Cách mua của Ấn Độ
Hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố của trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov tuyên bố, Moskva sẽ ký với Ấn Độ thỏa thuận chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 Triumf vào tháng tới.
"Dựa trên kết quả cuộc đàm phán của lãnh đạo hai nước (Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Ấn Độ Modi) thỏa thuận cung cấp hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 Triumf cho Ấn Độ sẽ được ký kết cùng các văn bản khác. Một phần của thỏa thuận sẽ được bảo mật (không công bố trước phương tiện truyền thông và công chúng)", ông Yuri Ushakov tuyên bố.
Ấn Độ mua hệ thống phòng không S-400 không còn là điều bí mật bởi ngay từ tháng 7/2016, Nga đã đạt được thỏa thuận cung cấp cho Ấn Độ hệ thống phòng không tối tân S-400 với trị giá lên tới 10 tỷ USD.
Hệ thống phòng không S-400
Theo nguồn tin này, trong cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ Nga - Ấn về hợp tác kỹ thuật - quân sự, hai bên đã nhất trí thông qua thỏa thuận hợp tác song phương lớn về lĩnh vực quốc phòng, trong đó Nga sẽ cung cấp hệ thống phòng không tiên tiến S-400 Triumf cho Ấn Độ.
Giá trị của hợp đồng này lên đến 700 tỷ rubie, tương đương với 10 tỷ USD, biến hợp đồng này thành hợp đồng có giá trị lớn nhất trong lịch sử hợp tác kỹ thuật-quân sự Nga - Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ chỉ thừa nhận muốn mua khoảng 12 hệ thống S-400 Triump của Nga.
Theo thông tấn Nga, nếu căn cứ vào số tiền Ấn Độ và trước đó là Trung Quốc đã bỏ ra để mua hệ thống S-400 thì số lượng không thể dừng lại ở con số 12 hệ thống. Bởi chỉ với trên 3 tỷ USD, Trung Quốc đã mua được 6 tiểu đoàn S-400, trong khi đó số tiền của Ấn Độ quyết định chi cho thương vụ này nhiều gấp 3 lần của Trung Quốc.
Tuy nhiên, bất ngờ trong thương vụ mua sắm này của Ấn Độ không dừng lại ở đó bởi cùng với hệ thống S-400, New Delhi đã quyết định mua thêm hàng trăm đạn tên lửa dành cho hệ thống S-400 của Nga - một quyết định mua sắm khiến đối thủ của nước này là Trung Quốc thực sự bất ngờ.
Thay đổi cuộc chơi
Theo Military Today, S-400 Triumf là một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay.
Cấu hình của hệ thống gồm: Radar trinh sát 91N6E với phạm vi tìm kiếm mục tiêu tới 600 km. Radar điều khiển hỏa lực 92N6E có khả năng dẫn bắn cho tên lửa ở cự ly 400 km, radar nhìn vòng mọi độ cao 96L6E. Xe chỉ huy trung tâm 55K6E, xe tiếp đạn, xe mang phóng. Theo thông tin từ nhà sản xuất, mỗi tiểu đoàn S-400 có thể tấn công đồng thời 36 mục tiêu.
Đánh giá về S-400, tiến sĩ Robert Farley, thuộc Đại học Washington, Mỹ nhận định, mỗi khẩu đội S-400 có thể bắn 3 loại đạn tên lửa khác nhau với phạm vi tác chiến tối đa tới 400 km. Ngoài ra, hệ thống còn có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo mạnh mẽ.
Ông Farley - người từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Học thuyết quân sự nhấn mạnh thêm, các hệ thống cảm biến của S-400 hoạt động rất hiệu quả giúp thiết lập khu vực phòng thủ trước mọi mối đe dọa từ trên không.
Các nhà phân tích quận sự trên thế giới đều đồng tình với nhận định rằng, S-400 là vũ khí có khả năng thay đổi cuộc chơi ở những khu vực mà nó được triển khai.
Với đặc tính kỹ chiến thuật mạnh mẽ của S-400, vũ khí này trở thành công cụ quan trọng trong các toan tính quân sự của các nước. Trước đó, Trung Quốc đã trở thành khách hàng đầu tiên của S-400 ngoài quân đội Nga. Bắc Kinh đã ký hợp đồng mua 4 trung đoàn S-400 trị giá 3 tỷ USD.
Việc Trung Quốc mua S-400 gây nhiều bất lợi cho hoạt động của Không quân Ấn Độ nếu xảy ra xung đột. Nhà phân tích J. Michael Cole nhận định, Trung Quốc có thể triển khai S-400 dọc biên giới để vô hiệu hóa hoạt động của Không quân Ấn Độ từ sâu bên trong lãnh thổ nếu xảy ra chiến tranh.
Trong khi đó, năng lực phòng không của Ấn Độ còn nhiều hạn chế, đặc biệt là khả năng phòng thủ tầm xa. Do đó, New Delhi muốn mua S-400 để lấp đầy khoảng trống trong hệ thống phòng không của nước này, đặc biệt là năng lực đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Bên cạnh việc mua S-400, Ấn Độ cũng đang phát triển hệ thống phòng không nội địa Prithvi Air Defence (PAD) để đánh chặn tầm cao và Advanced Air Defence (AAD) để tiêu diệt các mục tiêu ở độ cao dưới 15 km. Nếu hợp đồng S-400 được ký kết, Ấn Độ có ưu thế trước Trung Quốc trong năng lực phòng không.
Dù được coi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm bởi nó có thể hạ mục tiêu như máy bay ở độ cao 27 km cũng như các mục tiêu bay thấp cách mặt đất khoảng 10 m - đây là điều mà không một hệ thống tên lửa phòng không cùng thời của bất cứ quốc gia nào có thể thực hiện được.