Để phòng bệnh ung thư, cần thực hiện các biện pháp dưới đây:
Thay đổi thói quen sinh hoạt: Ví dụ như 80%-90% ung thư phổi có thể tránh được nếu không hút thuốc lá, thuốc lào.
Các chất độc trong khói thuốc cũng gây ra những ung thư miệng, họng, thực quản, tụy, bàng quang, thận và cổ tử cung. Hút thuốc bằng tẩu hoặc nhai trầu có liên quan đến ung thư môi, ung thư niêm mạc má.
Quan hệ tình dục lang chạ dễ nhiễm virus Papilôm hoặc HIV sẽ phát triển ung thư cổ tử cung , ung thư dương vật, ung thư phần mềm... Vì vậy, thay đổi thói quen sinh hoạt, bạn có thể loại bỏ được nguy cơ mắc ung thư và nhiều bệnh khác.
Chế độ ăn: Liên quan tới 40% các loại ung thư. Điển hình là hai bệnh ung thư vú và ung thư đại trực tràng.
Nên ăn những thức ăn tươi, phẩm chất tốt, từ môi trường tự nhiên. Tránh những thức ăn đóng hộp, sấy khô, ướp muối hay hun khói.
Nên ăn dầu thực vật, ngũ cốc nguyên hạt, nhiều thành phần xơ. Hạn chế những thức ăn quá béo, nhất là từ mỡ động vật.
Tránh những thực phẩm có thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, những phẩm nhuộm, hóa chất.
Ăn nhiều hoa quả, rau tươi nhiều chất xơ, giàu vitamin A, vitamin C vừa ngon bổ lại tươi lành. Tránh uống rượu độ cồn cao, uống bia quá mức vừa hại thần kinh vừa bỏng niêm mạc là tiền đề cho ung thư sau này.
Môi trường sống: Nguồn nước sạch, không khí trong lành, ánh nắng mặt trời vừa phải rất có lợi cho sức khỏe.
Tiếp xúc lâu với hắc ín, phẩm nhuộm, các kim loại nặng, hay thuốc trừ sâu sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư. Tiếp xúc nhiều với tia phóng xạ cũng dễ mắc ung thư.
Sinh đẻ và hoạt động tình dục theo quy luật tự nhiên: Lấy chồng, có con trước 30 tuổi. Không nên hoạt động tình dục trước 20 tuổi. Không quan hệ tình dục với nhiều người.
Nên tiêm phòng viêm gan B cho bạn và con bạn để phòng bệnh viêm gan và ung thư gan là bệnh hay gặp ở Việt Nam.
Dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh ung thư
1. Vết loét lâu liền.
2. Ho dai dẳng, tức ngực, khàn tiếng điều trị không đỡ.
3. Chậm tiêu, khó nuốt, rối loạn tiêu hóa.
4. Thay đổi thói quen bài tiết phân, nước tiểu.
5. U ở vú hay ở trên cơ thể.
6. Hạch to lên không bình thường.
7. Chảy máu, dịch bất thường ở âm đạo ngoài kỳ kinh.
8. Ù tai, nhìn lệch.
9. Gầy sút, thiếu máu không giải thích được.
Điều bạn cần lưu ý rằng: Có các dấu hiệu này không nhất thiết là bạn bị ung thư. Nhưng để chắc chắn, hãy tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn y tế khoa học, hiệu quả.
Bình thường các tế bào khỏe mạnh, các nhiễm sắc thể điều khiển sự phát triển và hoạt động tế bào. Nhưng ở các tế bào ung thư, nhiễm sắc thể không thể kiềm chế được sự nhân lên vô hạn và không chỉ huy được hoạt động của các tế bào mới sinh.
Các tế bào ung thư xâm lấn lan rộng, chèn vào đường thở, đường ăn, đường bài tiết làm tắc nghẽn các mạch máu. Kết quả là ung thư phá hủy các bộ phận của cơ thể, rồi hủy diệt cơ thể.
Tế bào ung thư phát triển thầm lặng… 80% ung thư có liên quan đến môi trường sống hằng ngày, cụ thể là chế độ ăn và các thói quen sinh hoạt . Vì vậy, chúng ta có thể chủ động và phòng ngừa bệnh ung thư một cách có hiệu quả.
Theo Chương trình mục tiêu Quốc gia dự án phòng chống ung thư Ban điều hành Dự án PCUT - Viện NC PCUT - Bệnh viện K