Khi nào hết cảnh mòn mỏi chờ lấy thuốc bảo hiểm y tế?

Anh Đào |

Đó là băn khoăn của bà Trần Thị Lanh (68 tuổi, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) sau nhiều tiếng ngồi chờ đến lượt lấy thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đại học Y (Hà Nội). Để tới được bệnh viện, bà phải dậy từ 5h30, bắt 2 lần xe buýt, đến nơi vừa nôn nao vì say xe vừa mệt mỏi vì đợi chờ.

Mất cả buổi chờ lấy thuốc

Bà Lanh tâm sự, mặc dù các con đề nghị chở mẹ đi nhưng để xếp hàng đợi lấy thuốc phải mất cả buổi, lo con nghỉ làm lại ảnh hưởng đến thu nhập nên bà tự đi. "Tôi phát hiện bị tiểu đường cách đây 5 năm. Ba năm đầu, tôi đi khám đều đặn, thử máu xong mới lấy thuốc nhưng 2 năm nay, bác sĩ bảo các chỉ số của tôi đã ổn định nên tôi chỉ đến lấy thuốc mỗi tháng 1 lần. Tôi bị say xe, lại phải xếp hàng chờ lâu, thật sự rất mệt mỏi", bà Lanh cho biết.

Trường hợp của bà Nguyễn Thị Sang (60 tuổi ở huyện Ba Vì, Hà Nội) cũng tương tự. Bà Sang bị tiểu đường, mỡ máu, cao huyết áp, đã điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) khoảng 3 năm nay. "Mỗi lần, tôi đều phải đợi đến chiều mới xong. Ba tuần tôi phải đi khám một lần, vừa tốn thời gian, vừa tốn chi phí đi lại, ăn uống", bà Sang nói.

Tình trạng bệnh nhân xếp hàng chờ lấy thuốc tại các quầy thuốc bảo hiểm y tế của bệnh viện xảy ra ở nhiều nơi như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nguyễn Trãi… Những bệnh nhân này chủ yếu là người lớn tuổi, mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu, huyết áp, khớp…

Cần điều chỉnh danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả tại trạm y tế

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Bảy (Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai), với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính đã được điều trị ổn định thì có thể linh hoạt trong việc chỉ định việc tái khám và lấy thuốc. Bác sĩ Bảy cho rằng: "Điều cần hướng tới là điều trị hiệu quả và tạo thuận lợi cho người bệnh. Đã có trường hợp bỏ điều trị vì bệnh nhân phải đi lại xa xôi, mất thời gian chờ đợi lâu. Tùy vào từng tình trạng người bệnh, bác sĩ có thể đưa ra chỉ định cụ thể 1 tháng hay 2 tháng mới tái khám".

Đồng tình với quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng, hiện có nhiều bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm mỗi tháng phải đi đến bệnh viện tuyến trên để xếp hàng, chờ lấy thuốc, trong đó có nhiều bệnh nhân đã được điều trị ổn định. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, với bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính không lây, đã được điều trị ổn định, việc theo dõi và nhận thuốc điều trị bảo hiểm y tế có thể thực hiện tại trạm y tế, thay vì phải đi đến các bệnh viện tuyến trên. Điều này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh vừa góp phần giảm tải cho tuyến trên.

Để làm được điều này, cần có sự điều chỉnh danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả của các trạm y tế. Thông tư số 30 của Bộ Y tế quy định danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế chi trả tại trạm y tế hiện nay có 324 loại, trong đó danh mục thuốc cho các bệnh mãn tính không lây có khoảng 50 loại. Nếu so với danh mục thuốc tại bệnh viện tuyến huyện thì trạm y tế đang thiếu nhiều loại thuốc, trong đó có 41 loại thuốc được hội đồng chuyên môn Sở Y tế TPHCM đánh giá là rất cần thiết. Do trạm y tế thiếu thuốc đáp ứng được chỉ định điều trị của bệnh viện tuyến trên nên mặc dù đã được điều trị bệnh ổn định, người dân có nhu cầu muốn về tiếp tục theo dõi và điều trị tại trạm y tế lại không thực hiện được. Họ buộc phải tiếp tục đến khám và điều trị ngoại trú tại bệnh viện tuyến trên.

Khi nào hết cảnh mòn mỏi chờ lấy thuốc bảo hiểm y tế?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc

Một giải pháp khác để khắc phục tình trạng nêu trên vừa được Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất, đó là nâng thời gian kê đơn thuốc. Đối với bệnh nhân điều trị bệnh mạn tính đã ổn định, bệnh nhân đã điều trị thuốc kháng ARV từ 12 tháng trở lên ổn định thì số lượng được kê đơn đủ sử dụng tối thiểu 60 ngày, tối đa không quá 90 ngày. Theo quy định hiện nay, chỉ được kê đơn đủ sử dụng tối đa 30 ngày.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), để điều chỉnh hoàn toàn thì cần cân nhắc giữa mặt lợi và nguy cơ. Mặt lợi là người bệnh có thể giảm được thời gian đi lại, bệnh viện giảm gánh nặng. "Tuy nhiên, kéo dài thời gian kê đơn có thể dẫn đến nguy cơ người bệnh lâu không được thăm khám, không theo sát được diễn biến bệnh, gây ảnh hưởng đến việc điều trị. Chúng tôi đang cân nhắc nghiên cứu đề xuất này và nếu có điều chỉnh sẽ có văn bản hướng dẫn về thời gian kê đơn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại