Rất nhiều người sẽ co duỗi, xoa nắn, thậm chí vặn bẻ để sau đó cảm giác khớp được giải phóng. Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao khớp lại phát ra âm thanh không?.
Cơ thể người có hơn 200 xương các loại. Nơi nối giữa các đầu xương gọi là khớp.
Cấu tạo của khớp bao gồm:
- Dây chằng có tác dụng như những “dải băng” co giãn, gắn kết các xương với nhau trong khi cơ thể chuyển động, giúp khớp được vững chắc.
- Gân cơ co duỗi để làm khớp chuyển động.
- Sụn là lớp mô bao lấy đầu xương để ngăn các xương tiếp xúc trực tiếp với nhau, giúp khớp vận động dễ dàng.
- Bao khớp là lớp màng bao bọc quanh khớp. Lớp lót trong của bao khớp tiết ra dịch khớp để bôi trơn, giúp khớp hoạt động dễ dàng và thực hiện chức năng dinh dưỡng cho sụn khớp.
Hiện tại có khá nhiều cách lý giải cho âm thanh bẻ khớp nhưng thực sự nguyên nhân chính xác của hiện tượng này vẫn chưa rõ. Một vài giả thiết được các nhà khoa học dùng để lý giải và đem ra chứng minh bao gồm:
1. Thay đổi áp lực trong mặt khớp.
2. Chuyển động của các mô mềm xung quanh khớp mà chủ yếu là của dây chằng quanh khớp.
3. Hai xương liền kề của mặt khớp mài cọ với nhau.
Thay đổi áp suất khớp
Các khớp được bôi trơn bằng chất lỏng hoạt dịch. Các nghiên cứu cho thấy rằng, các chuyển động hàng ngày có thể gây ra những thay đổi về thể tích và áp suất bên trong chất lỏng này dẫn đến tiếng “rắc”. Áp lực trong khớp sẽ thay đổi và có thể hình thành các bong bóng khí nhỏ và cuối cùng xẹp lại trong dịch khớp.
Nhiều nghiên cứu khác nhau đã được thực hiện bằng cách cố ý bẻ khớp ngón tay. Năm 2015, một nghiên cứu đã kiểm tra bằng xét nghiệm MRI về tiếng kêu của khớp ngón tay và kết luận rằng âm thanh đến từ sự hình thành bong bóng. Năm 2018, các nhà khoa học đã tạo ra và thử nghiệm với kết luận âm thanh phát ra từ sự sụp đổ của bong bóng trong dịch khớp, càng củng cố thêm giả thiết đã có từ năm 1971.
Một điều thú vị cũng được rút ra từ các nghiên cứu: Sau khoảng 20 phút thì âm thanh bẻ khớp có thể trở lại. Đây cũng là khoảng thời gian hình thành bong bóng khí trong túi hoạt dịch của khớp.
Dây chằng hoặc gân cơ di chuyển xung quanh khớp
Dây chằng và gân cơ đều là các mô mềm xung quanh khớp, vai trò giúp khớp thêm vững chắc và tạo nên tầm vận động cho khớp. Người ta cho rằng, những tiếng “rắc” không chỉ đến từ bong bóng khí mà còn có sự góp phần của co dãn dây chằng, gân cơ quanh khớp khi chúng di chuyển trên khớp, nhất là là trong tình huống di chuyển nhanh, mạnh , đột ngột.
Các dây chằng, gân cơ khỏe mạnh vẫn tạo ra âm thanh cho tiếng bẻ khớp. Những yếu tố của sự suy yếu dây chằng, gân cơ quanh khớp làm cho tiếng “rắc” trở nên thường xuyên hơn ở người già do:
- Thoái hóa khớp.
- Chấn thương hoặc căng thẳng quá mức.
- Chuyển động bất thường hay đột ngột.
- Những thay đổi sau phẫu thuật.
Hai xương liền kề của mặt khớp mài cọ với nhau
Khi thoái hóa khớp, 2 mặt xương có thể chèn vào nhau nếu sụn khớp bị bào mòn. Tiến trình này xảy ra đồng thời với tiến trình lão hóa tự nhiên của khớp. Nếu có thêm chấn thương va chạm tại khớp, hoặc phẫu thuật vùng khớp thì càng đẩy nhanh thoái hóa sụn khớp
Hai xương nghiến cọ vào nhau kèm triệu chứng đau, có thể đau cấp nếu liên quan chấn thương, hoặc đau mạn tính âm ỉ, làm hạn chế cử động tại khớp. Âm thanh “rắc” do nghiến cọ xương thường lặp lại theo từng chuyển động.
Tiếng “rắc” của bẻ khớp thường đem lại cảm giác giải phóng cho khớp, nhưng thực tế lại gắn liền với quá trình thoái hóa. Động tác chủ động bẻ khớp làm yếu thêm các cấu trúc của khớp, dãn dây chằng, gân cơ quanh khớp. Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu mối liên hệ giữa thoái hóa khớp, viêm khớp và bẻ khớp trong thời gian dài có nguy hiểm hay không.
Để giảm thiểu những yếu tố nguy cơ, chúng ta cần tập luyện mỗi ngày để khớp khỏe hơn, không nên bất động quá lâu và tránh những thao tác đột ngột. Không nên thường xuyên bẻ khớp, vì có thể làm yếu đi cấu trúc của khớp.