Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, vào 4 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão số 9 cách bờ biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 230km về phía Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 130km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ với cường độ mạnh cấp 8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 4 giờ ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía Tây hoàn lưu bão số 9, từ trưa nay ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; từ sáng mai (24/11) gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 5-7m, vùng gần bờ cao 3-5m.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ chiều tối và đêm nay (23/11) đến ngày 26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rất to (300-500mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt).
Vị trí và đường đi của bão số 9
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, bão số 9 càng gần bờ càng di chuyển chậm và càng vào bờ thì gió bão càng mạnh hơn, nguy hiểm hơn. Vùng dự báo bão đổ bộ là các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận trong khoảng đêm và sáng 24/11. Bão sẽ cập bờ với cường độ gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 12.
Ông Hoàng Đức Cường cho biết, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh sẽ gây ra đợt mưa lớn ở các tỉnh Bắc Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Nam bộ, phổ biến từ 100 - 200 mm. Trong đó, vùng trọng tâm mưa sẽ là từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rất to với lượng mưa 300 - 500 mm, có nơi mưa có thể lên 600 mm.
Trong ngày 25/11, khu vực này sẽ có mưa rất to với tổng lượng mưa dự báo lên tới 200 - 300 mm/24 giờ. "Bão đổ bộ vào bờ vào thời điểm sáng sớm, triều cường và nước biển dâng do bão cao khoảng 1m sẽ là tình huống nguy hiểm ở các vùng ven biển", ông Cường cảnh báo.
Chiều ngày 22/11, UBND tỉnh Khánh Hoà đã phát đi công điện khẩn về việc ứng phó với cơn bão số 9, từ chiều ngày 23/11 đến hết ngày 25/11.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và đào tạo Khánh Hòa thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ để chỉ đạo các trường học các biện pháp gia cố, bảo vệ các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các trường.
Đồng thời chủ động cho học sinh nghỉ học trong các ngày bão, mưa lũ lớn ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh (từ chiều 23 đến hết 25-11).
Tại Phú Yên, chiều 22/11, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra những khu vực xung yếu, nhất là những vùng ven biển ở huyện Đông Hòa (tiếp giáp với huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), vùng nuôi hải sản và tôm hùm lớn ở thị xã Sông Cầu, để chỉ đạo chủ động ứng phó trước khi bão số 9 đổ bộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương (thứ 1 từ phải qua) đang chỉ đạo lãnh đạo huyện Đông Hòa triển khai phương án ứng phó bão số 9 đối với khu vực dân cư ven biển - Ảnh: Báo Phú Yên
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương chủ động thông báo, tuyên truyền để người dân, du khách biết về tình hình và mức độ nguy hiểm của cơn bão số 9 để có biện pháp chủ động phòng chống, ứng phó.
Các đơn vị chức năng và địa phương khẩn trương thông báo với các ngư dân để đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú neo đậu an toàn, kiên quyết không để xảy ra nguy cơ rủi ro, ảnh hưởng đến tính mạng của bà con ngư dân.
Các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát, xác định các khu vực trọng điểm, xung yếu để có kế hoạch ứng phó, đặc biệt phải có phương án và sẵn sàng lực lượng để sơ tán người dân một cách quyết liệt, hiệu quả; chú ý bảo vệ an toàn các công trình hồ đập, các công trình hạ tầng, nhà ở của người dân.
Đồng thời, chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang chuẩn bị sẵn sàng, huy động các phương tiện, trang thiết bị tham gia công tác phòng chống, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn ngay khi có lệnh điều động. Trong trường hợp có sự cố xảy ra, các địa phương phải chủ động báo cáo nhanh cho UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và có phương án ứng phó kịp thời.