Một cuộc xung đột quân sự mới nổ ra ở Syria, nơi hòa bình chỉ mới được tuyên bố gần đây. Và nhân vật chính trong cuộc chiến này là Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng với Nga và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những người bảo đảm hòa bình ở Syria. Hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, với cái tên “Mùa xuân Hòa bình”, trên thực tế bắt đầu từ vài ngày trước sau cuộc không kích vào các vị trí của người Kurd, nhưng đến ngày 10/10, các trận chiến trên bộ đầu tiên mới nổ ra.
Tổng thống Recep Erdogan tuyên bố “mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là loại bỏ hành lang khủng bố ở biên giới phía Nam, mang lại hòa bình và bình yên cho khu vực”.
Chiến dịch này có sự tham gia của các lực lượng không quân và pháo binh của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như nhóm “Quân đội Quốc gia Syria” (SNA) vừa mới được thành lập với sự hậu thuẫn của Ankara.
Về mặt chính thức, mục tiêu của chiến dịch này là thiết lập một vùng đệm an ninh ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, từ điểm dân cư Jarabulus đến thành phố Al-Malikiya, nơi một bộ phận người tị nạn Syria có thể tái định cư.
Nhưng trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện bước đi quyết định trong trò chơi địa chính trị lớn với sự tham gia của Mỹ, Nga, Iran, Israel và châu Âu.
Mục đích thực sự của những "người chơi" trong ván bài lớn này là gì?
Người Kurd chạy trốn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở đông bắc Syria vào ngày 9/10/2019. (Ảnh: Reuters)
Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu cố gắng để có được phần của mình khi tham gia vào cái gọi là “chiến thắng của chế độ Assad”.
Khi chiến tranh nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ chọn đứng về phe đối lập và sẵn sàng tiếp nhận hàng triệu người tị nạn Syria. Nhưng rồi Ankara nhận ra rằng mình hóa ra lại là bên chịu thiệt thòi nhất, không kể chính Syria.
Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định chuyển hướng về phía “người chiến thắng”. Nhưng cho đến nay, quốc gia này cho rằng mình vẫn chưa nhận được phần xứng đáng, không giống như chính quyền Syria, Nga và Iran, hay thậm chỉ cả người Kurd – bên đã lợi dụng được tình hình để thiết lập quyền tự trị ở một phần lãnh thổ Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ngay từ đầu rằng họ coi khu vực này là khu vực của khủng bố, bởi họ coi Đảng Công nhân người Kurd – một trong những lực lượng hàng đầu ở đây – là tổ chức khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành 2 chiến dịch quân sự ở Syria: “Lá chắn Euphrates” (8/2016-3/2017) và “Cành ô liu” (tháng 1-3/2018).
Nhờ vào kết quả của các chiến dịch này, Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập được “vùng đệm an ninh” bao trùm các thị trấn biên giới Azaz và Jarablus, cũng như chiếm đóng thành phố Afrin.
Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa khiến người Thổ Nhĩ Kỳ thỏa mãn.
Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria tấn công người Kurd. (Ảnh: TASS)
Theo các chuyên gia, mục tiêu chính chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ lần này là chiếm một phần đáng kể lãnh thổ ở miền Bắc Syria, đánh bại các đơn vị tự vệ của người Kurd.
“Chẳng có vùng đệm nào như lời ông Erdogan nói cả” - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và Trung Á, Semyon Baghdasarov nhận định.
Đưa ra dự báo về hướng phát triển của tình hình, chuyên gia cho biết, Ankara có thể sử dụng đến 70-80 nghìn lính và khoảng 200-300 xe tăng, cộng thêm chiến binh của “Quân đội Syria Tự do” (FSA).
Nhà phân tích Zvi Barel của Israel cũng đồng tình với quan điểm trên.
Ông chỉ ra rằng "mặc dù kế hoạch chiến thuật của cuộc chiến cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, nhưng sự khởi đầu ở Tal Abyad cho thấy ý định chiến lược là đánh chiếm các khu vực phía Đông Euphrates và từ đó tiếp tục đi về phía Tây để kết nối với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ - lực lượng đang nắm quyền kiểm soát thành phố Afrin từ hồi tháng 3/2018”.
Mỹ
Những lời chỉ trích “phản bội đồng minh người Kurd” nhằm vào Mỹ đang đến từ mọi hướng. Tuy nhiên, đối với các nhà phân tích, hành vi như vậy của Mỹ dường như không phải là điều gì đó khác thường.
Chính quyền Mỹ gần đây đã rất kiên định trong việc theo đuổi chính sách “không can thiệp” và cố gắng giải quyết các xung đột không sử dụng các biện pháp hòa bình hay “ít đổ máu”. Dù cho bề ngoài là đầy rẫy những lời lẽ hiếu chiến.
Tổng thống Trump trong tất cả các cuộc xung đột, mà có thể nói là “được thừa kế lại”, đều tuân thủ một đường lối nguyên tắc, cố gắng giải quyết các vấn đề gây tranh cãi và khó khăn nhất thông qua các cuộc đàm phán hòa bình.
Điều này có thể thấy qua các vấn đề Triều Tiên, Iran, Afghanistan hay thậm chí là căng thẳng giữa Israel và Palestine.
Tại Syria, Mỹ đang chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo IS và các nhóm cực đoan khác. (Ảnh: AP)
Đối với người Kurd, Mỹ vẫn luôn có cách hành xử “tráo trở” đối với họ. Điều này áp dụng cho cả đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Trở lại giữa những năm 1970, Tổng thống Ford ban đầu cũng ủng hộ người Kurd trong cuộc chiến chống Saddam, nhưng sau đó đã bỏ mặc họ cho số phận.
Và tiếp đến là Tổng thống Bush Jr: trong Chiến tranh vùng Vịnh, ông gọi cuộc chiến của người Shiite với người Kurd là “công việc nội bộ của họ”.
Đúng là ông Trump đáng bị chỉ trích nếu xét về nguyên tắc đạo đức (gây thiệt hại cho các đồng minh). Nhưng với tư cách là một chính trị gia, ông ấy chỉ đang tuân thủ đường lối nguyên tắc về việc rút khỏi mọi xung đột mà trong đó Mỹ can thiệp vào lợi ích của các nền văn minh khác.
Và là một doanh nhân, ông ấy đang cố gắng giảm thiểu các chi phí không hứa hẹn có thể mang lại lợi nhuận. Mỹ đã rút được bài học ở Iraq và Afghanistan, và rõ ràng không muốn bị sa lầy ở Syria.
Thời gian rồi sẽ chứng minh sự chính xác của những tính toán đó.
Nga và Damascus
Thật khác thường khi ở đây Nga mới là người chơi có thể có được nhiều lợi ích nhất. Theo truyền thông Nga, người Kurd đã quay sang nhờ Matxcơva đóng vai trò trung gian giải quyết cuộc xung đột.
Họ tin rằng Nga có thể gây áp lực một mặt lên người Syria, và mặt khác lên Thổ Nhĩ Kỳ.
Binh lính Nga tại Aleppo. (Ảnh: AP)
Một trong những nhà khoa học chính trị hàng đầu của Nga, ông Fedor Lukyanov, tuyên bố thẳng thắn trong một cuộc phỏng vấn rằng
“Cần làm sao đó để người Kurd hiểu được rằng – cách duy nhất đối với họ để có được đảm bảo an ninh lâu dài là thỏa thuận với chính phủ Syria. Chẳng hạn như, người Kurd phải thừa nhận quyền tài phán của Damascus (và đứng sau Damascus là Matxcơva).
Còn Damascus sẽ có trách nhiệm đảm bảo an ninh cho các khu vực người Kurd, trước hết khỏi sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Đối với chính phủ Syria, khả năng của họ là rất hạn chế. Về mặt lý thuyết, ông Assad tất nhiên là có thể cố gắng sửa đổi sự phân chia lãnh thổ hiện có của Syria trong một mớ hỗn loạn phát sinh, nhưng điều này sẽ chỉ có nghĩa là mở ra thêm một mặt trận khác.
Ông Lukyanov cũng tin rằng, ở cấp độ “ngầm” có lẽ đã có cuộc đàm phán giữa tất cả những người chơi xung quanh chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.
Lập luận này được củng cố bởi thực tế là ngay trước thềm chiến dịch này, ông Sergei Shoigu đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper.
Người Syria là nạn nhân trong trò chơi địa chính trị lớn được tiến hành bởi các cường quốc. (Ảnh: Shutterstock.com)
Điều này càng củng cố thêm nhận định của giới chuyên gia cho rằng người Syria và người Kurd cũng chỉ là những “con tốt” trong trò chơi địa chính trị lớn được tiến hành bởi các cường quốc thế giới và khu vực ở Trung Đông.
Israel
Israel cũng có mối quan tâm lớn đến tình hình hiện nay. Họ có nguy cơ rơi vào cùng hoàn cảnh giống như người Kurd.
Đó là – một mình ở giữa 3 cường quốc khá mạnh: Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.Và mong muốn có được sự hỗ trợ của người Mỹ nhiều hơn trong điều kiện như hiện tại là rất khó.
Nỗi sợ này cũng không hẳn là ngay trước mắt. Hiện giờ Iran – người duy nhất gây ra mối đe dọa thực sự cho Israel – khó có thể có được sự cho phép của Nhà Trắng để phát động chiến dịch tương tự nhằm vào Israel.
Rõ ràng, thái độ của Mỹ đối với Israel là khác với Ả-rập Xê-út hay người Kurd, và khả năng quân sự của Israel cũng cao hơn đáng kể so với những người đó.
Tuy nhiên, những “người sùng bái” chính quyền Trump ở Israel cũng không phải không có cơ sở để lo ngại.
Như ngạn ngữ Trung Đông có câu “Biển dù sao vẫn sẽ là biển”, cũng như chính sách Mỹ dù sao cũng phải là vì lợi ích của nước Mỹ. Khi tình hình trái với lợi ích của họ, họ sẽ không ngần ngại rời bỏ các đồng minh cũ của mình, bao gồm cả Israel.
Bản thân Israel hiểu rõ điều đó: khi rút khỏi miền Nam Lebanon, Israel cũng đã bỏ rơi các đồng minh cũ của mình là cộng đồng Kito hữu ở Lebanon.
Người Kurd
Ở phía Đông Bắc Syria, kể từ năm 2016, trên thực tế đã tồn tại Liên đoàn Dân chủ Bắc Syria – một tổ chức liên kết người Kurd. Một số tộc người Ả-rập cũng sinh sống trên vùng lãnh thổ này. Thủ phủ của người Kurd Syria là thành phố Al-Qamishli.
Quân số sẵn sàng chiến đấu là khoảng 25 nghìn chiến binh người Kurd và gần 5 nghìn dân quân người Ả-rập. Cũng tại nơi đây còn có một số lượng nhất định quân Mỹ.
Chỉ huy người Kurd Mazlum Kobani mới đây tuyên bố: “Chúng tôi sẽ phản kháng. Chúng tôi đã chiến đấu trong 7 năm và sẵn sàng tiếp tục chiến đấu như thế”.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là người Kurd Syria – lực lượng không còn ai là đồng minh – tỏ ra chưa sẵn sàng để có được sự giúp đỡ từ những người đồng bào của họ ở Iraq trong thời gian chiến đấu với Nhà nước Hồi giáo (IS).
Dường như họ không thể đoàn kết ngay cả bây giờ. Điều này là do sự khác biệt trong cấu trúc xã hội của họ.
Trong khi người Kurd Syria đã xây dựng được một trong những cộng đồng xã hội công bằng nhất trong khu vực với nền dân chủ trực tiếp và quan điểm tôn trọng phụ nữ, thì ở Iraq, người Kurd được liên kết với nhau theo nguyên tắc tộc trưởng cổ hủ.
Người Kurd – một trong những dân tộc bị chia rẽ lớn nhất trên thế giới với số phận không khác gì người Palestine – đang vừa là nạn nhân của các trò chơi địa chính trị, vừa là con tin không có khả năng đàm phán.
Các chuyên gia Israel, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang xem xét các kịch bản khác nhau cho kết quả của chiến dịch Thổ Nhĩ Kỳ.
Chuyên gia Zvi Barel tin rằng người Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, bởi người Kurd trong những năm qua đã thể hiện mình là một trong những bậc thầy về chiến tranh du kích.
Báo chí Mỹ cho rằng người Thổ Nhĩ Kỳ có thể thực hiện một cuộc thảm sát thực sự. Trong khi đó, các chuyên gia Nga tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng thiết lập một cái gì đó tương tự như “Cộng hòa Bắc Síp” trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng được.
Bản thân những phát ngôn của người Thổ Nhĩ Kỳ là rất thận trọng, nhưng nếu nhìn vào những gì họ đã tổ chức được tại các “vùng đệm an ninh” chiếm đóng, thì kịch bản này cũng thể ngoại trừ.
Đây sẽ là một thành công thực sự cho chính sách của ông Erdogan, hướng tới sự phục hồi Đế chế Ottoman.