Bà bầu có cần kiêng ăn đào?

Thanh Loan |

Hương vị thơm ngon khiến rất nhiều mẹ bầu thèm ăn đào. Tuy nhiên, theo quan niệm dân gian, bà bầu kiêng tuyệt đối ăn đào nhất là trong 3 tháng đầu bởi đào sẽ gây sẩy thai. Vậy, quan niệm này có đúng hay không?

Theo ThS.BS Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam, mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng theo một số nghiên cứu gần đây, đào là loại trái cây rất giàu dinh dưỡng và có thể được ăn khi mang thai.

Không cần cấm kỵ tuyệt đối

ThS.BS Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, nếu nói bà bầu cần kiêng đào tuyệt đối thì không phải.

Vì quả đào có tính nóng nên nếu ăn nhiều, liên tục đào bà bầu có thể bị xuất huyết, chỉ nên ăn mỗi tuần khoảng 2-3 quả đào để không gây hại gì cho mẹ và bé.

Hơn nữa, lông ở vỏ quả đào có thể gây kích thích ngứa họng hoặc dị ứng nên tốt nhất là các mẹ bầu nên gọt vỏ khi ăn.

Theo một số nghiên cứu mới đây, đào là loại trái cây rất giàu dinh dưỡng và có thể được ăn khi mang thai. Vitamin C có trong đào giúp cho xương, răng, da, cơ và các mạch máu của em bé phát triển khỏe mạnh.

Vitamin C cũng hỗ trợ quá trình hấp thu sắt, một vi chất rất quan trọng cần thiết trong suốt quá trình mang thai cho cả mẹ và bé.

Lượng folate có trong đào giúp ngăn chặn các dị tật về ống thần kinh như tật nứt đốt sống. Kali trong đào giúp làm giảm tình trạng co thắt cơ và giảm mệt mỏi thường gặp trong thai kỳ.

Lượng chất xơ có trong đào có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và làm giảm táo bón, một vấn đề mà nhiều bà bầu rất lo ngại.

Bà bầu có cần kiêng ăn đào? - Ảnh 1.

Về quan niệm ăn đào trong thai kỳ, nhất là trong 3 tháng đầu liệu có gây sẩy thai hay không, điều này toàn không có cơ sở. Các mẹ bầu vẫn có thể ăn đào tuy nhiên không nên ăn quá nhiều.

Về quan niệm ăn đào trong thai kỳ, nhất là trong 3 tháng đầu liệu có gây sẩy thai hay không, điều này toàn không có cơ sở.

Trong Đông y, quả đào phơi khô, sấy khô có vị hơi chua, đắng, tính bình có tác dụng chỉ huyết nên có thể dùng trong các trường hợp động thai.

Giáo sư Đỗ Tất Lợi trong cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam có đề cập đến tác dụng của đào nhân hay hạt đào để điều kinh, cầm máu sau đẻ, hoặc thông kinh nguyệt.

Các nhà nghiên cứu Đài Loan cho rằng, trong đào nhân có chất Ergotin, tác dụng trên mạch máu tử cung, làm co tử cung do vậy có tác dụng cầm máu sau đẻ.

Như vậy, có thể thấy rằng ăn quả đào hoàn toàn không gây nên sẩy thai như các mẹ bầu hay nghĩ. Các mẹ có thể ăn đào nhưng lưu ý không nên ăn quá nhiều.

Bên cạnh đó, mẹ bầu ngoài việc không nên ăn quá nhiều đào (chỉ nên ăn 1 quả mỗi lần, 2 - 3 ngày ăn 1 lần) thì cũng luôn nhớ chọn đào an toàn, đã chín, rửa sạch trước khi ăn và nên gọt vỏ để tránh lớp lông đào gây kích ứng khó chịu.

Thuốc chữa bệnh trong Đông Y từ quả đào

Ngoài ra, Ths.BS Trần Thu Nguyệt chỉ ra một số bài thuốc Đông y dùng quả đào và các bộ phận của cây đào để làm thuốc.

Hoa đào

Sau phơi trong bóng râm, bảo quản trong các lọ thủy tinh, hoặc các túi chống ẩm; khi dùng, tán mịn, uống với nước ấm hoặc với rượu ấm.

Cũng có thể bọc hoa trong các mảnh vải xô, rồi hãm với nước sôi. Ngày 20 - 30g, trị các bệnh phù thũng, phát cước (các ngón chân, sưng nóng, đau nhức), hoặc bị ho, nhiều đờm.

Bà bầu có cần kiêng ăn đào? - Ảnh 2.

Quả đào, lá đào có thể dùng làm nhiều vị thuốc

Quả đào

Quả đào phơi hoặc sấy khô, có vị hơi chua, đắng, tính bình, có tác dụng chỉ huyết, liễm hãn. Dùng trong các trường hợp ra mồ hôi trộm, di tinh, thổ huyết, động thai.

Khi bị động thai ra máu, có thể dùng 1 quả đào sao tồn tính (sao tới khi toàn bộ vỏ quả bị đen), tán bột mịn, uống với nước ấm.

Nhân từ hạt quả đào

Phơi hoặc sấy khô, có vị đắng, ngọt, tính bình, có tác dụng hoạt huyết, khứ ứ, dùng trị các bệnh bế kinh, đau bụng khi kinh nguyệt do máu kết thành cục: Đào nhân, hồng hoa, mỗi vị 6g; xuyên khung 4g, đương quy, xích thược, mỗi vị 10g.

Sắc uống, ngày 1 thang. Uống liền 2 tuần lễ. Lặp lại vài chu kỳ kinh nguyệt cho tới khi hết các triệu chứng nói trên.

Đào nhân còn có tác dụng chỉ ho, hóa đờm. Dùng trong các trường hợp ho nhiều đờm, phối hợp trần bì, bách bộ, mạch môn.

Ngoài ra đào nhân còn có tác dụng lợi đại tiện, được dùng khi bị táo bón; dùng tốt cho các trường hợp táo bón do đoản hơi, đoản khí.

Lá đào

lá đào tươi vò nát, thêm nước để tắm cho khỏi lên rôm, sẩy trong mùa hè. Ngoài ra, có thể dùng lá tươi (30- 50g), sắc uống để chữa sốt rét.

Rễ đào: rễ đào rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, sắc uống, trị chứng vàng da, chảy máu cam, nôn ra máu, kinh nguyệt không thông hoặc rễ đào, rễ ngưu bàng, mã tiên thảo, mỗi vị 6g; ngưu tất 12. Sắc uống. Ngày một thang, trước bữa ăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại