Ngày 24-2, hãng thông tấn SANA Syria công bố hình ảnh do lực lượng phòng không Syria chụp lại về việc một máy bay vận tải C-130J của Mỹ đêm 21-2 “lén lút” xâm nhập không phận Syria và di chuyển ở tầm thấp, sau đó đã thả một số lượng lớn tên lửa, vũ khí và vật tư tiếp tế cho phiến quân Syria đóng tại vùng núi Latakia.
Quân đội Syria (SAA) đã ngay lập tức báo cáo vụ việc này tới Tổng tư lệnh tối cao, Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hình ảnh máy bay C-130J bị phòng không Syria chụp được.
Vụ việc máy bay Mỹ xâm phạm Không phận Syria để tiếp tế vũ khí trang bị cho lực lượng phiến quân cho thấy một lỗ hổng lớn trong giám sát không phận Syria.
Do vậy, SAA cũng ngay lập tức thảo luận với Nga về vấn đề này và đề nghị Nga hỗ trợ.
Việc C-130J "bị bắt tại trận" phần nào giải thích nguyên nhân vì sao phiến quân Syria có trong tay rất nhiều tên lửa phòng không vác vai Stinger.
Thực tế chiến trường cho thấy, phiến quân Syria có nhiều nguồn để tiếp cận các loại vũ khí từ Mỹ như tên lửa Stinger hay tên lửa chống tăng TOW, tuy nhiên giới quan sát cho rằng Washington vẫn là nguồn cung cấp chính.
Trước đó, Mỹ cũng không hề giấu giếm khi xác nhận họ đang viện trợ hàng chục triệu USD vũ khí cho lực lượng đối lập Syria.
Các loại vũ khí được Mỹ viện dẫn là sẽ giúp người Syria tiếp cận nền dân chủ và chống lại chế độ của tổng thống Assad vốn tồn tại nhiều thập niên tại quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến chỉ trích Mỹ thậm chí cả Nga khi can thiệp sâu vào Trung Đông nói chung và Syria nói riêng vì nguồn mỏ dầu dồi dào.
Vì vậy, các cường quốc này đang cố gắng tạo sự ảnh hưởng lên chính trường Syria.
Việc Mỹ chuyển giao số lượng lớn tên lửa Stinger cho lực lượng đối lập Syria sẽ tạo ra những đe dọa nghiêm trọng cho liên quân Nga-Syria trên chiến trường.
Đã có không ít chiến đấu cơ và trực thăng quân sự của cả Nga và Syria bị tên lửa phòng không vác vai Stinger bắn hạ trên chiến trường Syria.
Thậm chí, loại tên lửa phòng không vác vai Stinger còn bị coi là nỗi ám ảnh phi công chiến đấu Nga và Syria trên chiến trường này.
Mới đây nhất, lính Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh) được cho là đã sử dụng tên lửa phòng không vác vai Stinger để tấn công máy bay Nga. Tuy nhiên chiếc Su-24 Nga đã khéo léo né được.
FIM-92 Stinger là hệ thống tên lửa vác vai đất đối không (MANPADS) do General Dynamics thiết kế và được Raytheon Missile Systems sản xuất từ cuối những năm 1970 tới nay.
Với đơn giá 38.000 USD/quả, Stinger đã được Mỹ xuất khẩu tới 18 quốc gia trên thế giới.
Tên lửa Stinger có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách 4,8 km và độ cao từ 180 - 3.800m. Đầu nổ nặng 3kg, hoạt động theo nguyên lý chạm nổ, được gắn kíp nổ và đồng hồ hẹn giờ tự hủy.
Đạn tên lửa Stinger được đầy khỏi ống phóng bằng liều phóng nhỏ để tạo khoảng cách an toàn với xạ thủ trước khi hệ thống động cơ đẩy 2 tầng nhiên liệu rắn được kích hoạt đưa tên lửa nhanh chóng đạt tốc độ Mach 2,2. Loại tên lửa này cũng được mặc định hệ thống phân biệt bạn-thù, vì thế chúng hoàn toàn vô hại trước máy bay Mỹ và đồng minh.