Bán thuốc qua mạng 'cực kỳ nguy hiểm'

Thành Nam |

Đại biểu Quốc hội, Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói rằng, việc bán thuốc qua mạng “nghe rất hiện đại nhưng cực kỳ nguy hiểm”.

Lo mất an ninh dược phẩm

Chiều 18/6, trình bày dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược , đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong bối cảnh đổi mới liên tục của công nghệ và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc mua sắm qua internet, các giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến và trở thành sự lựa chọn của nhiều người dân.

Bên cạnh đó, trên thực tiễn đã xuất hiện loại hình tổ chức kinh doanh chuỗi nhà thuốc, nhưng các nội dung này chưa được Luật Dược 2016 điều chỉnh. Từ thực tiễn đó, dự án luật bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược theo hướng thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất thuốc, nguyên liệu…

Bán thuốc qua mạng 'cực kỳ nguy hiểm'- Ảnh 1.

Theo một số ĐBQH, bán thuốc qua mạng gây rủi ro cho sức khỏe người dùng Ảnh: Express Pharma

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành dược, song các doanh nghiệp dược trong nước chưa tận dụng được do thiếu nguồn lực, trình độ kỹ thuật công nghệ còn hạn chế. Trong khi đó, các nhà đầu tư lớn nước ngoài lại sẵn sàng đầu tư với các dự án lớn, thâu tóm các doanh nghiệp dược trong nước và cạnh tranh với các sản phẩm dược trong nước bằng nhiều cách khác nhau.

Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) đánh giá, nhiều năm nay, ngành công nghiệp dược của Việt Nam vẫn “giậm chân tại chỗ”. Muốn cải thiện, dự thảo luật phải tìm ra gốc rễ của vấn đề. Thực tế, khối doanh nghiệp ngoại đang dần thôn tính các doanh nghiệp dược nổi tiếng của Việt Nam.

Theo đại biểu, Nghị định của Chính phủ hiện không giới hạn đầu tư nước ngoài, trong khi đó, với chính sách quản lý giá, đấu thầu hiện nay, doanh nghiệp dược trong nước thường “thua trên sân nhà”. Các doanh nghiệp uy tín thường không có sản phẩm rẻ nhất để trúng thầu vào bệnh viện. Giải pháp cuối cùng khi nhiều năm sản xuất, kinh doanh thuốc không có lợi nhuận là bán công ty. Bà Lan lo ngại, nếu không có chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp nội phát triển, Việt Nam sẽ mất an ninh dược phẩm, bởi với các công ty nước ngoài, mục tiêu số một là lợi nhuận.

“Không bao giờ ủng hộ” bán thuốc qua mạng

Tại phiên thảo luận tổ, vấn đề được các ĐBQH đặc biệt quan tâm là quy định cho phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng. Dự thảo cũng đề xuất không được kinh doanh dược trên mạng xã hội… Nêu ý kiến, ĐBQH Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy) khẳng định quan điểm “không bao giờ ủng hộ” bán thuốc qua mạng.

Ông nêu câu chuyện thực tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy, do bệnh nhân chờ nhận thuốc bảo hiểm y tế quá lâu (có khi tới 5 - 6 ngày), bệnh viện đã có sáng kiến chuyển thuốc tới tận nhà cho bệnh nhân. Tuy nhiên khi triển khai, chưa nói tới chuyện vận chuyển trong thời tiết mưa gió, đã có trường người giao thuốc đổi thuốc của bệnh nhân. “Thuốc xịn bị đổi thành loại thuốc cùng hoạt chất nhưng giá thành rẻ hơn. Sau một tuần, bệnh viện đã phải dừng ngay việc này”, ĐBQH chia sẻ.

Về nội dung này, bà Phạm Khánh Phong Lan dẫn số liệu của một số quốc gia, khi tỷ lệ thuốc phân phối qua mạng là thuốc kém chất lượng và thuốc giả nhiều. Tại Việt Nam, việc quản lý chất lượng thuốc đối với các nhà thuốc lớn còn tồn tại nhiều khó khăn. Do đó, làm thế nào để quản lý bán thuốc trên mạng không phải là điều dễ dàng. Theo bà, quy định về vấn đề này trong dự thảo luật còn quá đơn giản, rời rạc, cần phải đầu tư nghiên cứu thêm, nếu không hậu quả sẽ rất lớn. “Nếu không quản lý chặt, chúng ta sẽ thả gà ra đuổi. Mà “gà” ở đây chính là tính mạng của người dân”, bà Lan nhấn mạnh, đồng thời đề xuất không đưa thuốc kê đơn vào danh mục thuốc được bán qua sàn thương mại.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) lo ngại về tình trạng quảng cáo thuốc diễn ra tràn lan, bát nháo. “Hiện cách thức quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đang hình thành một thói quen sử dụng rất nguy hiểm cho người dân. Tất cả các quảng cáo đều có một công thức chung là một người bình thường bị bệnh rồi mách bảo cho người khác đi mua dùng. Đó là người dân bình thường chứ không phải cơ quan chức năng, dược sĩ. Các tổ chức y tế cũng như các bác sĩ đã khuyến cáo thói quen sử dụng thuốc rất bừa bãi và tràn lan, đặc biệt thói quen sử dụng thuốc kháng sinh, dẫn đến hậu quả rất nguy hại, đó là tình trạng kháng kháng sinh”, bà Nga nói. Theo bà, nên quan tâm cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm, chưa nên bỏ việc xác nhận của cơ quan quản lý có thẩm quyền về quảng cáo thuốc, bán thuốc.

Tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) nói, bản thân ông không có ngày nào không có người dân gọi đến hỏi: “Thuốc này có phải do anh quảng cáo, anh sử dụng không mà người ta sử dụng hình ảnh anh để bán trên mạng rất nhiều?”. Theo ông, quản lý quảng cáo nói chung được rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng riêng đối với thuốc, cần quy định rõ trách nhiệm Bộ Y tế. Ông đề nghị ghi rõ trong dự thảo: Bộ Y tế có trách nhiệm phát hiện, xử lý quảng cáo thuốc giả mạo trên mạng xã hội; cung cấp cho cơ quan chức năng điều tra và thông tin cho người dân biết để phòng tránh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại