Bác sĩ 'nổi da gà' khi nhìn ảnh X-quang của nam bệnh nhân, cảnh báo nguy cơ từ món ăn nhiều người mê

Ngọc Minh |

Nam bệnh nhân có kết quả xét nghiệm cho thấy nhiễm nhiều loại giun sán, trong đó nhiều nhất là sán dây.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, cho biết mới đây bệnh viện tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân vào viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau mỏi cơ đùi phải. Bệnh nhân cho biết các triệu chứng đã xuất hiện khoảng 1 tuần nay.

Kết quả chụp X-quang cho thấy có nhiều sán nằm ở các cơ, khiến bác sĩ phải "nổi da gà". Khai thác tiền sử bệnh nhân, bác sĩ Thiệu được biết bệnh nhân có sở thích ăn những món tái, sống như gỏi cá, rau sống và tiết canh. Theo bệnh nhân, những món ăn này đều được làm từ rau tự trồng hoặc động vật tự nuôi. Trước đó, bệnh nhân đã có 3 đợt điều trị sán cơ và sán não.

Theo bác sĩ Thiệu, việc bệnh nhân ăn những món tái, sống chính là con đường đưa các loại giun sán thâm nhập vào cơ thể. Khi ăn phải ấu trùng sán, chúng có thể di chuyển theo đường máu tới não, cơ và gây bệnh.

BS 'nổi da gà' khi nhìn hình ảnh X-quang chi chít sán: Cảnh báo sự vô tư dùng món ăn

Ảnh chụp X-quang cho thấy trong chân bệnh nhân có rất nhiều sán (Ảnh: BSCC).

"Không chỉ riêng bệnh nhân trên nhiễm nhiều loại sán do ăn thức ăn sống, hiện nay, rất nhiều bệnh nhân vào viện điều trị ký sinh trùng có chia sẻ với bác sĩ rằng họ nghĩ các loại tiết canh lợn, vịt nhà tự nuôi là "sạch" nên vẫn vô tư ăn. Mọi người không biết rằng chúng hoàn toàn có nguy cơ lây nhiễm ký sinh trùng và các mầm bệnh nguy hiểm khác như tiêu chảy, tả, lị, liên cầu khuẩn…", bác sĩ Thiệu khuyến cáo.

Bên cạnh tiết canh thì việc ăn rau sống, đặc biệt là những loại rau thủy sinh (rau cần, rau muống..) cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm giun, sán. Theo bác sĩ Thiệu, trong môi trường tự nhiên, ấu trùng đuôi và nang trùng sán lá gan lớn bám vào rau thủy sinh hoặc bơi trong nước. Nếu con người ăn sống các loại rau mọc dưới nước bị nhiễm ấu trùng hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sẽ có nguy cơ mắc bệnh.

BS 'nổi da gà' khi nhìn hình ảnh X-quang chi chít sán: Cảnh báo sự vô tư dùng món ăn

Hình ảnh sán tại não (Ảnh: BSCC).

Qua đường tiêu hóa, ấu trùng sán lá gan lớn vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc đến gan, đục thủng bao gan và xâm nhập vào nhu mô gan gây tổn thương gan.

Sán lá gan lớn ký sinh chủ yếu ở mô gan, nhưng trong giai đoạn xâm nhập, sán có thể di chuyển lạc chỗ và gây các tổn thương ở các cơ quan khác như thành ruột, thành dạ dày, thành bụng, đôi khi có trong bao khớp.

Phòng ngừa nhiễm ký sinh trùng

Để tránh nhiễm các loại giun sán, người dân cần có những biện pháp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ như: Giữ môi trường sống sạch sẽ; Ăn uống hợp vệ sinh;  Không ăn thức ăn chưa nấu chín như gỏi cá, tiết canh...; Luôn rửa tay sạch với xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh; Hạn chế thả rông lợn, nếu nuôi lợn thì phải tuân thủ những quy trình xử lý phân, hay ngăn cách địa điểm nuôi với môi trường sống; Tẩy giun sán định kỳ.

Bác sĩ Thiệu lưu ý thêm người dân khi có bất cứ biểu hiện như đau nhức đầu liên tục, chóng mặt, mất ngủ..., cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Việc phát hiện sớm nhiễm ký sinh trùng sẽ giúp điều trị dàng dàng và tránh gây ra các tổn thương cho các cơ quan mà ký sinh trùng ký sinh.

Bác sĩ 'nổi da gà' khi nhìn ảnh X-quang của nam bệnh nhân, cảnh báo nguy cơ từ món ăn nhiều người mê- Ảnh 3.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại