Theo Người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản, việc chọn lựa địa điểm để triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất cần xem xét yếu tố khoảng cách từ căn cứ đó tới khu dân cư.
Ông Suga nói rằng đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nhật Bản bổ sung yếu tố khoảng cách tới khu dân cư trong quá trình đánh giá các địa điểm được đề xuất.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang tiến hành khảo sát lại các địa điểm tiềm năng sau khi phát hiện có lỗi dữ liệu trong đợt khảo sát đầu tiên. Các chuyên gia bên ngoài đã được giao thực hiện công việc này.
Được biết, Nhật Bản chọn hệ thống đánh chặn Aegis Ashore vì có độ tin cậy không hề thua kém tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối - THAAD trong khi chi phí để triển khai lại rẻ hơn.
Ngoài ra, sự tương thích công nghệ giữa các tổ hợp Aegis Ashore trên bộ với các tổ hợp Aegis trang bị các chiến hạm của Hải quân Nhật Bản cũng giúp tăng cường khả năng phòng thủ cho Tokyo.
Aegis Ashore thực tế là phiên bản trên bộ của hệ thống Aegis đánh chặn trên các chiến hạm.
Hệ thống này bao gồm radar cảnh giới, dẫn bắn đa nhiệm AN/SPY-1 và 24 bệ phóng thẳng đứng đa dụng Mk 41, tạo thành lưới lửa phòng không dày đặc.
Hệ thống Aegis Ashore sử dụng đạn tên lửa đánh chặn siêu thanh SM-3 Block IB.
Tên lửa SM-3 Block IB có tầm bắn 700km và tầm cao tiêu diệt mục tiêu 500km.
Vận tốc tối đa của SM-3 Block 1B nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh, vào khoảng 3km/s.
Trong hình là hệ thống radar mảng pha điện tử 3D AN/SPY-1D(V), đây là "cặp mắt thần" của hệ thống đánh chặn.
Radar có khả năng điều khiển tấn công 18 mục tiêu khác nhau cùng một thời điểm, với độ chính xác cao.
Trong tương lai, AN/SPY-1D(V) sẽ được thay thế bằng radar AMDR của hãng Raytheon, có tính năng cao hơn.
Với việc Nhật Bản trang bị hệ thống đánh chặn Aegis Ashore, Trung Quốc và Triều Tiên sẽ mất dần lợi thế trong các cuộc đe dọa lẫn đối đầu tiềm tàng với Nhật Bản.
Bởi lẽ hệ thống đánh chặn này sẽ đánh chặn hiệu quả hầu hết các loại tên lửa đạn đạo được bắn đi từ Trung Quốc và Triều Tiên.