Bất ngờ tăng quân lực tới Syria, Mỹ gửi thông điệp răn đe nào đến Nga -Thổ?

Mạnh Kiên |

Màn phô diễn vũ lực của Mỹ không có khả năng làm thay đổi hiện trạng ở khu vực đông bắc Syria.

Bất chấp tuyên bố công khai của Tổng thống Donald Trump về việc rút quân đội Mỹ khỏi Syria và cải thiện quan hệ với Nga , Lầu Năm Góc sắp cử thêm khoảng 100 nhân viên quân sự đến quốc gia Trung Đông để đối đầu với lực lượng của Moscow.

Hôm 19/9, quân đội Mỹ thông báo xe chiến đấu bộ binh Bradley, radar và nhiều máy bay khác sẽ thực hiện các cuộc tuần tra trên đường đến đông bắc Syria.

Quyết định này được đưa ra chỉ một tháng sau khi bảy thành viên quân đội Mỹ bị thương sau vụ va chạm với đoàn xe tuần tra Nga trong khu vực. Tình tiết này rõ ràng đã thúc đẩy Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp quân tiếp viện cho khoảng 500 lính hiện có ở Syria.

Bất ngờ tăng quân lực tới Syria, Mỹ gửi thông điệp răn đe nào đến Nga -Thổ? - Ảnh 1.

Tổng thống Trump vẫn tuyên bố đã "rời khỏi" Syria.

Thông điệp răn đe?

Việc Mỹ quyết định tăng cường hiện diện quân sự ở Syria sau cuộc chạm trán với lực lượng Nga đã làm dấy lên lo ngại về thông điệp răn đe mà nước này muốn gửi tới Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran.

"Sự leo thang nhỏ như vậy là động thái cổ điển rất thường thấy trong các tình huống tương tự và là một cách thông minh để báo hiệu cam kết của Mỹ trong việc ngăn chặn các lực lượng Nga tiến thêm các bước nữa", Shanna Kirschner, một chuyên gia về Syria tại Allegheny College, nói với Vox.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, màn phô diễn vũ lực nói trên không có khả năng làm thay đổi hiện trạng ở khu vực đông bắc đất nước.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức vòng đàm phán mới vào ngày 15-16/9 tại Ankara về tình hình ở Syria. Tuy nhiên, hai bên đã không đạt được đồng thuận về việc giảm thiểu sự hiện diện quân sự tại tỉnh Idlib do phiến quân nắm giữ, nơi có hơn 20.000 quân Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai.

Nga mong đợi ​​quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rút khỏi các khu vực phía Nam đường cao tốc M4 theo thỏa thuận trước đó giữa hai quốc gia, nhưng chính quyền Ankara không sẵn sàng rút quân vì họ muốn giải phóng các thành phố Manbij và Tel Rifaat khỏi sự chiếm đóng của người Kurd.

Alexey Khlebnikov, chuyên gia tại Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng muốn điều gì đó đổi lại khi đạt được thỏa thuận với Nga về việc triển khai ở Idlib.

"Moscow muốn Ankara rút quân khỏi phía Nam đường cao tốc M4 vì đó là điều mà cả hai bên đã đồng ý vào tháng 3. Điều này có thể dẫn đến một thỏa thuận giữa Ankara và Điện Kremlin, đổi lấy một số nhượng bộ ở phía đông bắc và các khu vực mà người Kurd hiện diện", ông nhấn mạnh.

Bất ngờ tăng quân lực tới Syria, Mỹ gửi thông điệp răn đe nào đến Nga -Thổ? - Ảnh 3.

Mỹ tăng cường quân lực đến Syria sau va chạm với Nga.

Theo Samuel Ramani, nhà phân tích Trung Đông tại Đại học Oxford, việc triển khai thêm lực lượng của Mỹ không có khả năng ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hoặc làm thay đổi động lực trong mối quan hệ giữa họ.

"Về cơ bản, chúng là một phát súng cảnh báo mang tính biểu tượng để Nga không quấy rối hoặc gây tổn hại cho các lực lượng Mỹ ở Syria.

Nhưng ngay cả khả năng ngăn chặn bước tiến của Nga đối với Mỹ cũng bị hạn chế, vì Moscow rất tự tin rằng Mỹ sẽ chọn rút khỏi Syria thay vì kéo mình sâu hơn vào cuộc xung đột Syria, ít nhất là chừng nào ông Donald Trump vẫn còn là tổng thống", chuyên gia nêu quan điểm.

Ông cũng nói thêm rằng, ảnh hưởng của việc triển khai bổ sung sẽ không đáng kể, nhưng nó có thể dẫn đến các cuộc thảo luận sâu hơn ở Washington về các mục tiêu ở Syria. Đó sẽ là câu hỏi về việc liệu Mỹ có cần tiếp tục ở Syria hay không và điều này có thể thể hiện sâu sắc hơn sau cuộc bầu cử Mỹ diễn ra vào tháng 11.

Joe Macaron, nhà phân tích chính sách đối ngoại Trung Đông tại Trung tâm Ả Rập, cho rằng Mỹ gửi thêm binh sĩ tới Syria để củng cố thế trận phòng thủ của các lực lượng hiện có.

"Nhà Trắng chỉ bật đèn xanh cho 100 binh sĩ bổ sung trong 90 ngày, điều này tình cờ trùng với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump", ông nói.

Do đó, động thái này khó có thể gây ra bất kỳ ảnh hưởng đáng kể nào đến động lực khu vực vì Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử Mỹ, vốn có thể xác định lại mối quan hệ giữa Washington với Moscow và Ankara.

Bất chấp việc đưa quân và vũ khí tới Syria, Tổng thống Trump tuần trước vẫn đảm bảo rằng quân đội Mỹ không can dự thêm vào quốc gia Trung Đông. "Chúng tôi đã rời khỏi Syria, chỉ trừ mỗi việc bảo vệ dầu. Và chúng tôi có quân đội bảo vệ dầu", ông nói trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại