Quốc gia nắm giữ vị trí địa chiến lược và tài nguyên quan trọng ở Kavkaz
Giao lưu giữa Mỹ và Azerbaijan ngày càng nổi bật trong giai đoạn hiện nay, khi năm 2022 đánh dấu 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia này.
Từ góc nhìn chính sách đối ngoại của Washington, Azerbaijan sở hữu tầm quan trọng chiến lược không thể phủ nhận. Thủ đô Baku của Azerbaijan là hải cảng lớn nhất bên bờ biển Caspia và là một trung tâm vận tải quan trọng đối với các hàng hóa vận chuyển giữa châu Âu và Trung Á.
Bản đồ hệ thống đường ống dầu khí từ Azerbaijan sang Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ. Đồ họa: Thomas Blomberg/Eurasianet.
Azerbaijan – quốc gia duy nhất trên thế giới có đường biên giới với cả Nga và Iran, chủ động mở rộng quan hệ với phương Tây như một nhân tố tạo cân bằng.
Trong 3 thập kỷ qua, kể từ khi Azerbaijan trở thành nước độc lập tách ra từ Liên Xô, quan hệ giữa quốc gia Kavkaz này và Mỹ đã phát triển toàn diện theo hướng tăng cường an ninh năng lượng ở châu Âu, đấu tranh chống các mối đe dọa xuyên quốc gia, và thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương…
Nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn hydrocarbon (tức dầu khí) phong phú của Azerbaijan tạo nên xương sống nền kinh tế quốc gia ven biển Caspia này, đồng thời giúp họ trở thành sự lựa chọn thay thế cho Nga trên phương diện dầu khí.
Thực sự Azerbaijan đã góp phần đáng kể vào an ninh năng lượng của châu Âu và rộng ra là an ninh của nước Mỹ.
Xuất phát từ lợi ích thực dụng, Mỹ và châu Âu ưu tiên và thúc đẩy quan hệ với Azerbaijan, với Baku đóng vai trò kết nối quan trọng về thương mại, năng lượng và kinh tế giữa phía Đông và phía Tây của khối lục địa Á-Âu.
Mỹ đã từ lâu ủng hộ các nỗ lưc của Azerbaijan phát triển và xuất khẩu tài nguyên năng lượng sang các thị trường phương Tây. Các công ty Mỹ đã tham gia các dự án phát triển dầu mỏ ngoài khơi Azerbaijan.
Những tuyến đường ống chiến lược giúp giảm sức ép năng lượng cho EU
Hành lang Khí đốt phương Nam Azerbaijan mới hoàn thành gần đây đã mang nguồn năng lượng thiết yếu từ vùng Caspia tới thị trường châu Âu.
Hồi tháng 12/2020, hãng dầu khí BP của Anh nhấn mạnh như sau: "Nguồn cung năng lượng của châu Âu đã nhận được một động lực thúc đẩy mạnh mẽ, được mong chờ nhiều vào hôm nay, khi một trong các dự án năng lượng phức tạp nhất của thế giới bắt đầu hoạt động đầy đủ. Hệ thống đường ống Hành lang Khí đốt phương Nam Azerbaijan mới hoàn thành đang vận chuyển khí tự nhiên từ bên dưới biển Caspia ngoài khơi Azerbaijan tới các khách hàng châu Âu ở cách xa hàng ngàn dặm. Cột mốc kỹ thuật khổng lồ này liên quan đến 7 chính phủ, 11 công ty và hơn 30.000 người. Kết quả là một hệ thống đường ống dài 3.500km leo qua đồi núi, bò dưới đáy biển và căng qua bề rộng của Thổ Nhĩ Kỳ, mở ra một tuyến cung cấp năng lượng mới cho Liên minh châu Âu".
Hành lang Khí đốt phương Nam này gồm 3 đường ống – (1) Đường ống Nam Kavkaz thông qua ngả Azerbaijan và Gruzia, (2) Đường ống Khí tự nhiên Xuyên Anatolia vắt qua Thổ Nhĩ Kỳ, và (3) Đường ống Xuyên biển Adriatic đi qua Hy Lạp và Albania tới Italy.
Mới đây Ủy ban châu Âu đã có một động thái giảm sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu (EU) vào năng lượng Nga, đó là ký một thỏa thuận với Azerbaijan để tăng gấp đôi việc nhập khí đốt từ Azerbaijan vào năm 2027.
Trong chuyến thăm Baku, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhận xét: "Ngày nay, với Biên bản Ghi nhớ mới này, chúng ta đang mở ra một chương mới trong hợp tác năng lượng giữa chúng ta với Azerbaijan – một đối tác chính trong các nỗ lực của chúng ta thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch của Nga".
Azerbaijan đang là và sẽ tiếp tục là một nước có tầm quan trọng địa chính trị. Sự phù hợp của Azerbaijan với châu Âu và Mỹ được nâng cao, đặc biệt là trong bối cảnh phương Tây tìm cách mở rộng và bảo đảm các phương án thay thế cho Nga với tư cách nguồn năng lượng.
Việc sử dụng nhiều hơn Hành lang Khí đốt phương Nam xuất phát từ Azerbaijan phục vụ thị trường toàn cầu có nhiều ích lợi cho khu vực cũng như cho Mỹ.
Cạnh tranh Mỹ-Nga và nhu cầu cải cách tại Azerbaijan
Trong bối cảnh chiến lược nói trên, hơn khi nào hết, Azerbaijan đứng trước nhu cầu phải tiếp tục áp dụng các biện pháp cải cách lớn hơn và đẩy mạnh tự do kinh tế.
Trong các thập kỷ qua, quốc gia này đã thành công trong việc xóa đói giảm nghèo và sử dụng doanh thu từ sản xuất dầu khí để phát triển thêm các cơ sở hạ tầng cần thiết và hiện đại hơn.
Theo Chỉ số Tự do Kinh tế thường niên của Heritage Foundation, Azerbaijan đã gia tăng đáng kể về tự do kinh tế kể từ khi quốc gia này lần đầu tiên được đưa vào chỉ số này vào năm 1996. Tổng điểm của Azerbaijan đều nằm trên mức trung bình thế giới trong thập kỷ qua.
Tất nhiên Azerbaijan vẫn cần phải cải cách nhiều hơn nữa. Mỹ có thể hỗ trợ Azerbaijan thông qua các đối thoại cởi mở, thẳng thắn và hướng về phía trước trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Tuy nhiên, Azerbaijan vốn nằm trong không gian hậu Xô viết và nằm sát vách Nga. Do vậy, trong bối cảnh xung đột Ukraine hiện nay, có thể Azerbaijan sẽ trở thành nơi Mỹ và Nga cố gắng tranh giành ảnh hưởng một cách quyết liệt./.