Hôm 11/11, Cơ quan thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đăng tải bài viết nhan đề "Karabakh yet another failure: French daily" (tạm dịch: Nhật báo Pháp: (Nagorno-)Karabakh lại một thất bại nữa) của tác giả Yusuf Ozcan.
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn đa chiều, đặc biệt là thế đối đầu giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới các điểm nóng ở Trung Đông, Địa Trung Hải và Nam Caucasus, chúng tôi xin lược dịch bài viết.
Nagorno-Karabakh là "một thất bại khác" của Pháp?
"Sau Syria và Libya, Nagorno-Karabakh đang tạo nên một thất bại khác cho Pháp". Đây là nhận định của tờ báo Pháp L'Opinion sau thỏa thuận ngừng bắn và tuyên bố chung giữa Nga, Armenia và Azerbaijan - một minh chứng cho thất bại nặng nề đối với Yeveran.
Nhấn mạnh sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Azerbaijan và việc liên lạc thường xuyên giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin, tờ báo cho rằng phương Tây (bao gồm Pháp và Mỹ) đã bị loại khỏi "trò chơi ngoại giao".
Nó cũng khẳng định rằng Nagorno-Karabakh là một thất bại khác của người Pháp khi lựa chọn ủng hộ Armenia để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ - sau Syria và Libya.
"Ưu thế của Azerbaijan so với Armenia đã trở nên rõ ràng kể từ những ngày đầu của cuộc xung đột vũ trang".
Tờ báo cũng lưu ý rằng hiệu quả của các loại vũ khí (phòng không) Nga chống lại công nghệ (máy bay không người lái) do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất vẫn còn khá hạn chế.
Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga khởi hành trên các xe tải KAMAZ, xe bọc thép BTR-82A, Rys và UAZ Patriot từ Sân bay Erebruni ở Armenia đến Nagorno-Karabakh.
Theo Điện Kremlin, tuyên bố chung được lãnh đạo ba nước Nga, Armenia và Azerbaijan ký kết bao gồm 9 điểm nổi bật về giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh như sau:
1. Lệnh ngừng bắn hoàn toàn và mọi hành động thù địch trong khu vực xung đột Nagorno-Karabakh từ 00h00 (theo giờ Moscow) ngày 10/11/2020.
2. Vùng Aghdam được trao trả cho Azerbaijan trước ngày 20/11/2020.
3. Dọc theo giới tuyến ở Nagorno-Karabakh và dọc theo hành lang Lachin, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga triển khai 1.960 quân nhân vũ trang, 90 xe bọc thép, 380 xe cơ giới và trang thiết bị.
4. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đang được triển khai song song với việc rút các lực lượng vũ trang Armenia.
Thời hạn lưu trú của lực lượng Nga là 5 năm, có thể tự động gia hạn trong 5 năm tiếp theo, nếu không bên nào tuyên bố 6 tháng trước khi hết thời hạn có ý định chấm dứt áp dụng điều khoản này.
5. Để tăng hiệu quả kiểm soát việc thực hiện các thỏa thuận của các bên xung đột, một trung tâm gìn giữ hòa bình đang được triển khai để kiểm soát lệnh ngừng bắn.
6. Armenia sẽ trả lại vùng Kelbajar cho Azerbaijan vào ngày 15/11/2020 và vùng Lachin vào ngày 01/12/2020.
Hành lang Lachin (rộng 5 km), đảm bảo kết nối Nagorno-Karabakh với Armenia, đồng thời không ảnh hưởng đến thành phố Shusha, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.
Theo thỏa thuận, một kế hoạch xây dựng tuyến đường mới dọc theo hành lang Lachin nối Armenia với Nagorno-Karabakh sẽ được tiến hành trong 3 năm tới và lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ bảo vệ tuyến đường này.
Azerbaijan phải đảm bảo an toàn giao thông dọc hành lang Lachin của công dân, phương tiện và hàng hóa trên cả hai hướng.
7. Những người di tản và những người tị nạn trở về lãnh thổ Nagorno-Karabakh và các khu vực lân cận dưới sự kiểm soát của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn.
8. Tiến hành trao đổi tù binh chiến tranh, con tin, những người bị giam giữ khác và thi thể của những người đã thiệt mạng.
9. Tất cả các liên kết kinh tế và giao thông trong khu vực đều không bị phong tỏa. Armenia đảm bảo an toàn cho các liên kết giao thông giữa các khu vực phía tây của Azerbaijan và Cộng hòa tự trị Nakhchivan.
Việc kiểm soát giao thông vận tải được thực hiện bởi các lực lượng Biên phòng Nga trực thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) của Nga.
Theo thỏa thuận của các bên, việc xây dựng các tuyến giao thông vận tải mới nối Cộng hòa Tự trị Nakhchivan với các khu vực phía tây của Azerbaijan sẽ được đảm bảo.
Một đồ họa miêu tả thỏa thuận hôm 10/11 (Nguồn: RFE/RL).
Thắng lợi của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo vào sáng 10/11 rằng hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã ký một thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Nagorno-Karabakh.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ca ngợi thỏa thuận này là một chiến thắng cho đất nước của ông, nói rằng thành công quân sự của Quân đội Azerbaijan đã giúp Baku giành được ưu thế để chấm dứt sự chiếm đóng lãnh thổ của phía Armenia trong ba thập kỷ.
Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn, coi đây là một "chiến thắng vĩ đại" đối với Azerbaijan.
Quan hệ giữa Azerbaijan và Armenia về Nagorno-Karabakh vẫn căng thẳng kể từ năm 1991, nhưng xung đột chỉ mới bùng nổ từ ngày 27/9/2020.
Sau 40 ngày giao tranh, đã có 3 thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo được ký kết tuy nhiên đều nhanh chóng bị phá vỡ.
Bên cạnh các thị trấn và làng mạc khác ở Nagorno-Karabakh, việc phía Azerbaijan giải phóng thị trấn chiến lược Shusha (phía Armenia gọi là Shushi) vào ngày 8/11 đã báo hiệu rằng chiến thắng sắp xảy ra.
Hôm 9/11, CNN Turk trích dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trước đó 2 ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đề xuất thành lập một "nhóm làm việc" để giải quyết vấn đề Karabakh.
Ông Putin được cho là đã hoan nghênh đề xuất của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. Sau cuộc hội đàm giữa hai ông Erdogan và Putin, ngoại trưởng hai nước cũng đã có cuộc điện đàm.
Theo Sputnik, các cuộc đàm phán về cuộc khủng hoảng ở Nagorno-Karabakh có thể chuyển sang hình thức song phương giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và nằm ngoài khuôn khổ của Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) bao gồm Nga, Pháp và Mỹ.
Binh sĩ Azerbaijan kéo cờ tại thị trấn chiến lược Shusha (Shushi) tại Nagorno-Karabakh.