Những hợp đồng vũ khí giúp Nga kiếm bộn tiền trong năm 2018

Trịnh Ngọc Tiến |

Bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, số lượng quốc gia mua vũ khí Nga đang gia tăng.

Máy bay chiến đấu, hệ thống tên lửa phòng không tầm xa, xe tăng, máy bay trực thăng và hàng trăm nghìn tấn đạn dược - những danh mục đặt hàng của Rosoboronexport đã vượt quá 50 tỷ USD.

Năm 2018 lại là một năm bội thu với nền công nghiệp quốc phòng Nga, điều này có được do hiệu quả của các loại vũ khí Nga đang sử dụng tại chiến trường Syria, những cuộc tập trận được công khai và Nga đã tổ chức nhiều diễn đàn quốc phòng cũng như các cuộc triển lãm vũ khí để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Khách hàng chính: Ấn Độ

Không còn nghi ngờ gì nữa, năm 2018 Ấn Độ trở thành nhà nhập khẩu vũ khí chính của Nga. Vào ngày 5/10 vừa qua, Moscow và New Delhi đã ký một siêu hợp đồng để Nga cung cấp đồng bộ 5 trung đoàn tên lửa phòng không S-400 trị giá hơn 5 tỷ USD, thỏa thuận này được coi là lớn nhất trong toàn bộ lịch sử của Rosoboronexport.

Những hợp đồng vũ khí giúp Nga kiếm bộn tiền trong năm 2018 - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph, vũ khí bán chạy nhất của Nga trong những năm qua.

Điểm quan trọng trong cơ chế thanh toán giữa 2 bên sẽ thực hiện bằng đồng Rúp của Nga, có thể cơ này sẽ mở rộng sang các giao dịch quốc phòng lớn khác giữa hai nước.

Hợp đồng lớn thứ hai với Ấn Độ là việc Nga bán 4 tàu khu trục của dự án 11356 theo chương trình "2+2" (một nửa số tàu trên được sản xuất tại Nga và số còn lại sẽ chuyển giao công nghệ để Ấn Độ tự chế tạo). Chi tiết về hợp đồng không được tiết lộ, nhưng việc giao hai tàu đầu tiên gần như đã sẵn sàng, ước tính giá trị hợp đồng khoảng 950 triệu USD.

Điểm nổi bật của hợp đồng này là những vũ khí trang bị trên tàu sẽ phần lớn do Ấn Độ chế tạo, có thể kể đến đó là tên lửa chống hạm siêu thanh nổi tiếng của liên doanh Nga-Ấn Độ "BrahMos", có khả năng bắn trúng các mục tiêu mặt nước ở khoảng cách lên tới 300 km.

Ngoài ra vào giữa tháng 5, Nga đã nhận được yêu cầu từ phía Bộ Quốc phòng Ấn Độ về việc cung cấp 140 máy bay trực thăng đa năng Ka-226 Hoodlum nhằm thay thế loại trực thăng Cheetah lạc hậu, giúp tăng cường sức mạnh của quân đội nước này ở khu vực dọc biên giới với Trung Quốc. Để sở hữu số máy bay này, Ấn Độ đã phải chi ra 736 triệu USD.

Về vũ khí chính chính xác, vào tháng 01/2018, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ, bà Nirmala đã chấp thuận đề xuất mua 240 quả bom hàng không có điều khiển chính xác cho lực lượng Không quân nước này với giá khoảng 200 triệu USD.

Vào đầu tháng 9 vừa qua, New Delhi đã thử nghiệm thành công loại đạn xuyên giáp 125mm "Mango" của Nga dùng cho xe tăng T-90S của Ấn Độ.

Trước đó, Ấn Độ có kế hoạch mua 66.000 quả đạn xuyên giáp dưới cỡ Mango 125mm do Nga sản xuất. Việc Ấn Độ quyết định mua loại đạn xuyên giáp này cho thấy, nước này đang muốn nhanh chóng khắc phục điểm yếu của quân đội do thiếu đạn dược nghiêm trọng.

Điểm sáng của hợp đồng là phía Nga sẽ bảo đảm chuyển giao công nghệ sản xuất đạn cho Cục Quản lý các nhà máy vũ khí OFB (Ordnance Factory Board) của Ấn Độ. Theo chương trình này, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã quyết định thành lập một liên doanh với các nhà sản xuất Nga, tương tự như khi sản xuất đạn cho hệ thống rocket phóng loạt 300 mm BM-30 Smerch.

Về vũ khí bộ binh, sau nhiều năm chật vật với các dự án tự chế tạo vũ khí cầm tay nội địa nhưng không thành công. Ấn Độ đã ký với Nga cung cấp 220 nghìn khẩu súng trường tấn công Kalashnikov cho quân đội Ấn Độ.

Ngoài số vũ khí bộ binh trên, Ấn Độ còn mua của Nga 48 máy bay trực thăng Mi-17; các hệ thống tên lửa phòng không vác vai Igla cải tiến. Chưa biết chính xác về giá trị hợp đồng nhưng một số chuyên gia ước tính thỏa thuận cả số súng AK, máy bay và tên lửa phòng không vác vai ở mức 1,5 tỷ USD.

Đột phá vào châu Á

Sự hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và Indonesia đã có lịch sử 60 năm, kể từ năm 1958. Từ năm 1992, Moscow nối lại việc bán vũ khí nhỏ, thiết bị quân sự, máy bay và trực thăng cho Jakarta trị giá hơn 2,5 tỷ USD. Năm 2018, các bên đã ký một hợp đồng thực sự đột phá để cung cấp 11 máy bay chiến đấu Su-35 hiện đại nhất của Nga, ước tính trị giá 1,1 tỷ USD.

Những hợp đồng vũ khí giúp Nga kiếm bộn tiền trong năm 2018 - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu Su-35 cũng là vũ khí được nhiều quốc gia quan tâm, mặc dù giá cả của nó không hề rẻ.

Nhưng theo tờ báo Kommersant trích dẫn các nguồn tin riêng, có thể Nga sẽ phải trì hoãn việc giao máy bay cho Indonesia, lý do vì Mỹ đe dọa Indonesia bằng các biện pháp trừng phạt.

Trước đây, Jakarta đã nhiều lần tuyên bố mong muốn có được một số tàu ngầm diesel-điện của Nga thuộc Dự án 636 Varshirlanka, nhưng với tình hình chính trị hiện tại, có thể gói hợp đồng chưa thể thực hiện trong thời gian gần.

Nhưng loại trừ hợp đồng mua máy bay Su-35, trong năm 2018, Nga tiếp tục thực thực hiện một hợp đồng lớn đã ký năm 2016 để cung cấp 500 xe chiến đấu bộ binh BMP-3 cho Indonesia.

Những hợp đồng vũ khí giúp Nga kiếm bộn tiền trong năm 2018 - Ảnh 3.

Xe chiến đấu bộ binh BMP-3 có nhiều ưu điểm vượt trội. Năm 2016, Indonesia đã ký hợp đồng mua 500 chiếc loại này để trang bị cho lực lượng hải quân đánh bộ.

Không chỉ có thị trường Indonesia, năm 2018 cũng chứng kiến Nga chuyển giao số xe tăng T-90 cho nhiều khách hàng châu Á, đáng chú ý đó là việc chuyển giao số xe tăng T-90 cho Iraq và 64 xe tăng T-90S cho Việt Nam. Gần đây là Lào đã nhận được vài chục chiếc T-72B1.

Vào tháng 11/2018, dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm đến việc Myanmar đã ký một hợp đồng lịch sử với Nga, trong đó Nga đồng ý cung cấp cho Myanmar 6 máy bay chiến đấu Su-30SM (loại hai chỗ ngồi) trong lúc tình hình nước này đang căng thẳng tại bang Kachin thuộc miền bắc Myanmar (gần biên giới với Trung Quốc).

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexei Fomin lưu ý, thỏa thuận này có thể đặt nền móng cho một hợp đồng mua bán vũ khí lớn hơn khi Myanmar quyết định thay thế toàn bộ máy bay chiến đấu hiện nay bằng máy bay chiến đấu hiện đại của Nga.

Trước mắt, Myanmar sẽ nhận của Nga 6 máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 được chuyển giao theo một thỏa thuận được ký kết trước đó. Những máy bay này khi cần thiết có thể chuyển thành máy bay chiến đấu.

Những hợp đồng vũ khí giúp Nga kiếm bộn tiền trong năm 2018 - Ảnh 4.

Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-90 vẫn là vũ khí được nhiều quốc gia ưa chuộng sau những gì thể hiện tại chiến trường Syria.

Các dịch vụ hậu mãi

Điều đáng chú ý là Nga tiếp tục không chỉ bán thiết bị quân sự ở nước ngoài, mà còn tích cực hỗ trợ các đối tác lâu năm trong việc đảm bảo dịch vụ. Vào cuối tháng 11 vừa qua, công ty cổ phần "Trực thăng Nga" có kế hoạch mở các trung tâm dịch vụ ở Brazil và Peru để sửa chữa và bảo trì loại máy bay lên thẳng Mi-17 và Mi-35 của Nga.

Ngoài ra vào tháng 4/2018, Nga và Hy Lạp đã ký kết thỏa thuận liên chính phủ nhằm kéo dài tuổi thọ của các hệ thống vũ khí mà Nga đã cung cấp cho Hy Lạp. Hiện nay Hy Lạp là quốc gia duy nhất trong khối NATO trang bị các hệ thống phòng không của Nga, như hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU-1, hệ thống phòng không lục quân Tor-M1 và Osa.

Các chuyên gia dự đoán năm 2019 sẽ là năm bản lề của công nghiệp quốc phòng Nga. Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia chủ chốt trong NATO, đã quyết định mua hệ thông phòng không S-400, mặc dù điều này vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía Mỹ.

Cụ thể, chính quyền Mỹ không hài lòng với quyết định của Ankara, Washington đã đưa ra tối hậu thư: Hoặc là người Thổ từ chối mua vũ khí của Nga, hoặc họ không thể nhận được máy bay chiến đấu F-35 mới nhất của Mỹ (Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến ​​sẽ mua ít nhất 100 máy bay F-35).

Một điều quan trọng nữa là, bất cứ nước nào trong số các quốc gia nêu trên muốn mua tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu hay hệ thống phòng không của Nga thì thỏa thuận mua bán giữa họ với các nhà sản xuất vũ khí của Nga đều không kèm điều kiện chính trị.

Bên cạnh đó là hợp đồng đi kèm về bảo trì, sửa chữa và cung cấp phụ tùng thay thế; cùng với đó là nhiều hợp đồng hợp tác với các trường đào tạo quân sự của Nga để mời chuyên viên đào tạo nhân lực cho khách hàng mua vũ khí.

Vì thế, mối quan hệ giữa Nga với những nước này ngày càng trở nên gần gũi hơn. Điều này không chỉ tạo ra một mạng lưới nhân lực phụ thuộc vào kỹ thuật của Nga mà còn tạo điều kiện thúc đẩy các giao dịch mua bán vũ khí trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại