Ăn gì tốt cho… gan?

ThS.BS Lê Thị Hải |

Gan là cơ quan dễ bị tổn thương nhất khi bị các chất độc hại xâm nhập vào cơ thể, vì vậy chế độ ăn uống hàng ngày giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với gan. Ăn gì tốt cho gan, mát gan, những thực phẩm nào gây hại cho gan… là điều mà chúng ta cần biết để bảo vệ và giữ gìn lá gan được khoẻ mạnh.

Các thực phẩm tốt cho gan bao gồm hai nhóm chính: Nhóm thứ nhất là nhóm thực phẩm thúc đẩy các tiến trình loại bỏ độc tố của gan và nhóm thứ hai là nhóm chứa các chất chống oxy hóa cao, có khả năng bảo vệ gan trong tiến trình loại bỏ độc tố thâm nhập.

Ăn gì tốt cho… gan? - Ảnh 1.

Các thực phẩm tốt cho gan

Tỏi: Tỏi có chứa allicin, là một hợp chất sulphur mà gan cần để tiến hành chức năng khử độc. Tỏi giúp gan kích hoạt các enzym để loại bỏ độc tố ra ngoài cơ thể như thủy ngân, các phụ gia thực phẩm có độc tính...

Chỉ cần một nhánh tỏi trắng mỗi ngày có thể kích hoạt enzym của gan. Enzym này giúp cơ thể tăng cường thải độc tố. Ngoài allicin tỏi cũng chứa hàm lượng cao selenium, hai hợp chất tự nhiên hỗ trợ trong giải độc gan, phòng ngừa ung thư gan.

Bưởi, cam: Chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa, bưởi giúp tăng quá trình thanh lọc chất độc của gan. Một ly nước ép bưởi, cam tươi giúp đẩy mạnh quá trình tạo thành các enzym giải độc gan và đào thải những chất gây ung thư và độc tố khác.

Củ cải đường và cà rốt: Cả hai loại rau củ trên đều chứa hàm lượng cao flavonoid thực vật và beta-carotene, giúp kích thích và cải thiện chức năng gan. Trong củ cải và cà rốt chứa hàm lượng cao chất pectin một chất có tác dụng thải độc cực kì hiệu quả.

Ăn gì tốt cho… gan? - Ảnh 2.

Các loại rau lá xanh có khả năng giải độc gan.

Các loại rau lá xanh: Rau chân vịt (cải bó xôi), mồng tơi, rau ngót, rau khoai lang, rau muống …

Rau lá xanh là một trong những loại thực phẩm có khả năng giải độc gan. Loại rau này có thể ăn sống hoặc nấu chín hoặc ép nước uống. Với hàm lượng cao chlorophylls có thể trung hòa kim loại nặng, hóa chất, thuốc trừ sâu, các loại thực phẩm độc, lá xanh có khả năng loại bỏ chất độc trong máu, bảo vệ chức năng gan.

Bơ: Đây là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng giúp cơ thể sản xuất nhiều glutathione. Glutathione là chất cần thiết trong quá trình chuyển hóa các độc tố trong cơ thể. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra nếu thường xuyên ăn bơ sẽ giúp cải thiện chức năng gan.

Táo: Táo chứa hàm lượng cao pectin giúp làm sạch độc tố trong đường tiêu hóa và hỗ trợ gan trong đào thải chất độc khỏi cơ thể.

Dầu oliu: Dầu thực vật được ép lạnh từ oliu, cây gai dầu và hạt lanh rất tốt cho gan nếu sử dụng thường xuyên. Dầu oliu cung cấp chất lipid có thể hút được các chất độc hại trong cơ thể. Bằng cách này, dầu oliu giúp giảm bớt gánh nặng cho gan trong việc đào thải độc tố.

Bông cải xanh: Ăn bông cải xanh sẽ làm tăng hàm lượng glucosinolate trong cơ thể, đây là enzym tự nhiên bổ sung cho enzym được gan sản xuất. Enzym tự nhiên giúp tăng đào thải chất độc ra khỏi cơ thể, do đó làm giảm các nguy cơ gây ung thư.

Ăn gì tốt cho… gan? - Ảnh 3.

Cà rốt chứa flavonoid và beta-carotene giúp cải thiện chức năng gan.

Củ dền: Có tác dụng ngăn chặn các kim loại nặng, nhờ đó sẽ làm nhẹ đi gánh nặng của gan. Sắc tố màu beta cyanin trong củ dền đỏ có thể ngăn ngừa chứng mệt mỏi, giúp gan giải độc, tạo hiệu ứng dây chuyền đến mạch máu bằng việc loại bỏ các độc tố trong gan và chống sự hình thành các lớp mỡ.

Chanh: Chúng ta đều biết rằng những trái cây thuộc họ cam quýt như chanh rất giàu vitamin C. Chanh có công dụng giúp lọc bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể và hỗ trợ hệ tiêu hóa. Sáng sớm uống một ly chanh nóng có thể giúp “dọn dẹp” gan, đồng thời kích thích gan hăng say hơn với trách nhiệm khử độc. Uống chanh nóng cũng kích thích sự tổng hợp mật giúp làm sạch bao tử và ruột, kích thích nhu động ruột.

Quả óc chó: Quả óc chó chứa hàm lượng cao amin arginine giúp tăng giải độc amoniac. Quả óc chó cũng chứa hàm lượng cao glutathione và acid béo omega 3 giúp hỗ trợ quá trình giải độc gan.

Bắp cải: So với các loại rau củ khác, bắp cải chiếm ưu thế hơn về lượng các vitamin dồi dào. Bắp cải rất dễ mua, dễ chế biến, dễ ăn. Không chỉ là món ăn ngon, bắp cải còn được mệnh danh là “thần dược” cho gan và ngăn ngừa ung thư hiệu quả.

Đối với gan, bắp cải kích thích hoạt động của các enzym nhằm tăng cường chức năng giải độc gan. Trong số đó, bắp cải giúp đào thải khoảng 50% độc tố phóng xạ nguy hiểm. Bắp cải có chứa chất kiềm giúp trung hòa và đẩy lùi các chất béo trong cơ thể. Từ đó hạn chế nguy cơ ung thư.

Nghệ: Thành phần chính trong củ nghệ là curcumin. Chất curcumin trong nghệ giúp làm sạch gan, lọc máu, tăng cường chức năng tiêu hóa và loại bỏ các độc tố trong cơ thể. Ngoài ra, nghệ còn giúp cơ thể tiêu hóa chất béo và có tác dụng kích thích túi mật sản sinh nhiều mật hơn, đồng thời giúp làm sạch các gốc tự do.

Những thực phẩm không tốt cho gan

Rượu, bia: Rượu là loại thức uống có cồn và được hấp thụ trực tiếp vào máu chứ không cần phải thông qua quá trình tiêu hóa như các loại thức ăn khác. Chính vì vậy, uống càng nhiều rượu càng khiến gan phải lọc thải nhiều hơn, điều này rất bất lợi cho gan. Uống rượu nhiều là nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan.

Thức ăn nhanh: Ăn quá nhiều thức ăn nhanh, chế độ ăn nhiều chất béo và đường có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho gan.

Chất béo chuyển hóa (transfat): Có trong các loại thực phẩm chiên rán, xào bằng dầu mỡ tái chế có nhiều trong thức ăn nhanh, quẩy, bánh rán, mỳ tôm … là chất độc hại cho gan.

Muối: Ăn quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp và cũng có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ. Vậy nên bạn cần tuyệt đối hạn chế các món ăn nhiều muối như thịt xông khói và xúc xích...

Măng tươi: Măng là thực phẩm được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, một số loại măng, đặc biệt là măng tươi có thể gây ngộ độc, thậm chí dẫn đến tử vong. Trong măng tươi có hàm lượng cyanide rất cao, khi ăn phải măng có chứa nhiều cyanide, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide biến thành axit cyanhydric (HCN), là một chất cực độc với cơ thể, gây hại cho gan.

Ăn nhiều thịt: Trong thịt chứa nhiều chất béo no và cholesterol, khả năng phân giải của gan và thận đối với các chất này kém hơn rất nhiều so với các chất béo có nguồn gốc thực vật. Nên hạn chế ăn thịt để giảm tải gánh nặng cho gan và thận.

Chất ngọt nhân tạo: Aspartame, Splenda NutraSweet, Equal... đều là các chất ngọt nhân tạo, nếu tiêu thụ quá nhiều có thể tạo ra phản ứng độc hại trong cơ thể, đặc biệt là gan vì gan phải làm việc trực tiếp để xử lý chúng.

Ăn gì tốt cho… gan? - Ảnh 4.

Chất ngọt nhân tạo gây hại gan.

Trong thịt chứa nhiều chất béo no và cholesterol, khả năng phân giải của gan và thận đối với các chất này kém hơn rất nhiều so với các chất béo có nguồn gốc thực vật. Nên hạn chế ăn thịt để giảm tải gánh nặng cho gan và thận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại