Chiếc F-89 Scorpion phóng Genie trong cuộc thử nghiệm Plumbbob John; Nguồn: wikipedia.org
Đối phó với mối đe dọa ném bom của Liên Xô
Năm 1949, Liên Xô đã thử thành công quả bom hạt nhân đầu tiên. Quả bom có sức công phá lớn hơn những quả bom mà người Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki vào cuối Thế chiến II. Với sự ra đời của vũ khí hạt nhân của nhà nước Xô viết, mối quan tâm của Washington về an ninh của chính mình đã tăng lên rõ rệt.
Trong thời kỳ thế giới chạy đua phát triển không quân ném bom và cho đến khi xuất hiện tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), máy bay vẫn là phương tiện chính để sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tại Liên Xô, máy bay ném bom Tu-4 đã được sản xuất hàng loạt, đây là bản sao không có giấy phép của máy bay ném bom Boeing B-29 Superfortress của Mỹ.
Những máy bay được lắp ráp sử dụng các linh kiện và thiết bị do Liên Xô sản xuất có thể xâm nhập lục địa Mỹ. Cuối những năm 1940 - đầu những năm 1950, Liên Xô đã bắt đầu chương trình chế tạo máy bay ném bom chiến lược phản lực cánh quạt Tu-95.
Chuyến bay đầu tiên của máy bay ném bom Tu-95 diễn ra vào năm 1952. Mỹ biết về các chương trình này và nhận thấy mối đe dọa do các máy bay ném bom mới của Liên Xô gây ra.
Các máy bay chiến đấu cuối Thế chiến II chủ yếu được trang bị bằng súng máy và pháo. Những vũ khí này đã không đủ khả năng để chống lại một số lượng lớn các máy bay ném bom nhiều động cơ.
Trước khi các tên lửa không đối không có điều khiển xuất hiện, việc phóng loạt các tên lửa không điều khiển vào đội hình máy bay ném bom đối phương không phải là giải pháp tốt nhất.
Tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân “Genie”
Trước khi phát minh ra tên lửa không đối không có điều khiển và sự xuất hiện của ICBM đầu tiên, nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa ném bom, vào năm 1954, Mỹ đã bắt đầu một chương trình nhằm nghiên cứu sử dụng tên lửa không đối không gắn đầu đạn hạt nhân.
Để đạt mức đơn giản và độ tin cậy cao nhất, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân được chế tạo không có điều khiển. Với sức mạnh và bán kính của vụ nổ công suất cao, độ chính xác được coi là không cần thiết.
Tên lửa được phát triển bởi công ty Douglas và sản phẩm mới này đã nhận được mật danh McDonnell Douglas AIR-2 Genie. Đến năm 1955, nguyên mẫu tên lửa đầu tiên đã được thử nghiệm động học. Những tên lửa đầu tiên được đưa vào trang bị vào năm 1957.
Tên lửa này khá đơn giản và là một loại vũ khí hàng không không có điều khiển, tên lửa đẩy sử dụng động cơ chất rắn Thiokol SR49-TC-1, có lực đẩy 162 kN, tầm phóng tối đa ước tính khoảng 9,6 km.
Tên lửa có đường kính 444,5 mm, nặng 372,9 kg, dài 2,95m. Một đầu đạn hạt nhân W25 có công suất 1,5 kt được lắp cho tên lửa. Đây là một đầu đạn hạt nhân công suất thấp được thiết kế đặc biệt cho tên lửa AIR-2 Genie.
Đầu đạn có khối nổ hạt nhân kết hợp làm bằng uranium và plutonium và là thiết bị đầu tiên ở Mỹ được sản xuất theo công nghệ hầm kín, với tất cả các phần tử được đặt trong một vỏ kim loại kín.
Công suất động cơ đủ để tăng tốc tên lửa lên tốc độ Mach 3,3 (khoảng 1100 m/s) sau hai giây hoạt động. Sau 12 giây bay, khi đốt hết nhiên liệu, tên lửa được kích nổ.
Bán kính phá hủy hiệu quả của đầu đạn hạt nhân W25 khoảng 300m. Sau khi phóng tên lửa, máy bay tác chiến phải nhanh chóng thực hiện động tác né tránh để không nằm trong vùng bị ảnh hưởng.
Còn máy bay ném bom bị tấn công của đối phương thực tế không có cơ hội sống sót.
Genie không tham gia thực chiến
Mặc dù AIR-2 Genie vẫn có trong trang bị suốt một thời gian khá dài nhưng cho đến năm 1985, Mỹ mới tiến hành các cuộc thử nghiệm đối với loại vũ khí hạt nhân này. Các thử nghiệm là một phần của một loạt các vụ thử hạt nhân ở Nevada, được mang mật danh “Chiến dịch Plumbbob”.
Tổng cộng, từ ngày 28/5 đến ngày 7/10/1957, quân đội Mỹ đã tiến hành 29 vụ nổ tại bãi thử hạt nhân Nevada. Đặc điểm của các cuộc thử nghiệm là một số lượng lớn các vụ nổ trong khí quyển, được thực hiện bằng cách sử dụng các tháp đặc biệt có độ cao khác nhau (từ hàng chục đến hàng trăm mét).
Ngoài các tòa tháp, bóng bay được sử dụng để nâng những quả bom lên độ cao vài trăm mét. Ngoài ra, trong khuôn khổ Chiến dịch Plumbbob, cuộc thử nghiệm trên không duy nhất của tên lửa AIR-2 Genie đã diễn ra.
Một tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân được phóng từ tiêm kích đánh chặn phản lực F-89 ngày 19/7/1957. Vụ nổ của một tên lửa gắn đầu đạn 1,5 kt xảy ra ở độ cao 5.639m. Sau khi phóng tên lửa, các phi công đánh chặn phải thực hiện một động tác cơ động xa tâm chấn của vụ nổ.
Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ không chỉ tìm cách thử nghiệm các loại vũ khí mới mà còn để chứng minh sự an toàn khi sử dụng chúng tại các khu vực đông dân cư của nước này.
Để xác nhận giả thuyết này, 5 sĩ quan không quân và 1 nhiếp ảnh gia đã có mặt trên mặt đất ngay bên dưới tâm chấn của vụ nổ. Tất cả họ đều mặc đồng phục dã chiến thông thường và không có thiết bị bảo hộ.
Nhiếp ảnh gia đã chụp được cảnh họ đứng với biển báo Ground Zero Folk 5. Về mặt này, các thử nghiệm có thể được coi là khá thành công. Họ đã chứng minh rằng không có hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe đối với dân thường trên mặt đất.
Tất cả những người tham gia thí nghiệm đều sống sót sau vụ nổ này trong nhiều thập kỷ, người cuối cùng trong số các sĩ quan tham gia đã qua đời vào năm 2014.
Số phận của dự án
Việc sản xuất tên lửa AIR-2 Genie kết thúc vào năm 1962 với tổng cộng hơn 3.000 quả tên lửa này đã được xuất xưởng (không bao gồm các nguyên mẫu thử nghiệm và huấn luyện). Canada là khách hàng nước ngoài duy nhất sở hữu Genie.
Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đã được trang bị cho máy bay chiến đấu đánh chặn CF-101 vào năm 1963.
Mặc dù nằm trong kho vũ khí của Không quân Canada, nhưng các tên lửa này đều là tài sản của Mỹ và nằm trong các căn cứ tàng trữ dưới sự giám sát của quân đội Mỹ. Mất đi vai trò và tầm quan trọng khi ICBM ra đời, tên lửa hạt nhân không đối không được trang bị cho đến giữa những năm 1980. Ở Mỹ, tên lửa cuối cùng đã được đưa ra khỏi biên chế Không quân vào năm 1985, còn ở Canada nó đã bị loại biên một năm trước đó.
Sau đó, nỗi sợ hãi về một dàn máy bay ném bom Liên Xô thả bom khinh khí xuống các thành phố của Mỹ không còn nữa.