AGM-114R9X - Tên lửa "chém phăng" mọi mục tiêu trên đường bay: Tại sao Mỹ tin dùng?

Tú Anh |

Tên lửa được cho là AGM-114R9X đã không mang theo thuốc nổ thông thường mà là một đầu đạn gồm 6 lưỡi dao cán thép sắc nhọn có thể chém phăng mọi vật thể trên đường bay.

Ngày Chủ Nhật, một chiếc máy bay không người lái (UAV) được ghi nhận xuất hiện trên không phận tỉnh Idlib của Syria và bất ngờ phóng tên lửa tấn công phá hủy một chiếc xe hơi Hyundai màu bạc, tiêu diệt mục tiêu bên trong.

Hai phần tử khủng bố được cho là đã bị hạ sát gồm một người Jordan và một người Yemen có tên là Qassam al-Urduni và Bilal al-Sanaani.

Vũ khí mà chiếc UAV sử dụng là loại tên lửa còn khá bí ẩn R9X, biệt danh “Ninja”, một biến thể cải tiến của tên lửa Hellfire. Điểm đặc biệt của vũ khí này là nó hạ sát mục tiêu bằng các lưỡi dao thay vì đầu đạn nổ.

Tên lửa Hellfire được Mỹ sử dụng từ đầu những năm 2000, trên các máy bay không người lái vũ trang. Mỗi chiếc UAV MQ-9 Reaper của Mỹ có thể mang theo 4 tên lửa AGM-114 Hellfire dẫn đường laser, mỗi chiếc có đầu đạn nổ 20 pound (9 kg).

Biến thể AGM-114R9X được Mỹ triển khai lần đầu tiên vào tháng 2/2017 để tiêu diệt Abu Khayr al-Masri, chỉ huy phó của tổ chức khủng bố Al Qaeda, cũng ở Idlib, phía Tây Syria.

Phải tới ngày 7/12/2019 Mỹ mới lại sử dụng AGM-114R9X để tấn công mục tiêu là một chiếc xe hơi ở thị trấn Afrin thuộc tỉnh Aleppo, Đông Bắc Syria khiến 3 người ngồi bên trong tử vong.

AGM-114R9X - Tên lửa chém phăng mọi mục tiêu trên đường bay: Tại sao Mỹ tin dùng? - Ảnh 1.

Mô hình tên lửa AGM-114R9X

Như vậy, nếu tỉnh cả vụ không kích hôm 14/6, đây là lần thứ ba Mỹ triển khai AGM-114R9X để tấn công các mục tiêu khủng bố. Tất cả ba vụ này đều có một đặc điểm giống nhau: Tên lửa được cho là AGM-114R9X đã không mang theo thuốc nổ thông thường mà là một đầu đạn gồm 6 lưỡi dao cán thép sắc nhọn.

Theo cơ chế hoạt động, vài giây trước khi va chạm mục tiêu, 6 lưỡi dao này sẽ được phóng ra khỏi lớp vỏ đầu đạn và có thể chém phăng mọi vật thể trên đường bay. Đây là lý do tại sao AGM-114R9X được gọi với biệt danh là "Dao Ginsu bay" hay "Bom Ninja".

Mục đích chính khiến Mỹ đi đến ý tưởng chế tạo loại tên lửa đặc biệt này là nhằm giảm thiểu tối đa thương vong cho dân thường hay những tổn thất không mong muốn xung quanh vị trí mục tiêu bị tấn công.

Hình ảnh ghi nhận tại hiện trường trong vụ tấn công hôm 3/12/2019 cho thấy, phần ghế lái của chiếc xe đã bị phá hủy hoàn toàn nhưng phần còn lại gần như không bị hư hại, còn số "phiến quân" ở trong xe đã bị "băm nhỏ".

Hiện chưa rõ lý do nào khiến Mỹ đột ngột gia tăng các vụ tấn công bằng loại tên lửa đặc biệt này nhưng có thể đây ngày càng trở thành vũ khí được Mỹ lựa chọn cho các nhiệm vụ ám sát ở khu vực phía Bắc Syria.

Mỹ đã sử dụng tên lửa AGM-114R9X để tiêu diệt khủng bố ở Idlib, Syria?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại