Những ngày gần đây đã chứng kiến một vòng xoáy căng thẳng mới giữa Ankara và Damascus liên quan đến tình hình ở Idlib - thành trì lớn cuối cùng của các phần tử cực đoan và phiến quân ở Syria.
Thương vong tiếp tục gia tăng sau các cuộc giao tranh giữa hai phe, với ít nhất 22 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai tới Idlib đã thiệt mạng trong cuộc không kích do không quân Syria phát động, tính đến ngày 26/2, theo tuyên bố từ phía Ankara.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trước đó đã đưa ra tối hậu thư cho quân đội Syria, yêu cầu lực lượng này rút lui khỏi các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib vào thời hạn cuối cùng là cuối tháng 2.
Tuy nhiên, các lực lượng vũ trang Syria vẫn đang đụng độ ác liệt với các chiến binh ở Idlib, tỏ rõ ý định sẽ không lùi bước.
Căng thẳng đã đặt Nga - một đồng minh của Syria - và đối tác thân thiết Thổ Nhĩ Kỳ vào một tình thế bấp bênh và đặt ra thách thức tiềm tàng đối với NATO.
Lúc này, giới quan sát đặt ra câu hỏi rằng: Những suy tính khó đoán biết của Ankara có khiến cho một cuộc chiến toàn diện nổ ra hay không?
Cuộc chơi mạo hiểm
Rõ ràng, Ankara đã quyết định leo thang gần như đến mức không thể quay lại. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng điều này không hẳn nói lên việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn một cuộc chiến toàn diện.
Ruslan Mamedov, nhà phân tích Trung Đông thuộc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC) nhấn mạnh, Idlib có tầm quan trọng quá lớn đối với Tổng thống Erdogan.
Tuy nhiên, các quân cờ trên chiến trường đang đi theo hướng bất lợi cho phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ.
"Về chiến thuật sẽ khó đoán biết nhưng về mặt chiến lược thì đã thể hiện rất rõ ràng. Chính phủ Syria đang khôi phục chủ quyền và giành lại quyền kiểm soát các lãnh thổ phần lãnh thổ của mình", ông Mamedov nói với RT.
Điều đó đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào một tình huống khó khăn, vì Tổng thống Erdogan không thể lùi bước và nhượng bộ vì có nhiều vấn đề trong nội bộ chính trị", Tổng biên tập tờ Russia in Global Affairs - Fyodor Lukyanov giải thích.
Tuy nhiên, chuyên gia Mamedov tin rằng mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là bắt đầu một cuộc chiến mà là để khiêu khích Moscow phản ứng trước. Đó có thể là một phản ứng sai lầm của Nga và Ankara có thể tận dụng nó để có vị thế mạnh hơn trên bàn đàm phán.
Rủi ro của một suy tính như vậy là rất lớn. Khi Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường sự hiện diện ở Idlib, các cuộc đụng độ đã dẫn đến thương vong cho cả phía Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Sự cố khủng hoảng quan hệ Nga-Thổ năm 2015 có thể tái hiện.
Mặc dù không có sự cố nào nghiêm trọng cho đến hiện tại nhưng sự leo thang hơn nữa có thể đưa Ankara đến bờ vực xung đột trực tiếp với Moscow.
Có một rủi ro có thể khiến Nga chính thức tham gia cuộc xung đột và đó là nguy cơ máy bay Nga bị bắn hạ. Trước đó Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các hệ thống phòng không đến khu vực giao chiến.
Điều này khiến nhiều người liên tưởng đến thảm kịch Su-24 của Nga bị máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi vào năm 2015, dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn trong quan hệ giữa Moscow và Ankara.
Mặc dù hai quốc gia đã tránh được sự leo thang quân sự nhưng họ đã phải tốn rất nhiều công sức, thời gian sau đó để hàn gắn quan hệ.
Tình hình có vẻ căng thẳng, nhưng rõ ràng cả Ankara và Damascus đều đang cố gắng giữ cho mọi thứ không vượt khỏi tầm kiểm soát, bởi sức mạnh của hai bên là quá lớn.
"Nguy cơ xung đột giữa quân đội lớn thứ hai của NATO và thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an có sức mạnh hạt nhân rõ ràng cũng đóng vai trò ngăn chặn trong tình huống này", chuyên gia Mamedov nói với RT.
Lukyanov cũng tin rằng các bên sẽ cố gắng giảm thiểu rủi ro của một cuộc chiến không mong muốn.
"Khi nói đến Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hóa ra đều phụ thuộc lẫn nhau. Đây là nơi Thổ Nhĩ Kỳ không thể đạt được mục tiêu nếu không có Nga, nhưng Moscow cũng sẽ gặp phải một tình huống khó khăn khi đối mặt với phe đối lập từ Ankara", ông nói thêm.
NATO không có khả năng can thiệp
Tổng thống Erdogan gần đây đã yêu cầu sự giúp đỡ của Mỹ tại Idlib, nhưng cho đến nay câu trả lời từ phía đồng minh là từ chối.
Các nhà phân tích tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ rất có thể sẽ phải bước đi một mình trên chiến trường Idlib. Quân đội Mỹ đã từng thừa nhận Idlib là một thành trì trú ẩn an toàn của khủng bố. Chính vì điều này, một sự can thiệp của Washington thay mặt Thổ Nhĩ Kỳ là khó xảy ra.
"Ngay cả trong trường hợp có một cuộc đối đầu mở giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, người Mỹ sẽ không có lý do nghiêm trọng nào để can thiệp, cũng giống như NATO. Rốt cuộc, đó không phải là một cuộc tấn công vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ", nhà báo Lukyanov giải thích.
Ông tin rằng NATO chủ yếu sẽ chỉ thể hiện sự đoàn kết với Ankara dưới dạng lời nói và gần như không tiến xa hơn.
"Họ sẽ đợi cho đến khi tình hình được giải quyết. Họ chỉ cần cho thấy họ luôn đứng về phía đồng minh nhưng sẽ không tham gia vào một cuộc xung đột có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho toàn bộ liên minh", Lukyanov nói với RT.