TS. BSCKII Nguyễn Văn Dũng - Phó viện trưởng Viện Sức khoẻ Tâm thần(SKTT), bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Ở trẻ em dưới 22 tuổi, sự phát triển về cơ thể cũng như về tinh thần chưa được hoàn thiện đầy đủ.
Các cháu rất dễ bị tác động về mặt tinh thần, nên cảm xúc và hành vi của các cháu cũng thay đổi bởi các tác nhân gây nên các stress này. Do vậy, áp lực thi cử là một sang chấn tâm lý đối với các cháu, gây nên rất nhiều nguy hiểm."
Sợ đi học, rối loạn tâm thần bố mẹ mới tá hỏa đưa con nhập viện!
TS. BSCKII Nguyễn Văn Dũng - Phó viện trưởng Viện Sức khoẻ Tâm thần(SKTT), bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Chúng tôi mới tiếp nhận bệnh nhân Trương Quang Đ (16 tuổi, ở Trần Phú, Thành phố Bắc Giang) với chẩn đoán bị rối loạn cảm xúc của trẻ em cần phải điều trị.
Theo gia đình của Đ, cháu sinh ra trong một gia đình có truyền thống về học tập, được sự giáo dục của bố mẹ và các người thân cháu có nhiền năm được là học sinh giỏi và dẫn đầu trong một lớp chọn tại một trường tuyến tỉnh. Gia đình tin vào sự quyết tâm của cháu nên tạo mọi điều kiện cho sở thích của cháu, niềm hạnh phúc của gia đình là cháu học tốt.
TS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng thăm khám cho bệnh nhân.
Nhìn con miệt mài học tập bố mẹ luôn lấy con làm tấm gương sáng cho mọi người trong gia đình. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, gia đình thấy cháu bỗng trở nên xa lánh mọi người, không muốn giao tiếp với mọi người xung quanh, thường khép nép khi mọi người nói chuyện về cháu hay việc học tập của cháu.
Cháu lơ là và không muốn học nữa, cháu sợ đi học, mở sách ra là cháu thấy như bị áp lực đè lên người nên hay bị đau đầu, bố mẹ động viên thì cháu bực tức khóc lóc. Kết quả học tập những năm gần đây giảm sút. Ban đầu, gia đình cho đó là sự thay đổi của tuổi học trò, nhưng đến khi thấy cháu không muốn đến trường nữa thì bố mẹ mới tá hỏa đưa con đến Viện.
Bên cạnh những áp lực gia đình đặt ra thì có nhiều em tự tạo áp lực cho mình và dẫn đến rối loạn cảm xúc. Em Lê Ngọc Q. (20 tuổi, Thanh Hóa) là một bệnh nhân như thế. Em đang được điều trị tại Viện SKTT. Trò chuyện với chúng tôi, em cho biết sau khi học xong phổ thông, em có nguyện vọng tu luyện nước ngoài.
Do mong muốn của em quá mãnh liệt mà bản thân không đáp ứng được nên em đã bị rối loạn lo âu: Sợ hãi việc học, lúc nào cũng lo lắng, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, cảm giác mệt mỏi "kiệt sức", khó tập trung, đầu óc như trống rỗng, tính tình thay đổi, căng cơ, đi học thì xin cô về…
Đó chỉ là 2 trong nhiều bệnh nhân trẻ bị rối loạn cảm xúc đang được điều trị tại viên SKTT, bệnh viện Bạch Mai.
Theo BS Dũng, một nghiên cứu xã hội học cho thấy có đến 15% số các học trò có các biểu hiện rối loạn về cảm xúc cần được tư vấn và điều trị. Mới đây một nghiên cứu của các nhà tâm thần trên 5 trường học lớn tại Hà Nội, tỷ lệ trẻ có nguy cơ rối loạn cảm xúc là 5%, trong đó 2% số học sinh cần điều trị tại các cơ sở y tế.
Đó là những con số đáng báo động về tình trạng rối loạn cảm xúc và loạn thần do áp lực thi cử tuổi thanh thiếu niên.
