Bác sĩ cũng đột quỵ vì làm việc quá sức: Ai là người có nguy cơ cao?

Quang Hưng |

Bác sĩ Dương Ngọc Toàn (38 tuổi) sau ca làm việc buổi sáng đến giờ nghỉ trưa bỗng dưng bị đột quỵ. 3 tháng nay, anh được chính đồng nghiệp của mình chăm sóc.

Bác sĩ cũng bị đột quỵ

Trưa ngày 21/5, sau khi kết thúc buổi làm việc buổi sáng, một số bác sĩ của Bệnh viện A Thái Nguyên thường ở lại bệnh viện và trong đó có bác sĩ Dương Ngọc Toàn (38 tuổi) – Phó Khoa Cấp cứu Bệnh viện A Thái Nguyên. Lúc đó, đồng nghiệp đã phát hiện trong tình trạng hôn mê, mặt tím tái, tay chân co giật tại nhà vệ sinh của bệnh viện.

Ngay lập tức, các đồng nghiệp của anh Toàn đã tri hô nhau cùng cấp cứu cho anh Toàn. Tuy nhiên, anh Toàn rơi vào tình trạng ngừng tim. Các bác sĩ đã cấp cứu ngừng tuần hoàn rồi nhanh chóng chuyển anh lên Bệnh viện Bạch Mai.

Những ngày tháng đó như "quả bom nổ chậm" khi tình hình sức khỏe của anh Toàn rất kém. Các đồng nghiệp thấp thỏm lo lắng. Không ai nghĩ, tại nơi anh Toàn từng làm việc đã cấp cứu cho hàng nghìn người bây giờ lại có một bác sĩ nằm đó cả mấy tháng trời.

Từ khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai, thoát được tử thần, anh Toàn đưa về chính khoa hàng ngày anh cấp cứu người bệnh để nằm điều trị. Đã 3 tháng trôi qua, sức khỏe của anh dần bình phục nhưng còn rất chậm.

Từ khi anh Toàn bị bệnh, các đồng nghiệp trong bệnh viện cùng nhau hỗ trợ gia đình cũng như chăm sóc anh. Vợ anh Toàn làm điều dưỡng cũng rất bận rộn không có thời gian chăm sóc chồng. Mẹ anh già thi thoảng vào thăm con. Còn lại, ở khoa anh từng công tác, các bác sĩ, điều dưỡng cùng nhau điều trị và chăm sóc cho anh. Ai cũng mong có phép màu để anh Toàn mau bình phục. 

Bác sĩ cũng đột quỵ vì làm việc quá sức: Ai là người có nguy cơ cao? - Ảnh 1.

Bác sĩ Toàn vẫn đang được đồng nghiệp chăm sóc

Mẹ anh Toàn kể thời gian trước khi bị đột quỵ, có một vài bác sĩ xin nghỉ, bệnh viện thiếu người nên Toàn phải trực đêm thường xuyên, lại thêm chủ quan về sức khỏe, ăn uống không đủ bữa nên suy kiệt dẫn tới đột quỵ. Anh Toàn là bác sĩ nên chủ quan với sức khỏe của chính mình. Mẹ anh cũng thường xuyên nhắc nhở con giữ gìn sức khỏe nhưng bà không rõ công việc của con vất vả như thế nào.

Bệnh đột quỵ gia tăng ở người trẻ

Trước đó tại Hà Nội, một bác sĩ nam công tác tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương đang tham gia một trận bóng cũng bỗng ngã xuống rồi nhanh chóng rơi vào hôn mê, ngừng tuần hoàn. Kết quả chiếu chụp cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết dưới nhện. Mặc dù được cấp cứu kịp thời và nhanh chóng nhưng ổ vỡ quá lớn, diễn biến nghiêm trọng. Vì thế, khi vừa ngã xuống bệnh nhân đã nhanh chóng rơi vào hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn và tử vong.

Bác sĩ cũng đột quỵ vì làm việc quá sức: Ai là người có nguy cơ cao? - Ảnh 2.

Đột quỵ do lối sống không lành mạnh xảy ra ở người trẻ

Theo GS Phạm Gia Khải – nguyên Viện trưởng Viện tim mạch Quốc gia đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trung bình cứ 3 phút lại có 1 ca tử vong do đột quỵ. Những người có tiền sử bị đột quỵ có nguy cơ cao bị đột quỵ lần tiếp theo, nhất là trong vòng vài tháng đầu. Nguy cơ này kéo dài khoảng 5 năm và giảm dần theo thời gian. Những người bị bệnh tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Đặc biệt là chứng bệnh cao huyết áp gây gia tăng sức ép lên thành động mạch, lâu dần khiến thành động mạch bị tổn thương dẫn đến xuất huyết não. Ngoài ra, cao huyết áp còn tạo điều kiện cho các cục máu đông hình thành, cản trở quá trình lưu thông máu lên não.

Hiện nay, đột quỵ gia tăng ở người trẻ ngoài các bệnh lý bẩm sinh như dị dạng mạch máu thì lối sống không lành mạnh như  ăn uống không điều độ, không cần bằng đầy đủ các loại dưỡng chất; lười vận động là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

GS Khải khuyên dù là bác sĩ hay người bình thường cũng tuyệt đối không nên chủ quan với sức khỏe của mình và cần khám bệnh, sàng lọc và bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại