Trước đây, khi nói đến các bệnh lý liên quan tới đại trực tràng , nhiều người nghĩ đó là bệnh ở người cao tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây, số người đến khám và được chẩn đoán mắc bệnh lý này ngày càng tăng.
TS.BS Lê Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Hội Đại trực tràng học Việt Nam, Phó giám đốc BV Y học cổ truyền Trung ương cho biết, suốt quá trình khám chữa bệnh, ông đã gặp nhiều trường hợp còn rất trẻ, thậm chí là dưới 10 tuổi mắc bệnh lý liên quan đến đại trực tràng.
Đồ ăn nhanh, thức ăn đường phố là một trong số nguyên nhân khiến đại trực tràng bị ảnh hưởng.
Ngoài các vấn đề về bẩm sinh , một nguyên nhân khiến bệnh lý đại trực tràng gia tăng và trẻ hóa là thói quen ăn uống hàng ngày. Theo TS Cường, đồ ăn mất vệ sinh, thực phẩm chứa hóa chất, nhiễm khuẩn, ăn hàng quán quá nhiều… cùng với đó là các nguyên nhân do virus, vi khuẩn, stress sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh đại trực tràng.
Khi các loại đồ ăn nhanh “lên ngôi”, người dân vẫn có thói quen ăn ở hàng quán, vỉa hè thì hệ tiêu hóa nói chung và đại trực tràng nói riêng sẽ bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể, nhiều người Việt vẫn còn thói quen ăn sống, ăn tái các loại thực phẩm, điều này gây ảnh hưởng không chỉ cho đường tiêu hóa mà còn tới nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
Các món nộm, gỏi với thực phẩm sống - tái và trộn quá nhiều gia vị cũng không tốt cho đại trực tràng.
Trao đổi với PV về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng - GĐ Trung tâm phẫu thuật Đại trực tràng (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, trước dịch COVID-19, mỗi tuần trung tâm thực hiện phẫu thuật cho 20-30 ca liên quan đến các bệnh lý về đại trực tràng, hậu môn. Con số nhập viện khám và điều trị tăng gấp 5-10 lần so với 10 năm trước.
Theo PGS Hùng, thói quen ăn uống là một trong số nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn tới đại trực tràng. “Với tình trạng nhậu nhẹt quá nhiều, đi kèm với thực phẩm trên bàn nhậu thường thiếu kiểm soát thì bệnh lý đại trực tràng sẽ còn gia tăng”, BS Hùng cảnh báo.
Một vấn đề BS Hùng lưu ý là, ngay cả với những người không nhậu nhẹt, ít ăn hàng quán nhưng khi nấu ăn lại sử dụng quá nhiều các loại gia vị cay, nóng cũng dễ dẫn đến bệnh lý đại trực tràng, nhất là ung thư.
Từ những phân tích trên, PGS Hùng khuyến cáo người dân cần kiểm soát việc ăn uống, đặc biệt là nguồn thức ăn và hạn chế rượu bia. “Đại tràng hoạt động tốt là khi đi đại tiện vào một giờ cố định, phân thành khuôn. Trường hợp, thay đổi thói quen đi tiểu, đi đại tiện phân có máu nhầy, đi đại tiện xong vẫn đau bụng thì đó là dấu hiệu cảnh báo cần phải lý khám”, PGS Hùng cho hay.
Cần hạn chế các gia vị cay nóng trong các món ăn để đại tràng không bị ảnh hưởng.
Cùng quan điểm trên, TS Lê Mạnh Cường khuyên mỗi người cần trở thành người “tiêu dùng thông thái”, nhất là trong việc lựa chọn đồ ăn. Nên hạn chế ăn hàng quán, chọn ăn đồ ăn chín và không nên ăn những món hỗn hợp, có nhiều màu sắc, trộn nhiều gia vị.
“Đôi khi những món ăn hỗn hợp, có nhiều màu sắc hoặc món gỏi, món tái... cho cảm giác ngon miệng lại chính là nguyên nhân gây hại cho hệ tiêu hóa. Bởi đó chỉ là cảm giác lừa miệng, còn thực tế chúng ta không thể kiểm soát được mức độ ăn toàn của thực phẩm”, TS Mạnh Cường khuyến cáo.
Ngoài ăn chín, uống sôi, hạn chế đồ ăn nhanh, thức ăn hàng quán, vỉa hè… TS Cường khuyến cáo nên ăn đủ 4 nhóm chất: đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Trong mỗi bữa ăn hàng ngày, không ăn nhiều thức ăn giàu đạm và chất béo vì có thể ảnh hưởng đến đại trực tràng.