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân trẻ rối loạn cảm xúc sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, cụ thể là bệnh tâm thần.
Áp lực thi cử: Nguyên nhân bệnh rối loạn cảm xúc
BS Dũng cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến các cháu bị rối loạn cảm xúc nhưng đặc biệt trong thời gian này thì áp lực thi cử, điểm và thành tích học tập là lớn nhất. Trong các giai đoạn thi cử, số lượng bệnh nhân cần tư vấn và điều trị ở lứa tuổi vị thành niên tăng đáng kể.
Cha mẹ không nên gây áp lực khiến con phải nhập viện vì căng thẳng.
Ở trẻ em dưới 22 tuổi, sự phát triển về cơ thể cũng như về tinh thần chưa được hoàn thiện đầy đủ. Các cháu rất dễ bị tác động về mặt tinh thần, nên cảm xúc và hành vi của các cháu cũng thay đổi bởi các tác nhân gây nên các stress này. Do vậy, áp lực thi cử là một sang chấn tâm lý đối với các cháu, gây nên rất nhiều nguy hiểm.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống không được quy phạm. Dinh dưỡng kém, không đảm bảo nên gây sa sút về cơ thể lẫn tinh thần .
Hơn nữa, thời gian học tập của các cháu quá dài và dày. Thường từ 12-14 tiếng đồng hồ. Áp lực học khiến cho các cháu không có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn dẫn đến căng thẳng, lo âu.
Khi có 8 dấu hiệu sau cần đưa trẻ đến bệnh viện
- Ngại đi học, ngại nghe đến trường.
- Không muốn tiếp xúc với người khác, hay xấu hổ, hay tủi thân.
- Thường xuyên cáu giận, bực dọc bất thường.
- Ăn uống kém.
- Thường có những cơn ác mộng trong giấc ngủ.
- Thường xuyên than vãn.
- Biểu hiện nặng hơn: hay khóc lóc, kể lể những câu chuyện bản thân va chạm ở trường và những mâu thuẫn tạo áp lực.
- Ở trường thường biểu hiện: Sự mệt mỏi trong lớp, ngủ gật, lơ đễnh, và kết quả học tập thấp hơn so với những năm trước.
Cha mẹ cần làm gì khi con có biểu hiện rối loạn cảm xúc
BS Dũng khuyến cáo, Các cha mẹ hãy tạo dựng cho con một phương pháp học tập hợp lý nhất ngay từ nhỏ. Không nên tạo cho các con về điểm, áp lực thi cử. Từ đó, các thầy cô giáo cũng như các bậc phù huynh cần phải tạo cho con niềm tin, phấn khởi và khuyến khích để học chứ không phải thúc ép.
Đối với trường hợp nhẹ thì gia đình cần phải lập kế hoạch cho trẻ chế độ ăn uống, chế độ nghỉ ngơi phù hợp. Đặc biệt phải cho các cháu uống nhiều nước, hạn chế thức đêm, hạn chế sử dụng các trang thiết bị điện tử.
Đối với các biểu hiện nặng thì gia đình nên đưa cháu đến viện để được khám và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, khi phát hiện trẻ bị rối loạn cảm xúc, gia đinh tuyệt đối không tự ý cho uống các loại thuốc bổ, thuốc thần kinh. Theo các chuyên gia, điều trị các rối loạn cảm xúc liên quan đến áp lực học và thi phải tùy theo mức độ và tùy theo rối loạn mà có phác đồ điều trị phù hợp.
Cần phải điều trị nội trú tại bệnh viện những trường hợp có ý tưởng hoặc hành vi tự sát, hay bệnh nhân loạn thần. Cần kết hợp các liệu pháp tâm lý và liệu pháp hóa dược. Liệu pháp tâm lý được sử dụng là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), liệu pháp tâm lý nhóm, liệu pháp gia đình, kỹ thuật thư giãn luyện tập….Các thuốc có thể hỗ trợ điều trị như thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần…