Shevardnadze (phải) và Gorbachov
Thỏa hiệp giữa Gromưcô và Gorbachov?
Ngày 2/7/1985 Eduard Shevardnadze được bổ nhiệm chức Bộ trưởng ngoại giao Liên Xô. Trước đó một ngày, ngày 1/7, ông được bầu vào Bộ Chính trị (BCT) ĐCS Liên Xô (ông là uỷ viên dự khuyết từ 27/11/1978) và kiêm Bí thư thứ nhất BCHTƯ ĐCS Grudia cho đến khi Hội nghị toàn thể miễn nhiệm ông khỏi các chức vụ này.
Cựu ngoại trưởng Liên xô Andrei Gromưko chuyển sang làm việc thường trực tại Xô viết Tối cao Liên Xô, là người phát ngôn Quốc hội Liên Xô. Sự dịch chuyển này là kết quả những thoả thuận đạt được từ tháng 3/1985 giữa Gromưco và Gorbachev.
Andrei Gromưko từng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô trong giai đoạn 1957-1985. Ảnh Andrei Gromyko cắt cỏ, năm 1971.
5 năm Shevardnadze làm ngoại trưởng Liên Xô là khoảng thời gian bước ngoặt cơ bản trong chính sách đối ngoại Liên Xô. Cho đến nay nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng, Eduard Shevardnadze và Gorbachev đã nhiều lần đơn phương nhượng bộ phương Tây trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Các nhượng bộ này được coi là thất bại nặng nề của nền ngoại giao Xô Viết và hậu quả của nó còn ảnh hưởng nặng nề cho đến tận ngày nay.
Vậy điều gì và ai đã đưa Shevardnadze, một nhân vật xa lạ với ngành ngoại giao lên đứng đầu về chính sách đối ngoại của Liên Xô ở một trong những thời điểm phát triển cực kỳ quan trọng này?
Eduard Shevardnadze thuộc phe nào?
Cho đến tận hôm nay, người ưa ông cũng như không ưa ông đều đưa ra các giả thuyết khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, không có giả thuyết nào là đúng một trăm phần trăm.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, Shevardnadze thuộc phe cánh của trùm KGB Iuri Andropov. Tuy nhiên, nếu phân tích tiểu sử và con đường tiến thân của Shevardnadze người ta thấy nó phức tập hơn nhiều.
Con đường chính trị của Eduard Shevardnadze bắt đầu rất ngẫu nhiên. Chàng trai vùng quê Mamati thuộc khu Guri của Grudia được cử làm cán bộ đoàn của Mamati. Nhưng rồi từ đây ông thăng tiến khá nhanh.
Năm 1952 Eduard Shevardnadze được bầu làm Bí thư thứ hai tỉnh đoàn thanh niên cộng sản Lê nin (LKCM) tỉnh Cutais của Grudia. Năm 1953 ông trở thành Bí thư thứ nhất tỉnh đoàn này.
Điều thú vị là, trước đây, lãnh thổ Grudia không phân chia thành các tỉnh mà chỉ phân chia thành vùng lãnh thổ.
Ngày 5/11/1951, Grudia được thử nghiệm chia ra thành các tỉnh. Cuối năm 1953 cuộc thử nghiệm này thất bại, và người ta lại trở lại việc phân chia theo vùng như thói quen trước kia. Tuy vậy, cuộc thử nghiệm bất thành này lại đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của Shevardnadze.
Bí thư thứ nhất tỉnh uỷ Cutais (sau khi tỉnh này được thành lập) là Acaki Mgeladze, cựu lãnh đạo của Abkhazia. Tuy sinh ra ở Guri, nhưng từ nhỏ Mgeladze đã theo bố mẹ tới Gudauta và làm nên sự nghiệp ở đây. Ngồi ghế ở tỉnh uỷ Cutais không lâu, Mgeladze đã trở thành Bí thư thứ nhất toàn Grudia.
Cũng chính ở đây Acaki Mgeladze đã gặp gỡ với Xtalin và vì thế con đường chính trị của ông ta bắt đầu thăng tiến.
Nhưng chính vì "dựa dẫm" vào Xtalin đã đưa ông ta tới thất bại. Kiêu ngạo, hung hăng, rồi dẫn tới phát động chiến dịch chống lại trùm KGB thời Xtalin- Beria. "Vụ án Mingrel" chống lại Beria bất thành và ông mất chức.
Tuy nhiên chính ở Cutais Mgeladze đã nhìn ra Shevardnadze và đề cử ông vào làm công tác đoàn. Và Shevardnadze đã không quên điều đó. Năm 1972 Shevardnadze trở thành lãnh đạo Grudia, ông đã đưa Mgeladze ra khỏi sự lãng quên chính trị.
Đầu tiên Mgeladze được bổ nhiệm lãnh đạo liên hiệp xí nghiệp "Gruzplodovost", sau đó là Thứ trưởng bộ nông nghiệp Grudia. Mgeladze là trợ thủ đắc lực cho Shevardnadze và vì thế trong suốt cuộc đời mình Shevardnadze luôn đối xử ân cần với ông ta.
Có một nghịch lý trong cuộc đời chính trị của Shevardnadze: đó là thái độ của ông đối với Xtalin.
Ông là một trong những người khởi xướng phong trào cải tổ; năm 1956, khi đang là Bí thư thứ hai Trung ương Đoàn TNCS Grudia, tại Đại hội Đoàn TNCS Grudia, đã nổ ra một cuộc tranh cãi kịch liệt giửa nhóm chống và sùng bái Xtalin, ông đã chống sự sùng bái chủ nghĩa cá nhân. Tuy nhiên, sau này ông lại không bị người Grudia coi là chống chủ nghĩa Xtalin.
Ngoại trưởng Hungary Horn Gyula (trái) và người đồng nhiệm Liên Xô Eduard Shevardnadze ký hiệp định rút hoàn toàn các đơn vị quân đội Xô-viết đồn trú "tạm thời" tại Hungary từ năm 1945 (Moscow, tháng 5-1990) |
Còn theo một số nhà nghiên cứu, thì do Shevardnadze thuộc "phe cách Đoàn", nên ông ta thằng tiến khá nhanh. Shevardnadze có mối quan hệ thân thiết với các ngôi sao chính trị đang lên khi ấy như Bí thư thứ nhất BCHTƯ LKCM Liên Xô Alecxandr Shelepin và Bí thư LKCM Liên Xô Vladimir Xemichastnưi.
Ngay từ năm 1958 tại Đại hội Đoàn toàn Liên Xô, soosphaanj đã đưa Shevardnadze đến làm quen với một nhà hoạt động trẻ tuổi đến từ Stavropol là Mikhail Gorbachev.
Những thăng trầm của sự nghiệp
Năm 1961 Shevardnadze chuyển sang công tác đảng và trở thành Bí thư thứ nhất vùng Msthet của Grudia. Năm 1964 làm Bí thư thứ nhất khu uỷ Pervomaixcơ của thành phố Tbilixi.
Sự thăng tiến Shevardnadze trùng hợp với việc chuyển sang bộ máy đảng của chính Shelepin. Năm 1961 Shelepin để lại vị trí chủ tịch KGB thuộc Hội đồng bộ trưởng cho chiến hữu của mình là Vladimir Xemichastnưi.
Shelepin trở thành Bí thư BCHTƯ ĐCS Liên xô và năm 1962 ông đứng đầu Uỷ ban kiểm tra đảng- chính phủ (mới được thành lập) trực thuộc BCHTƯ và Hội đồng bộ trưởng Liên Xô. Đồng thời Shelepin kiểm thêm chức Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên xô.
Vì thế Shelepin nắm trong tay quyền lực rất lớn cả trong bộ máy đảng, lẫn trong bộ máy nhà nước – điều chưa từng có trong thời kỳ này. Ông nắm các bộ sức mạnh: KGB và MVĐ (Bộ nội vụ).
Năm 1960 MVĐ Liên Xô bị bãi bỏ, các chức năng của nó được chuyển sang MVĐ các nước cộng hoà thuộc Liên xô.
Năm 1962 MVĐ được chuyển thành Bộ bảo vệ trật tự xã hội (MOOP). Lãnh đạo Bộ nội vụ, sau đó là Bộ bảo vệ trật tự xã hội Liên bang Xô Viết Nga là Vadim Ticunov (chiến hữu của Shelepin, trước kia hoạt động đoàn và là cấp phó của Shelepin ở KGB).
Năm 1964 Shevardnadze trở thành Thứ trưởng thứ nhất MOOP Grudia và 1 năm sau đó (1965) thăng chức Bộ trưởng. Hoàn toàn thấy rõ, việc bổ nhiệm này không thể không qua sự chi phối của Shelepin. Trong thời gian này, Shevardnadze nằm trong vùng quyền lực của Shelepin.
Tuy nhiên, năm 1965 giữa Leonid Brezhnev và nhóm của Shelepin xảy ra những mâu thuẫn đầu tiên. Và năm 1966 lợi ích của hai nhóm này đụng độ nhau công khai.
Nghị quyết thành lập MOOP toàn Liên bang được thông qua (đến năm 1968 lại đổi lại thành Bộ nội vụ). Shelepin và Khrusev muốn Vađim Ticunov ngồi vào ghế Bộ trưởng bộ này, nhưng Brezhvev lại muốn đẩy ứng cử viên Nicolai Shelocov của mình vào vị trí đó.
Tháng 5/1967 một cú đòn giáng vào nhóm Shelepin: Iuri Andropov trở thành người đứng đầu KGB thay cho Vladimir Xemichastnưi.
Như thế, Shelepin bị mất đi sự ủng hộ trong cơ cấu sức mạnh. Tháng 6/1967 Shelepin lại thất bại tại Hội nghị toàn thể BCHTƯ. Bộ sậu của ông ta lần lượt rời khỏi các vị trí lãnh đạo, còn bản thân ông ta bị chuyển sang lãnh đạo công đoàn Liên xô.
Ngoại trưởng Liên Xô Eduard Shevardnadze (trái) và M. Gorbachov.
Còn Shevardnadze thì sao?
Ông vẫn ở lại vị trí đứng đầu MVĐ nước cộng hoà Grudia. Năm 1972 ông là Bí thư thứ nhất Thành uỷ Tbilixi. Tháng 9/1972 ông được bầu làm Bí thư thứ nhất BCHTƯ ĐCS Grudia.
Đường công danh như vậy, đặc biệt trong bối cảnh hoàng hôn của Shelepin, cho thấy Shevardnadze không những không bối rối, mà còn biết tìm ra người bảo trợ mới. Người ta nói nhiều về sự bảo trợ của Andropov đối với Shevardnadze.
Người bảo trợ thực sự cho Shevardnadze thời điểm này là Nicolai Shelocov. Chính nhờ dựa vào ông ta mà Shevardnadze đã "lật đổ" Bí thư thứ nhất BCHTƯ ĐCS Grudia Vaxili Mzhavanadze. Shevardnadze giữ chức Bí thư thứ nhất BCHTƯ ĐCS Grudia 13 năm- đến tận 1985.
Cải tổ và bộ đôi Shevardnadze – Gorbachov
Nếu tin vào những bằng chứng hồi ức của Shevardnadze thì khoảng từ giữa những năm 70 của thế kỷ trước ông gần gũi với Mikhail Gorbachev. Họ bắt đầu bàn luận việc cần thiết phải cải cách hệ thống Xô viết.
Dường như năm 1980, sau khi quân đội Liên xô được đưa vào Afganixtan, trong một lần trò chuyện tại nhà nghỉ quốc gia ở Pisunde, Shevardnadze và Gorbachev đã quyết tâm một cách kiên quyết rằng hệ thống Xô viết đang ở những ngày cuối cùng và cần phải thay đổi tình hình.
Và ở đây nghịch lý chủ yếu bắt đầu: cả ba cha đẻ của cải tổ Liên xô – Gorbachev, Shevardnadze và Iacovlev – vào những thời gian khác nhau đã bước vào mối quan hệ chặt chẽ với nhóm của Alecxandr Shelepin.
Đây là nhóm rất bảo thủ. Một số nguồn tin cho biết, nhóm Alecxandr Shelepin có định hướng phát triển theo mô hình của Trung Quốc thời Mao Trạch Đông. Có một sựu thật là chính Shelepin khi là chủ tịch KGB đã từ chối triệu hồi các cố vấn của mình từ Trung Quốc về lúc quan hệ Xô – Trung xấu đi thậm tệ.
Những người như Gorbachev, Shevardnadze và Iacovlev rõ ràng đã trở thành "những hồng vệ binh Liên xô" ở một mức độ nào đấy. Cùng với nhóm Alecxandr Shelepin, bộ ba Gorbachev, Shevardnadze và Iacovlev muốn vừa xây dựng bộ máy sạch vừa cải tổ xã hội Xô Viết.
Cuối cùng thì Shelepin và ekip của ông ta đã bị thất bại về chính trị, còn bộ ba Gorbachev, Shevardnadze và Iacovlev tiếp tục con đường đi của mình.
Shevardnadze cùng Tổng thống Mỹ Reagan. |
Vì sao Shevardnadze được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Liên Xô?
Đến năm 1985 Shevardnadze đã trở thành viên nòng cốt của nhóm Cải cách muốn biến đổi triệt để và thậm chí muốn phá vỡ hệ thống Xô viết.
Tuy nhiên, tại sao người ta lại quyết định bổ nhiệm Shevardnadze để giải quyết các nhiệm vụ đối ngoại?
Cần nhớ rằng, trong giới thượng lưu chính trị Liên xô thời ấy tồn tại một "luật bất thành văn": sau cái chết của Xtalin, phần lớn cư dân Liên xô (đặc biệt là tộc người Nga) hoàn toàn không muốn thấy người vùng Cavcaz trong giới lãnh đạo cấp cao trong bộ máy đảng và chính quyền.
Đồng thời cũng không muốn người Cavcaz với tư cách là người đứng đầu ở bất cứ lĩnh vực nào, cấp nào.
Đường lối đối ngoại mới của Liên xô lúc ấy có thể không được các nhóm cụ thể của xã hội Xô viết ưa thích. Việc bổ nhiệm vào vị trí người dẫn dắt chủ chốt đường lối này một nhân vật xuất thân từ Grudia có thể sẽ là một chiếc "cột thu lôi" thu hút người dân các vùng dân không phải người Nga.
Có một thực tế là giới ngoại giao Liên Xô thời ấy luôn được coi là những con người ở đẳng cấp khác, nhưng lại trì trệ, chậm đổi mới và tham nhũng nặng nề.
Rất có thể Gorbachov muốn đưa một người mới, hoàn toàn xa lạ với giới ngoại giao làm người đứng đầu ngành ngoại giao để cải tổ ngành này và làm cho bộ máy của nó trở nên trong sạch.