120 triệu đồng/chu kỳ điều trị
Theo PGS Lê Văn Quảng - Phó Giám đốc Bệnh viện K trung ương ý tưởng huy động hệ miễn dịch tấn công ung thư được đưa ra lần đầu tiên cách đây hơn hai thập kỷ.
Năm 1990, giáo sư James P.Allison (Mỹ) đầu tiên phân lập thành công CTLA-4 một loại protein hoạt động như điểm kiểm soát trong hệ miễn dịch, tiếp đó ông và cộng sự đã tạo ra được một loại kháng thể đơn dòng ức chế CTLA-4 và chứng minh được tác dụng sinh học của phương pháp ưc chế điểm kiểm soát miễn dịch CTLA-4 trong điều trị ung thư.
Hai năm sau GS Tasuku Honjo (Nhật Bản) tìm ra điểm kiểm soát thứ hai PD-1.
Hai nhà khoa học được trao Giải Nobel Y học 2018 nhờ các phát hiện này. Đây là cơ sở nghiên cứu, nền tảng để các công ty nghiên cứu, sản xuất ra nhiều loại thuốc là các kháng thể đơn dòng ức chế các thụ thể CTLA-4 hoặc thụ thể PD1/PD-L1.
Các kháng thể đơn dòng kháng ức chế CTLA-4 phổ biến là ipilimumab, tremelimumab, trong khi Các kháng thể đơn dòng ức chế PD-1/PD-L1 phổ biến là Pembrolizumab, Nivolumab, Atezolizumab và Durvalumab.
Liệu pháp miễn dịch mở ra hướng mới cho điều trị ung thư.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt thuốc ức chế các điểm kiểm soát miễn dịch đầu tiên điều trị ung thư hắc tố giai đoạn muộn vào năm 2011.
Trước đó tuổi thọ của bệnh nhân mắc bệnh này giai đoạn muộn thường được đo lường bằng tháng, tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch mới đã giúp kéo dài thời gian sống thêm theo năm. Chỉ 3 tháng sau FDA đã mở rộng chỉ định cho ung thư phổi giai đoạn muộn.
Tính đến nay, các thuốc ức chế chốt kiểm miễn dịch Nivolumab, Ipilimumab, Pembrolizumab, Atezolimumab, Durvalumab đã được FDA phê duyệt trong điều trị một số bệnh ung thư như ung thư hắc tố, ung thư phổi, ung thư biểu mô đường niệu, ung thư dạ dày, u lympho, ung thư gan.
Mỗi thuốc có chỉ định không hoàn toàn giống nhau về loại ung thư và giai đoạn bệnh có thể điều trị.
PGS Lê Văn Quảng
Ở nước ta, theo bác sĩ Quảng Pembrolizumab là thuốc miễn dịch mới được cấp phép sử dụng trong thực hành lâm sàng điều trị ung thưtừ cuối năm 2017và đang được sử dụng ở một số bệnh viện, tuy nhiên chi phí cho một chu kì điều trị lớn, khoảng 60 -120 triệu đồng và chưa được Bảo hiểm Y tế chi trả.
Mỗi bệnh nhân phải sử dụng 1-2 lọ trong một lần với liệu trình 3 tuần/lần. Các thuốc Atezolizumab, Durvalumab, Tremelimumab đã được cấp phép trong nghiên cứu lâm sàng.
Một số bệnh viện lớn ở Việt Nam phối hợp với các công ty dược phẩm và trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới đang tiến hành nghiên cứu các thuốc điều trị miễn dịch trên giai đoạn thử lâm sàng
Chỉ định cho bệnh nào?
Mặc dù, triển vọng về hiệu quả của phương pháp điều trị là rất lớn, tuy nhiên không phải bệnh nhân ung thư nào nào cũng có chỉ định điều trị phương thức này. Cùng một loại ung thư nhưng không phải bệnh cảnh nào cũng có chỉ định mà tuỳ thuộc chủ yếu vào giai đoạn và đặc điểm khối u.
Theo PGS Quảng thông thường thuốc được dùng cho giai đoạn di căn và mức độ biểu hiện của thụ thể PD-L1 trên khối u càng cao thì khả năng đạt đáp ứng với liệu pháp miễn dịch này càng cao. Hiện tại Bệnh viện K đã điều trị cho hàng chục bệnh nhân và cần thời gian theo dõi thêm đủ dài để tổng kết, đánh giá hiệu quả.
BS Quảng cũng nhấn mạnh đây không phải là phương thức chữa khỏi ung thư giai đoạn di căn mà chỉ tiêu diệt phần nào và ức chế, kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư qua đó giúp kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.
Hơn nữa trong điều trị ung thư, tuyệt đại đa số các trường hợp để điều trị hiệu quả cần phối hợp đa mô thức và toàn diện, không một phương thức đơn lẻ nào có thể mang lại thành công.
Các thuốc ức chế chốt kiểm đang được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới từ việc cố gắng mở rộng chỉ định điều trị đối với nhiều loại ung thư khác nhau, nhiều giai đoạn bệnh khác nhau từ giai đoạn khu trú tại chỗ đến giai đoạn di căn, từ sử dụng đơn độc đến kết hợp nhiều thuốc miễn dịch với nhau, hoặc kết hợp giữa điều trị miễn dịch với các phương pháp truyền thống như kết hợp với hóa trị, xạ trị.
Tuy nhiên cần thêm thời gian để các nghiên cứu lâm sàng kết thúc và kết quả của các nghiên cứu được công bố.