Ấn Độ nếm trái đắng, luôn mua vũ khí với giá đắt nhất Thế giới: "Gà mờ bị xỏ mũi"?

Ngọc Huy |

Ấn Độ đang nổi lên là quốc gia rất chịu chi cho nhập khẩu vũ khí, nhưng thật kỳ lạ rằng họ mua cái gì cũng đắt, thậm chí đắt nhất thế giới! Như vậy có đáng không?

Những hợp đồng vũ khí lớn trị giá hàng tỷ USD không phải là điều hiếm thấy ở quốc gia Nam Á này. Với nguồn lực và ảnh hưởng hiện có, Ấn Độ có thể mua vũ khí, trang bị quân sự từ bất kỳ nguồn nào.

Tuy nhiên, mong muốn của New Delhi không chỉ là đơn thuần là các sản phẩm quân sự xuất khẩu, mà còn là những công nghệ hiện đại được tích hợp trong đó.

Khi sản phẩm nội địa không đáp ứng như kỳ vọng

Nếu kinh tế và công nghệ thông tin làm nên sự phát triển thần kỳ của Ấn Độ, ngành công nghiệp quốc phòng không làm được điều tương tự đối với quốc gia tỷ dân này. Không phải do Ấn Độ không chú ý tới nền công nghiệp quốc phòng nội địa.

New Delhi đã chi hàng tỷ USD cho các chương trình phát triển vũ khí nội địa đầy kỳ vọng như xe tăng Arjun, máy bay chiến đấu Tejas, tên lửa phòng không Akash hay súng trường tấn công nội địa Insas…

Ấn Độ nếm trái đắng, luôn mua vũ khí với giá đắt nhất Thế giới: Gà mờ bị xỏ mũi? - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu Tejas do Ấn Độ tự chế tạo.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là những dự án đầy tham vọng trên nếu quá trình phát triển không kéo dài cả thập kỷ, tiêu tốn ngân sách quốc phòng, thì cũng gặp quá nhiều các vấn đề kỹ thuật khiến chúng chết yểu hay bị giới chức quốc phòng Ấn Độ loại bỏ. Các chương trình xe tăng Arjun và máy bay Tejas chính là ví dụ điển hình.

Với trang bị quân sự phần lớn có nguồn gốc Liên Xô đều đã cũ và lạc hậu sau nhiều thập kỷ sử dụng, Quân đội Ấn Độ đang có nhu cầu thay máu rất lớn và cấp thiết. Không quân Ấn Độ mới đây từng lên tiếng về nguy cơ suy giảm nghiêm trọng số lượng máy bay chiến đấu và có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của nước này.

Với việc loại biên máy bay MiG-21, MiG-27 và sắp tới là Mirage-2000-5, Không quân Ấn Độ cần tới hàng trăm máy bay chiến đấu mới. Nhu cầu nâng cấp cũng đến từ Hải quân, Lục quân Ấn Độ

Để lấp đầy các khoảng trống trên, Ấn Độ tất nhiên phải nhập khẩu vũ khí và tìm kiếm nguồn công nghệ quân sự hiện đại từ nước ngoài.

Để tạo được sức hút và sức nặng đàm phán, các gói hợp đồng vũ khí của Ấn Độ đưa ra tất nhiên phải có giá trị lớn, nhưng ràng buộc thêm các điều khoản là biến thể vũ khí đặt mua phải là mới nhất; phải lắp ráp chúng ở Ấn Độ và chuyển giao công nghệ từng phần.

Hướng đi này bước đầu đã có hiệu quả với dây chuyền lắp ráp xe tăng T-90, đảm bảo kỹ thuật cho máy bay Su-30MKI… Chiến lược này càng rõ ràng hơn với chương trình "Hãy làm ra chúng ở Ấn Độ - Make in India" của Thủ tướng Narendra Modi áp dụng nhiều năm trở lại đây.

Có thể thấy một điểm rõ ràng là các hợp đồng quân sự giá trị lớn của Ấn Độ phần lớn là với Mỹ và các quốc gia phương Tây. Điều này không khó hiểu với cách định giá sản phẩm quốc phòng và làm hợp đồng kiểu "mua thịt kèm rau" của Mỹ và phương Tây.

Ấn Độ nếm trái đắng, luôn mua vũ khí với giá đắt nhất Thế giới: Gà mờ bị xỏ mũi? - Ảnh 2.

Trực thăng tấn công AH-64D Longbow. Ảnh minh họa.

