Mất mát về tình cảm gia đình, tình yêu, một đứa con qua đời, một tai nạn xe hơi, bị tấn công bạo lực hoặc tình dục… là những sự kiện có thể đưa phụ nữ đến cảm giác đau khổ đủ để giết chết họ.
Nghiên cứu mới của Đại học Pittsburgh cho thấy hệ tim mạch của phụ nữ khó lòng chịu đựng được nỗi đau "quá tam ba bận".
Công trình trên vừa được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hội Mãn kinh Bắc Mỹ. Các nhà khoa học đã đưa ra hồ sơ của 272 phụ nữ được phát hiện bệnh tim mạch sau những lần đau khổ trong đời.
Chức năng lòng mạch của họ bị giảm sút rõ rệt sau 1-2 lần trải qua những sự kiện được cho là khủng khiếp, khiến quá trình tuần hoàn máu trở nên khó khăn hơn, từ đó dẫn đến huyết áp cao và những vấn đề khác trong hệ tim mạch.
Với thể trạng của những phụ nữ này, cơn đau lần thứ 3 đủ sức làm bùng nổ một cơn đau tim. Và cho dù họ có chịu được cơn đau lần 3, đến một độ tuổi nhất định, những vết thương tưởng đã nguôi ngoai cũng sẽ khiến họ mang bệnh bởi những dấu tích để lại trên hệ tim mạch.
Tiến sĩ Rebecca Thurston, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh khái niệm "phơi nhiễm chấn thương". Tương tự việc phơi nhiễm các bệnh khác, bệnh nhân không bị tấn công bởi mầm bệnh ngay lập tức mà vấn đề chỉ bộc phát sau thời gian ủ bệnh.
Với các chấn thương tâm hồn, thời gian bộc phát bệnh tim và những cơn đau tim thường ở tuổi trung niên, đa số sau giai đoạn mãn kinh.
Theo các nhà khoa học, nghiên cứu này nhắc nhở các nhà cung cấp dịch vụ y tế rằng việc khai thác bệnh sử không chỉ đơn giản là hỏi thăm về sức khỏe thể chất.
Trước đó, cũng có một số nghiên cứu chỉ ra mối tương quan giữa nỗi đau và các vấn đề tim mạch. Đại học Cairo (Ai Cập) phát hiện những người đàn ông sớm bạc tóc có các tổn thương động mạch.
Tóc bạc sớm thường gắn liền với stress, mất ngủ và các sự kiện đau khổ. Nghiên cứu khác của Đại học Florida Atlantic (Mỹ) thì chỉ ra việc chia tay người yêu có thể dẫn đến bệnh tim.
Bệnh tim mạch được xem là bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở Mỹ và xếp hàng thứ 2 ở Anh, chỉ sau sa sút trí tuệ.
Nguồn: Daily Mail