Dấu hiệu mơ hồ
Bà Vũ Thị Hoà trú tại Kiến Xương, Thái Bình đang điều trị tại khoa Nội, Bệnh viện K, Hà Nội với bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn 3B.
Bà Hoà tâm sự cách đây hơn 1 năm, bà thường bị đi tiết dắt, đêm đi đến 2- 3 lần kèm theo triệu chứng đau lưng. Bà Hoà đã đi khám bệnh nhưng bác sĩ chẩn đoán sỏi thận và cho điều trị sỏi thận.
Gần 1 năm trời cứ đau là bà được kê thuốc sỏi thận. Nhà không có điều kiện nên bà cứ yên tâm với sỏi thận bà cắt thêm thuốc nam, thuốc lá về uống để điều trị sỏi. Cứ được một thời gian nó lại tái phát đi tiểu nhiều tiểu buốt.
Gần đây, bà thấy chu kỳ kinh nguyệt thay đổi, có tháng có tới 2 lần. Bà Hoà nghĩ tuổi tiền mãn kinh nên rối loạn nên cũng xem thường mà chỉ chuyên tâm điều trị sỏi thận.
Đến khi đau quá, sụt cân nhiều người nhà động viên mãi bà mới lên bệnh viện tỉnh kiểm tra. Bác sĩ siêu âm thấy buồng trứng có khối u và xét nghiệm máu, thấy chỉ số CA12.5 cao hơn bình thường, các bác sĩ nghi ngờ có biểu hiện ác tính nên giới thiệu bà Hoà lên Hà Nội kiểm tra thêm.
Bà Hoà kiểm tra lại lần nữa bác sĩ chuẩn đoán ung thư buồng trứng. Khi làm phẫu thuật, bác sĩ phát hiện có khối u to và kèm theo nhiều hạch xung quanh nên phát cắt bỏ u và vét hạch.
Sau 1 tháng phẫu thuật, sức khoẻ phục hồi nên bà Hoà được truyền hoá chất. Tất cả có 6 đợt truyền hoá chất bà Hoà mới thực hiện được 2 đợt.
Với bà, dù mỗi đợt 1 tuần nhưng nó là thời kỳ chết đi sống lại của bà. Bà Hoà luôn tự trách mình nếu biết đi kiểm tra bệnh sớm hơn có lẽ không để bệnh đến giai đoạn 3 B như thế này.
Cùng hoàn cảnh với bà Hoà, chị Đào Thị Tuyết, Văn Giang, Hưng Yên 36 tuổi cũng bị ung thư buồng trứng. Chị Tuyết kể trước đó chị không có triệu chứng nào khác nào ngoài đau bụng râm ỉ ở bụng dưới.
Chị Tuyết đi khám bác sĩ cho biết đó là do chị đặt vòng tránh thai nên chị cũng yên tâm với những triệu chứng thi thoảng bụng đau âm ỉ đó.
Gần đây, thấy bụng mình to lên bất thường thì chị cho rằng đó là béo bụng, ngồi nhiều. Chỉ đến khi chu kỳ kinh nguyệt thay đổi bất thường mỗi tháng có tới 2 – 3 lần mà không nhiều chị mới đi khám.
Bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư buồng trứng đã lan sang cả hai vòi trứng và phải cắt bỏ hoàn toàn buồng trứng và điều trị hoá chất. Chị điều trị ở Bệnh viện K một thời gian rồi chuyển sang Bệnh viện Ung bướu Hà Nội điều trị.
Đến nay, sức khoẻ của chị khá hơn trước những chị vẫn rùng mình khi nghĩ về cái án ung thư với những triệu chứng vô cùng mơ hồ đó.
Ai dễ mắc ung thư buồng trứng
Bác sĩ Phùng Thị Huyền - Bệnh viện K cho biết: "Dấu hiệu ung thư buồng trứng mơ hồ lắm. Rất ít người được chẩn đoán sớm vì khối u nằm trong ổ bụng.
Đôi khi chỉ là cảm giác đau bụng, tức bụng mà thôi. Hiện nay, cũng chưa có phương pháp sàng lọc cho bệnh nhân ung thư buồng trứng. Việc chữa trị cũng chỉ là phẫu thuật và hóa chất.
Ung thư buồng trứng được xếp thứ 3 ở phụ nữ, sau ung thư vú, ung thư cổ tử cung. Các bác sĩ thống kê, những yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến ung thư buồng trứng thường là do chế độ ăn nhiều mỡ động vật, phụ nữ trên 40 tuổi có mức sống cao, từng mắc ung thư vú hoặc vô sinh…
Cùng quan điểm, PGS - TS Nguyễn Nghiêm Luật, Nguyên trưởng khoa Hoá – Sinh trường Đại học Y Hà Nội cho biết ung thư buồng trứng là tế bào ác tính phát triển ở một hoặc cả hai buồng trứng. Ung thư buồng trứng rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của con người.
Hiện nay, độ tuổi trung bình của bệnh nhân mắc ung thư buồng trứng là khoảng 60 tuổi, tuy nhiên ở độ tuổi trên 50 là những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Tuy nhiên theo PGS Luật lứa tuổi phụ nữ trẻ từ 14 trở lên cũng không thể chủ quan. Thực tế đã gặp một số trường hợp các bạn trẻ mắc u xơ, không điều trị kịp thời đã dẫn đến ung thư.