Theo Al-Masdar News đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga được cho là đang thảo luận các quy tắc sử dụng máy bay không người lái có vũ trang và không vũ trang tại Syria, trong bối cảnh tình hình chiến sự ở Idlib ngày càng có những diễn biến phức tạp.
Cụ thể, Ankara nhiều khả năng đang đề xuất Moscow cho phép máy bay không người lái (UAV) Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tự do trong không phận Syria, nhất là tại chiến trường Idlib. Tuy nhiên, gần như chắc chắn Nga sẽ bác bỏ đề xuất này của Thổ Nhĩ Kỳ trong các cuộc đàm phán tới đây.
Anka-S một trong những dòng UAV có khả năng vũ trang đang được Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng ở Syria. Ảnh: Armada.
Trước đó, trả lời phỏng vấn Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cũng cho biết, các hoạt động quân sự của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib gặp khá nhiều vấn đề khi máy bay không người lái của Ankara không được phép hoạt động trong không phận Syria.
Phát biểu với báo giới tại Ankara, Bộ trưởng Akar cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đặt khá nhiều hy vọng về các cuộc đàm phán giữa nước này và Nga nhằm giải quyết các vấn đề ở Idlib hiện tại, nơi Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến đấu bên cạnh các phần tử khủng bố chống lại Quân đội Syria (SAA)
Được biết, yêu cầu trên của Ankara được đưa ra chỉ một ngày sau khi phòng không Syria tuyên bố bắn hạ một máy bay không người lái có vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Bắc Idlib.
Trong một thông báo hôm 22/2, Quân đội Syria tuyên bố phòng không nước này đã nhận được lệnh bắn hạ tất cả máy bay xâm phạm không phận Syria. Chỉ ba ngày sau tức hôm 25/2, phòng không Syria bắn hạ UAV vũ trang Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ.
Với kinh nghiệm tác chiến cùng trang bị hiện tại của phòng không Syria, họ có thừa khả năng "vít cổ" các loại UAV hiện đại nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, đối với Ankara mà nói đây là mối đe dọa không hề nhỏ. Thế nhưng việc Thổ Nhĩ Kỳ nhờ đến Nga can thiệp bảo vệ UAV của họ trước Quân đội Syria có phần thiếu thực tế.
Xác UAV Anka-S của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn rơi ở Đông Bắc Idlib. Ảnh: Syria Alikhbaria.
Dù được trang bị các công nghệ hàng không hiện đại nhưng nhìn chung các mẫu máy bay không người lái của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể "sống sót" trên chiến trường Syria, sở dĩ nói như vậy là bởi Quân đội Syria đang có trong tay "khắc tinh" của mọi loại UAV đó là hệ thống phòng không Pantsir-S1.
Với kinh nghiệm vận hành Pantsir-S1 của phòng không Syria trong suốt hơn 8 năm qua, việc bắn hạ UAV Thổ Nhĩ Kỳ không phải là nhiệm vụ quá khó.
Chưa nói đến các loại UAV cỡ lớn đến ngay các loại UAV tự chế có chức năng "tàng hình" có kích thước nhỏ, lại làm bằng gỗ và mút xốp hầu như không phản xạ radar mà phiến quân sử dụng để tấn công căn cứ sân bay Khmeimim, đầu não của Không quân Nga ở Syria liên tục bị "vít cổ" với tỷ lệ gần như 100% thì UAV Thổ Nhĩ Kỳ bị Pantsir-S1 bắn hạ là điều quá hiển nhiên.
Trong tình hình chiến sự căng thẳng ở Idlib như hiện tại, nhiều khả năng Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mất thêm UAV ở Syria, thậm chí là đối mặt với nguy cơ thiếu UAV cho chiến đấu bởi tốc độ sản xuất không đủ để bù đắp cho những tổn thất trên chiến trường.
UAV Thổ Nhĩ Kỳ tấn công các mục tiêu của Quân đội Syria tại chiến trường Idlib.