Ăn Tết khỏe

Dương Liễu - Thu Hiến |

Dịp Tết là những ngày nếp sinh hoạt đảo lộn, ăn uống không ra bữa, lúc nào cũng thấy lưng lửng dạ nên đến bữa thì ăn không nhiều, nhưng ngay sau đó lại ăn vặt làm cân nặng tăng còn sức khỏe những ngày này "xìu" đi đáng kể. Vậy ăn Tết sao cho khỏe?

Ăn Tết khỏe - Ảnh 1.

Dịp Tết chỉ nên mua sắm tích trữ thực phẩm vừa phải - Ảnh: D.LIỄU

Chế biến và bảo quản thực phẩm trong những ngày Tết thế nào cho ngon và an toàn? Thói quen sinh hoạt, ăn uống thay đổi ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe, đặc biệt đối với những người mắc bệnh nền?

Tủ lạnh "không là tất cả"

Theo bà Nguyễn Thị Lâm - nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - nhiều gia đình coi tủ lạnh như "bảo bối" có thể lưu trữ an toàn tất cả các loại thực phẩm. Sai lầm hay gặp là đặt chung đồ sống và chín trong cùng một ngăn tủ, hay thực phẩm đã rã đông không sử dụng hết lại đưa vào tủ cho bữa sau.

Thực phẩm chưa được chế biến có thể nhiễm vi khuẩn, vì vậy khi để chung cả hai loại thực phẩm sống - chín thì đồ chín cũng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn từ đồ sống. Do đó, nên sắp xếp theo trật tự, thức ăn đã được nấu chín cần để vào hộp kín, để ở ngăn trên cùng. Những thực phẩm sống có thể để ở ngăn dưới và không để chung đồ ăn sống - chín cùng nhau.

Bác sĩ Phạm Ánh Ngân - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3 - cho biết biện pháp trữ đông không diệt trừ được vi khuẩn, chỉ giúp ngăn ngừa chúng phát triển. Có nhiều cách để rã đông thực phẩm, cách thường được sử dụng nhất là rã đông ở ngăn mát tủ lạnh, khi nhiệt độ dưới 5OC.

Trường hợp cần rã đông gấp, lò vi sóng là lựa chọn hữu ích để có thể nấu ngay sau khi rã đông. Trước khi đưa vào lò, cần bỏ bao bì không an toàn khi dùng trong lò vi sóng như khay bằng nhựa polystyrene, nhựa bọc thực phẩm hay hộp giấy.

Bác sĩ Ngân hướng dẫn cách rã đông khác là sử dụng nước lạnh, tuy nhiên dễ khiến thực phẩm ở trong khoảng nhiệt độ nguy hiểm từ 8 - 63OC (có lợi cho vi khuẩn phát triển). Khi dùng cách này, cần bồn rửa sạch và để toàn bộ khối thực phẩm bọc trong bao bì không thấm nước, không rò rỉ để tránh lây nhiễm. Quá trình rã đông chỉ nên dưới 2 tiếng.

Thực phẩm gói trong bao bì không thấm nước vẫn có vi khuẩn bám trên bề mặt của chậu rửa, vì vậy cần vệ sinh chậu sau khi đã rã đông. Thực phẩm sau rã đông nên được nấu chín trong vòng 24 giờ đầu, nếu chưa thể nấu ngay, nên bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh.

Đối với những món ăn đã chế biến, cần cấp đông để dùng dần trong những ngày Tết, nên chia nhỏ khối lượng thực phẩm thành từng phần vừa đủ cho một bữa ăn, tốt nhất là trữ trong hộp thủy tinh, khi ăn thì rã đông phần đó trong lò vi sóng. Những lưu ý trên góp phần đảm bảo quá trình chế biến thực phẩm được an toàn, đảm bảo sức khỏe để vui Tết.

Ăn Tết khỏe - Ảnh 2.

Mâm cỗ Tết truyền thống của người miền Bắc - Ảnh: NG.HIỀN

Chú ý người mắc bệnh lý nền

Bác sĩ Trần Thị Ngọc Châu - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3 - cho hay các món ăn đặc trưng của ngày Tết thường là các món ăn nhiều dầu mỡ như thịt mỡ, nem rán, thịt rán, gà rán, giò thủ, lạp xưởng, xúc xích, các món ăn ngọt như các loại bánh trái, các loại mứt, kẹo ngọt, nước ngọt hay các món ăn nhiều chất bột đường như bánh chưng, bánh tét, xôi.

Ăn nhiều những món này trong những ngày Tết dễ dẫn đến tăng đường và mỡ máu, làm xuất hiện hoặc nặng thêm bệnh lý đái tháo đường và rối loạn lipid máu sẵn có.

Các món dưa muối, cải muối, kim chi, thịt ngâm mắm, các món mắm đều có chứa hàm lượng muối rất cao, dễ ảnh hưởng xấu đến huyết áp, đặc biệt trên bệnh nhân tăng huyết áp. Các bệnh nhân có tình trạng rối loạn chuyển hóa nếu đi kèm thêm tăng huyết áp thì nguy cơ dẫn đến biến chứng sẽ tăng thêm.

Đái tháo đường, rối loạn lipid máu (mỡ máu) và tăng huyết áp khi không được kiểm soát tốt sẽ dễ dẫn đến đột quỵ, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tổn thương võng mạc mắt, tổn thương thận mãn tính và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Bên cạnh đó, ngày Tết chúng ta thường sử dụng nhiều loại thực phẩm giàu đạm như thịt bò, hải sản, cộng thêm việc uống nhiều rượu bia sẽ dẫn đến nguy cơ tăng acid uric trong máu, nguyên nhân của bệnh gout. Bệnh nhân gout thường khởi phát cơn đau cấp ở khớp sau một bữa ăn nhiều đạm và dùng nhiều bia rượu. Vì vậy, khả năng bùng phát đợt cấp của gout trong hoặc sau những ngày Tết là khó tránh.

Làm thế nào để phòng tránh?

Bác sĩ Ngọc Châu khuyến cáo cần duy trì thói quen ăn uống lành mạnh và hợp lý, ngay cả trong những ngày Tết, theo nguyên tắc sau:

- Ăn uống hợp lý: Cắt giảm bớt chất béo và chất bột đường, tăng khẩu phần rau, củ, quả. Ưu tiên thịt nạc, thịt trắng và cá hơn là sử dụng các loại thịt đỏ. Tránh dùng các thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, hạn chế dùng các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, các món dưa muối, thịt muối thường chứa nhiều muối và được cho thêm đường.

- Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn: 30-60 phút mỗi ngày, 5-7 ngày/tuần với cường độ vừa phải.

- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính của các vấn đề về tim mạch.

- Sử dụng rượu bia vừa phải: Nếu ngày Tết, bạn không thể từ chối lời mời uống bia rượu, hãy hạn chế và chỉ dùng tối đa 1 lon bia 330ml mỗi ngày, hoặc dưới 100ml rượu vang.

- Thuốc: Nếu đang điều trị các bệnh lý chuyển hóa, cần tuân thủ đúng liệu trình điều trị của bác sĩ để kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu và đường huyết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại