Phú Yên: Kiên quyết sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm
Chiều 22/11, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương, đã có chỉ thị yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và nhân dân khẩn trương, nghiêm túc tổ chức, triển khai thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó với bão ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh.
Cụ thể: Trên biển, ven biển, các địa phương phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đài Thông tin duyên hải Phú Yên bằng mọi phương tiện thông tin liên lạc thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của cơn bão số 9 để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; kiểm tra, rà soát, tổ chức sắp xếp, hướng dẫn neo đậu đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; kiên quyết sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên các tàu thuyền, phương tiện, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản, trong các nhà yếu có nguy cơ ngập, sập đổ, không đảm bảo an toàn, khu vực bị ảnh hưởng triều cường.
Trên đất liền sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với bão, chỉ đạo hướng dẫn chằng chống, bảo vệ nhà cửa, kho tàng, trụ sở, công trình, đặc biệt là các khu vực trọng điểm, xung yếu.
Triển khai phương án bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là nuôi trồng thủy sản.
Kiểm tra, triển khai các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn công trình hồ, đập, công trình xây dựng đang thi công dở dang, nhất là các tuyến kè biển, cửa sông, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện có nguy cơ mất an toàn.
Các đơn vị lực lượng vũ trang (Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh) phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án phối hợp giữa các lực lượng, huy động phương tiện, trang thiết bị để tham gia công tác phòng chống, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn ngay khi có lệnh điều động; đảm bảo phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đạt hiệu quả, kịp thời và có kế hoạch bảo vệ an ninh - trật tự xã hội, nhất là trong tình huống bão xảy ra.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 để theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 9 và triển khai các biện pháp phòng tránh, kịp thời, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban chỉ đạo PCTT - TKCN tỉnh.
Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương cũng đã đi kiểm tra khu dân cư và Cảng Vũng Rô, khu dân cư thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa); khu dân cư ven sông Ba thuộc xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa).
Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương chủ động thông báo, tuyên truyền để người dân, du khách biết về tình hình và mức độ nguy hiểm của cơn bão số 9 để có biện pháp chủ động phòng chống, ứng phó.
Khánh Hòa: Học sinh nghỉ học từ chiều 23 đến hết ngày 25/11
Công điện khẩn về việc ứng phó với bão số 9 của UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo, học sinh trong toàn tỉnh sẽ nghỉ học từ chiều ngày 23/11 đến hết ngày 25/11.
Theo đó, từ chiều nay (23/11), hơn 270.000 học sinh toàn tỉnh Khánh Hòa sẽ nghỉ học.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ để chỉ đạo các trường học các biện pháp gia cố, bảo vệ các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các trường.
Đồng thời, chủ động cho học sinh nghỉ học trong các ngày bão, mưa lũ lớn ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh (từ chiều 23/11 đến hết ngày 25/11).
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu bảo đảm an toàn khu neo đậu tàu thuyền ở đảo Phú Quý |
Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu: Nghiêm cấm tàu thuyền ra biển từ 22/11
Trước tình hình diễn biến thời tiết của bão số 9, trong 24h tới, vùng biển giữa và Nam biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh.
Các tỉnh Nam Trung Bộ từ Bình Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu từ ngày 24 đến ngày 26/11 có mưa vừa, mưa to và có nơi rất to (với tổng lượng mưa 100-200mm/đợt).
Chiều 22/11, tại buổi họp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9, lãnh đạo 2 tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu đã ban hành lệnh cấm biển từ chiều tối 22/11.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai nhận định: Cơn bão số 9 có đặc điểm khác biệt, hướng đổ bộ vào Nam Trung Bộ.
Trong đó, Bình Thuận nằm gọn trong vùng nguy hiểm của dự báo, càng vào gần bờ, tốc độ càng mạnh, nguy hiểm, khả năng đổ bộ vào ban đêm, dự báo mưa lũ lớn sẽ xảy ra.
Bão di chuyển gần bờ ngày càng mạnh, cộng với gió mùa Đông Bắc, triều cường, phải chịu kịch bản vừa bão vừa lũ. Vì vậy tất cả không được chủ quan, khi dự báo bão ảnh hưởng vào đất liền vào ngày nghỉ cuối tuần.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị các địa phương rà soát lại, chủ động bảo đảm, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, không để bất ngờ. Nghiêm cấm tàu thuyền, các phương tiện vận tải từ 16h ngày 22/11.
Giao các sở ngành, địa phương bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, hướng dẫn cho ngư dân, các chủ phương tiện chủ động phòng tránh.
Cử lực lượng hướng dẫn, tổ chức sắp xếp, neo đậu tàu thuyền chắc chắn; kéo tàu nhỏ lên bờ; đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ trực tiếp gây gió mạnh, sóng lớn, kết hợp mưa to gây lũ và xả lũ các hồ.
Các tàu nhỏ công suất dưới 30CV nên kéo lên bờ để bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ trực tiếp. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo chằng, chống nhà cửa, kho tàng, công sở, chặt tỉa cành cây, an toàn lưới điện; rà soát, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch tại các khu vực ven biển, khu du lịch, khu sản xuất kinh tế, lồng bè, nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời, rà soát phương án, kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm ven biển, cửa sông nguy cơ bị sóng biển, gió mạnh, triều cường ảnh hưởng, các vùng trũng, ngập lụt, sạt lở.
Hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; chủ động thu hoạch sớm các diện tích vụ Mùa đã đến kỳ thu hoạch.
Riêng UBND huyện Phú Quý phối hợp với chủ đầu tư, lực lượng BĐBP kiểm tra việc thi công công trình Khu neo đậu tàu thuyền, cho dừng các hoạt động thi công để phòng, tránh bão; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại địa phương, để không bị động khi bị cô lập.
Chủ động ứng phó, xử lý tình huống khi bị chia cắt giữa đảo với đất liền; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó, khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn trên biển…