Báo Mỹ vén màn loạt vấn đề, hé lộ cả đáp án cho tham vọng bất thành của Quân đội Trung Quốc

QS |

Trang bị vũ khí lại không phải là nguyên nhân chính khiến quân đội Trung Quốc chưa đạt được tham vọng của mình.

Những bất cập và vấn đề tồn tại

Theo trang tin Strategy Page (Mỹ), trên giấy tờ, quân đội Trung Quốc nhìn khá ấn tượng, với 78 lữ đoàn tác chiến thông thường và cũng đạt gần tới con số này đối với các lữ đoàn tác chiến chuyên biệt hóa.

Trong thập kỷ qua, quân đội Trung Quốc (PLA) đã chuyển đổi các sư đoàn của họ sang cơ cấu lữ đoàn, phần nhiều trong số đó là các lữ đoàn độc lập, tương tự như trong quân đội Mỹ.

Chương trình chuyển đổi trên vẫn đang được tiến hành mặc dù tính tới thời điểm này, gần như tất cả các trung đoàn [mà trước đó bao gồm các đơn vị nhỏ cấp sư đoàn] đều đã được cơ cấu sang lữ đoàn.

Nhiệm vụ đưa tất cả các lữ đoàn mới đó trở thành những lữ đoàn được trang bị tốt và huấn luyện thành thạo cũng đang được thực thi. Hiện PLA có 3 dạng lữ đoàn tác chiến. Mạnh nhất là lữ đoàn hạng nặng, trong đó mỗi lữ đoàn được trang bị khoảng 100 xe tăng, cùng hàng chục xe chiến đấu bộ binh (IFV) bánh xích, có biệt đội kỹ sư và chuyên gia hỗ trợ.

Vấn đề đối với các lữ đoàn hạng nặng này là không phải lữ đoàn nào cũng được trang bị các xe tăng đời mới nhất. Trung Quốc vẫn chưa sản xuất đủ các xe tăng hiện đại để thay thế những mẫu cũ.

Bên cạnh đó, khi các xe tăng đời mới được đưa vào biên chế thì những lữ đoàn hạng nặng nào tiếp nhận chúng sẽ phải trải qua nhiều tháng huấn luyện để học cách phát huy sức chiến đấu tốt nhất của phương tiện.

Báo Mỹ vén màn loạt vấn đề, hé lộ cả đáp án cho tham vọng bất thành của Quân đội Trung Quốc - Ảnh 1.

Binh lính Trung Quốc tham gia huấn luyện. Ảnh: india.shafaqna

Tiếp theo phải kể đến các lữ đoàn hạng trung với thành phần chủ yếu là bộ binh và trang bị các xe IFV bánh hơi. Những lữ đoàn này có một số điểm tương tự với các lữ đoàn trang bị xe bọc thép Stryker của Mỹ nhưng số lượng xe bọc thép đời mới tương đối ít.

Các lữ đoàn hạng nặng và hạng trung của Trung Quốc thường có tới 5.000 quân/lữ đoàn, tính cả các biệt đội chuyên gia.

Cuối cùng là vài chục lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ. Nhiều lữ đoàn trong số này chỉ đơn thuần là lực lượng bộ binh được vận chuyển bằng xe tải nhưng bên cạnh đó còn có có một số lữ đoàn sơn cước và lữ đoàn tấn công đường không (bằng trực thăng).

Không quân Trung Quốc hiện có 7 lữ đoàn bộ binh đổ bộ đường không (mỗi lữ đoàn 4.000 quân) và Hải quân Trung Quốc có 3 lữ đoàn thủy quân lục chiến (6.000 quân mỗi lữ đoàn).

PLA còn có khoảng 12.000 quân tác chiến đặc biệt (biệt kích). Trong số 13 cụm tập đoàn quân của PLA, mỗi cụm có một "lữ đoàn" tác chiến đặc biệt, và những lữ đoàn này có quân số dưới 1.000 người. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát bán quân sự có khoảng 1.000 biệt kích, lực lượng không quân cũng có biệt kích nhưng số lượng nhỏ hơn.

Đáng nói ở đây là tất cả các đơn vị tinh nhuệ (đơn vị tác chiến đặc biệt và đổ bộ đường không), cũng như các đơn vị then chốt đóng tại thủ đô Bắc Kinh và một số địa điểm khác đều có rất ít lính nghĩa vụ.

Gần như toàn bộ lính nghĩa vụ mà Trung Quốc tuyển mộ đều được chỉ định vào các lữ đoàn tác chiến thông thường, còn các lữ đoàn hỗ trợ thì được phân bổ tới 13 cụm tập đoàn quân. Các đơn vị có lính nghĩa vụ sẽ dành nửa năm để đào tạo người mới. Nếu có chiến tranh nổ ra, họ sẽ có một phần lớn binh sĩ chưa được huấn luyện đầy đủ.

Điều này cũng trở thành một vấn đề lớn đối với những đơn vị tác chiến nào đang phụ thuộc vào các binh lính đã được huấn luyện kỹ càng [đề cập tới những người đã có thời gian công tác/hoạt động trong đơn vị đủ lâu để các chỉ huy biết được tố chất/tiềm năng của họ].

Lục quân Trung Quốc hiện có khoảng 900.000 quân và gần một nửa trong số đó là lính nghĩa vụ. Đây là một vấn đề, bởi lính nghĩa vụ chỉ phục vụ trong quân đội 2 năm, sau đó hầu hết đều rời ngũ.

Lục quân Trung Quốc khuyến khích những người lính nghĩa vụ thể hiện tốt trong 2 năm nhập ngũ trở thành lính chuyên nghiệp. Nếu người lính được lựa chọn chấp nhận ký hợp đồng nhiều năm thì sẽ sớm được thăng cấp lên hạ sĩ và một số người còn được tạo cơ hội để trở thành sĩ quan, tham gia trường đào tạo sĩ quan.

Những người lính thể hiện tốt sẽ được ở trong biên chế cho tới năm 55 tuổi. Lúc này, họ sẽ về hưu với chế độ lương hưu và được ưu ái cân nhắc cho một số công việc trong chính phủ.

Tỷ lệ người được chấp nhận là quân nhân chuyên nhiệp và được cử tới trường đào tạo sĩ quan thay đổi theo từng năm, phụ thuộc vào nhu cầu và chất lượng của lính nghĩa vụ sau khi kết thúc thời gian thực hiện nghĩa vụ.

Tham vọng bất thành

Báo Mỹ vén màn loạt vấn đề, hé lộ cả đáp án cho tham vọng bất thành của Quân đội Trung Quốc - Ảnh 2.

Sức mạnh tác chiến của quân đội Trung Quốc vẫn chưa thể sánh ngang phương Tây. Ảnh: Sputnik

Mặc dù Trung Quốc luôn tham vọng xây dựng một lực lượng quân đội có thể tác chiến tốt như lực lượng phương Tây nhưng theo Strategy Page, họ sẽ chưa thể đạt được mục tiêu này cho tới khi chuyển đổi được sang cơ cấu thành phần chỉ gồm quân nhân tình nguyện và nâng cấp tiêu chuẩn huấn luyện ban đầu theo tiêu chuẩn phương Tây.

Trung Quốc đang chuyển sang các phương pháp huấn luyện kiểu phương Tây nhưng vẫn chưa sẵn lòng trả cho quân nhân mức lương xứng đáng với giá trị của họ.

Hiện lính nghĩa vụ với thời hạn 2 năm của Trung Quốc được trả 30-40 USD/tháng. Hạ sĩ quan được trả gấp hơn 2 lần mức này, còn thượng sĩ thì có thu nhập gấp 10 lần thu nhập của lính nghĩa vụ.

Đối với một lực lượng gồm hoàn toàn quân nhân tự nguyện thì mức lương cần chi trả sẽ phải tăng lên để duy trì sự khác nhau giữa các cấp bậc.

Các tân binh nên nhận được mức lương gấp 2-3 lần hiện nay. Điều kiện sống (nhà ở và ăn uống) đang được Trung Quốc tăng tốc cải thiện trong thập kỷ qua nhưng các quân nhân chuyên nghiệp vẫn cần có đủ thu nhập để hỗ trợ gia đình của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại