thiếu canxi khi cả nhà đã rất chú trọng trong vấn đề cung cấp canxi cho con.
Ngay từ lúc bé được 4 tuần tuổi, chị đã bổ sung thêm một loại sữa giàu canxi của Úc, ăn uống lúc nào cũng rất đầy đủ và hứng thú, đặc biệt bé còn thích uống các loại sữa tươi đến mức thay nước luôn cũng được hay thi thoảng con cũng được đi phơi nắng ở ngoài trời…
Nên khi nghe con bị bệnh này, chị T.T cảm giác không thể tin được. Nhìn con khóc thét vì đau buốt trong mỗi lần truyền canxi vào ven để chữa bệnh rồi mệt quá ngủ thiếp đi trên tay mẹ, chị thật sự rất đau lòng.
May thay, bé được bác sỹ chỉ định truyền canxi như thế 2 ngày, mỗi ngày 2 lần và uống canxi kết hợp vitamin D trong 20 ngày nữa thì dần hồi phục và trở lại bình thường.
Bổ sung rất nhiều canxi nhưng vẫn thiếu, vì sao?
Cũng giống như mẹ T.T, rất nhiều mẹ sau khi nghe câu chuyện của chị đã rất bất ngờ khi con có những triệu chứng nguy hiểm chỉ vì thiếu canxi, cho dù đã bổ sung canxi từ nhỏ.
Trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ cho biết đã tìm ra nguyên nhân của trường hợp trên, đồng thời cũng là sai lầm mà không ít mẹ đang mắc phải.
PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng.
Theo bác sỹ Dũng, có rất nhiều mẹ vì sợ con còi xương nên tìm cách mua đủ loại canxi về cho con uống để yên tâm hơn.
Nhưng thực tế, nếu không có vitamin D thì cơ thể trẻ sẽ không hấp thu được lượng canxi cần thiết dù có được bổ sung nhiều như thế nào đi nữa.
Vì vậy, rất có thể sai lầm của mẹ bé trong trường hợp trên là không giúp con tổng hợp được đủ lượng vitamin D nên mới gây ra hiện tượng hạ máu canxi và co giật như thế.
Biểu hiện của bệnh thiếu canxi dẫn đến hạ canxi trong máu là tình trạng co thắt, giật mình lúc ngủ rồi khóc thét, cơn khóc kéo dài hàng giờ, khi thở có tiếng rít do mềm sụn thanh quản.
Ngoài ra, các triệu chứng kèm theo như co thắt thanh quản gây khàn tiếng, khó thở, tím tái và có khi ngừng thở. Sự co thắt dạ dày, cơ hoành, ruột và bàng quang làm cho trẻ nôn trớ, nấc cụt, són phân và nước tiểu.
Chị T.T không thể ngờ được là con lại bị mắc căn bệnh thiếu canxi khi cả nhà đã rất chú trọng trong vấn đề bổ sung canxi cho con.
Khi bé gặp một trong những triệu chứng này, các mẹ cần đưa con đến gặp bác sỹ để khám lâm sàng và xét nghiệm máu. Trường hợp hạ canxi máu sẽ có định lượng canxi huyết thanh dưới 7,5mg/dl và canxi ion dưới 2,8mg/dl.
Nói về cách phải làm thế nào để bổ sung đủ canxi cho bé, bác sỹ Dũng chia sẻ thêm rằng: "Mỗi đứa trẻ có một nhu cầu canxi khác nhau và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đẻ thường hay đẻ mổ, điều kiện ăn uống ra sao, khí hậu từng vùng sinh sống…
Nếu muốn biết chính xác liều lượng và cách bổ sung canxi cho con, các bố mẹ cần đưa trẻ đi khám định kỳ trong 3 năm đầu đời để nhận được tư vấn, chỉ định từ bác sỹ".