Bão số 9 sắp đổ bộ, từ Đà Nẵng đến Bình Thuận mưa rất lớn

Văn Duẩn |

Dự báo bão số 9 đổ bộ vào các tỉnh Khánh Hòa - Bình Thuận trong khoảng đêm và sáng 24-11; từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rất to với lượng mưa 300 - 500 mm, có nơi 600 mm.

Sáng nay 22-11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Nam bộ, để triển khai các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới dự báo sẽ mạnh lên thành bão số 9 đang hướng vào nước ta.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, nhận định trong chiều tối nay, áp thấp nhiệt sẽ mạnh lên thành bão - bão số 9.

Theo ông Cường, bão càng gần bờ càng di chuyển chậm và mạnh hơn, nguy hiểm hơn.

"Vùng dự báo bão số 9 đổ bộ là các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận trong khoảng đêm và sáng 24-11. Bão sẽ cập bờ với cường độ gió mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 11, cấp 12"- ông Hoàng Đức Cường lưu ý.

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia cũng nhấn mạnh hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh sẽ gây ra đợt mưa lớn ở các tỉnh bắc Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Nam bộ, phổ biến từ 100 - 200 mm.

Trong đó, vùng trọng tâm mưa sẽ là từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rất to với lượng mưa 300 - 500 mm, có nơi mưa có thể lên 600 mm. Trong ngày 25-11, khu vực này sẽ có mưa rất to với tổng lượng mưa dự báo lên tới 200 - 300 mm/24 giờ.

"Bão đổ bộ vào bờ vào thời điểm sáng sớm, triều cường và nước biển dâng do bão cao khoảng 1 m sẽ là tình huống nguy hiểm ở các vùng ven biển"- ông Hoàng Đức Cường cảnh báo.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, đánh giá nếu áp thấp mạnh lên thành bão số 9, thì cơn bão này có đường đi, quỹ đạo và mạnh tương đương cơn bão số 12 năm 2017, từng gây thiệt hại rất nặng nề cho tỉnh Khánh Hoà và các tỉnh Nam trung bộ.

"Vì vậy, công tác phòng chống, ứng phó ở các địa phương phải khắc phục triệt để tâm lý chủ quan, để giảm thiểu nhiệt hại do cơn bão gây ra, đặc biệt là các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất do mưa bão"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng từ bài học thiệt hại hậu quả rất nặng nề của cơn bão số 12 năm 2017, các bộ, ngành, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tiến hành đôn đốc triển khai các biện pháp ứng phó bão, đặc biệt là trong quản lý an toàn hồ đập, giao thông và các công trình hạ tầng trọng điểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại