Theo nhật báo Đức Die Welt, sự kiện Nga phóng thử thành công hệ thống tên lửa siêu vượt âm Avangard, loại vũ khí được Tổng thống Vladimir Putin gọi là "món quà năm mới mừng đất nước", đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các chuyên gia quân sự và quốc phòng ở Mỹ cũng như ở châu Âu.
Ngày 26/12, Avangard đã được phóng đi từ một căn cứ tên lửa ở vùng núi Ural phía Nam nước Nga rồi tấn công trúng một mục tiêu giả định ở Kamchatka, cách xa 6.000 km.
Die Welt cũng chỉ rõ, từ lâu phương Tây đã biết Nga đang phát triển và thử nghiệm các hệ thống thống vũ khí siêu thanh (công việc chế tạo Avangard bắt đầu từ sau năm 2002 khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa Đạn đạo 1972 và bắt đầu phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo).
Tính năng độc đáo của Avangard chính là khả năng cơ động của nó, bởi phương tiện có thể liên tục thay đổi hướng và độ cao khi xuyên qua tầng khí quyển, di chuyển zigzag trên hành trình tấn công mục tiêu, khiến việc phát hiện vị trí của loại vũ khí này là không thể thực hiện được như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Ivanov từng tiết lộ.
Hình ảnh tên lửa Avangard trong vụ phóng thử ngày 26/12. Ảnh: AP
Còn theo Tập đoàn tư vấn Rand, đặc điểm này bảo đảm rằng mục tiêu thực thụ mà tên lửa siêu vượt âm Avangard hướng tới luôn được giữ bí mật.
"Chúng ta không có bất cứ hệ thống phòng thủ nào có thể ngăn chặn được việc sử dụng một loại vũ khí như vậy nhằm vào chúng ta", John Hyten, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện nước này hồi cuối tháng 3/2018.
Theo Die Welt, các mạng lưới radar hiện tại của Mỹ cũng không thể phát hiện được một tên lửa ở khoảng cách xa như vậy.
"Bạn phải bao quát được hàng nghìn dặm, chứ không phải hàng trăm", kỹ sư trưởng của Lầu Năm Góc và là cựu lãnh đạo NASA Michael Griffin phát biểu với một nhóm chuyên gia ngay trước vụ phóng thử và chỉ ra những yếu tố tác động như đường cong của trái đất, hạn chế về tầm bao phủ của radar, độ rộng của Tây Thái Bình Dương và thiếu các hòn đảo để lắp radar.
"Không có nhiều địa điểm để lắp đặt radar và nếu bạn phát hiện ra, chúng có thể sẽ trở thành mục tiêu", Griffin lý giải.
Theo nhật báo Die Welt, Mỹ nhiều khả năng phải thiết lập một mạng lưới các cảm biến trinh sát trên vũ trụ để đối phó với vấn đề này. Ông Griffin cho biết, không chỉ Nga mà cả Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh hoạt động chế tạo vũ khí siêu thanh vượt Mỹ.
"Năm ngoái, Trung Quốc đã thử các vũ khí siêu thanh nhiều hơn chúng ta làm trong một thập kỷ. Chúng ta phải thay đổi điều này".
Đứng trước sức ép của tình hình, ngày 6/11, DARPA - cơ quan nghiên cứu của Lầu Năm Góc đã truyền đi một bức điện khẩn gửi các công ty Mỹ với yêu cầu đề xuất ý tưởng xây dựng một hệ thống phòng thủ vũ khí siêu vượt âm. Tuy nhiên, Die Welt cho biết nhiều thông tin chi tiết liên quan vẫn được giữ bí mật.
Nga phóng thử hệ thống Avangard