Có thể lấy ví dụ đơn giản, các hợp đồng mua sắm trực thăng tấn công AH-64D Longbow, CH-47, máy bay vận tải C-130-J với Mỹ không chỉ bảo gồm riêng sản phẩm đó, mà còn kèm thêm phụ tùng, dịch vụ hậu cần, bảo dưỡng toàn vòng đời của sản phẩm. Chính những gói hợp đồng kèm theo này làm tăng tổng giá trị của hợp đồng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3.

Ngoài ra, một yếu tố nữa làm những hợp đồng quân sự tỷ đô của Ấn Độ chính là hoạt động vận động hành lang vốn rất phổ biến giới chức quốc phòng nước này. Rõ ràng Ấn Độ chẳng phải "gà mờ bị xỏ mũi" mà là có những tính toán nhất định trong những thương vụ mua sắm vũ khí đình đám.

"Gà đẻ trứng vàng" mang tên Ấn Độ

Rõ ràng, trong mặt các nhà thầu vũ khí quốc tế, Ấn Độ chính là đối tác tiềm năng. Yêu cầu của Ấn Độ đều được đáp ứng nhanh chóng, nhưng không phải là tất cả.

Các hợp đồng vũ khí tỷ đô của Ấn Độ có sức hút to lớn, nhưng cũng là con dao hai lưỡi khiến không nhà thầu quân sự nào muốn mất khách hàng "gà đẻ trứng vàng này". Trong khi đó, nhu cầu chính của Ấn Độ không phải là lệ thuộc vào nguồn vũ khí nhập khẩu, mà là thông qua chúng để từng bước giúp củng cố nền công nghiệp quốc phòng nội địa.

Mong muốn trên của Ấn Độ đã phần nào đó thành công với Nga. Khi Ấn Độ chủ động cung cấp tài chính để Sukhoi tạo ra phiên bản Su-30MKI và Hãng chế tạo hàng không Ấn Độ HAL được tiếp cận một phần công nghệ của phiên bản Su-30MKI.

Ấn Độ nếm trái đắng, luôn mua vũ khí với giá đắt nhất Thế giới: Gà mờ bị xỏ mũi? - Ảnh 3.

Tiêm kích Su-30MKI phóng tên lửa Brahmos.

Điều này cũng đúng với chương trình xe tăng T-90 Bhisma. Chúng không chỉ được lắp ráp tại Ấn Độ, mà New Delhi còn được chuyển giao công nghệ chế tạo đạn chống tăng dưới cỡ Mango, vốn là đặc sản dành cho xe tăng T-90.

Tuy nhiên, không phải đối tác nào cũng như Nga, trái đắng trong hợp đồng MMRCA với Dassault Rafale là minh chứng rõ ràng. Ấn Độ sẵn sàng chi ra tới hơn 10 tỷ USD cho hợp đồng khủng này, nhưng Dassault chỉ sẵn sàng chuyển giao sản phẩm lắp ráp nguyên chiếc và từ chối cấp chứng nhận chất lượng cho sản phẩm tiêm kích Rafale lắp ráp tại Ấn Độ.

Bất đồng giữa hai bên đã khiến hợp đồng đổ vỡ sau khi Ấn Độ chỉ đồng ý mua 36 máy bay Rafale nguyên chiếc từ Pháp.

Không chỉ với Pháp, hợp tác với Mỹ cũng tương tự. Washington từng đưa ra gợi ý tặng tàu sân bay Kitty Hawk cho Ấn Độ với điều kiện New Delhi phải chi tiền sửa chữa, nâng cấp và mua máy bay chiến đấu F/A-18E/F cũng như phương tiện hỗ trợ trang bị trên tàu sân bay này.

Có nhiều lý do để nhận định rằng, các nhà thầu quân sự quốc tế muốn Ấn Độ tiếp tục là khách hàng tiềm năng hơn là đối tác cùng phát triển công nghệ. Mô hình hợp tác sẽ là hợp lý nếu hai bên có trình độ sản xuất và công nghệ quân sự tương đồng.

Điều này giúp giảm chi phí phát triển và sản xuất. Tuy nhiên, trường hợp này lại không đúng với Ấn Độ và chính những dự án vũ khí nội địa của nước này đã thể hiện rõ điều đó.

Những lý do trên đã phần nào giải thích việc tại sao các hợp đồng vũ khí của Ấn Độ lại có giá cao ngất ngưởng và danh hiệu "gà đẻ trứng vàng" của Ấn Độ sẽ không sớm biến mất!

Tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ trình diễn tính năng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại