Những bài học mãi mãi trường tồn
Cuộc tấn công Ba Lan 1939 – được người Ba Lan gọi là Chiến dịch tháng Chín, Chiến tranh vệ quốc 1939; người Đức gọi là Chiến dịch Ba Lan với bí danh Kế hoạch Trắng (Fall Weiss) – là một sự kiện quân sự đã mở đầu Chiến tranh thế giới thứ hai (cũng được nhắc đến với tên gọi Đệ nhị thế chiến, Thế chiến II hay Đại chiến thế giới lần thứ hai,...) diễn ra vào ngày 1-9-1939. Thế chiến II bắt nguồn từ những lý do khác nhau tại các khu vực địa lý khác nhau.
Tại châu Âu, Thế chiến thứ II là sự tiếp nối của Chiến tranh thế giới thứ nhất khi Đức muốn xóa bỏ các điều ước trong Hòa ước Versailles và mong muốn lấy lại vị thế cường quốc, đồng thời phân chia lại lãnh thổ cũng như ảnh hưởng chính trị tại châu Âu.
Sự phát triển của chủ nghĩa phát xít tại châu Âu và các lãnh tụ tại Đức, Italia có tham vọng vẽ lại bản đồ quốc gia cũng như bản đồ địa chính trị châu Âu và châu Phi, phân chia lại thuộc địa, chia lại thị trường.
Trong khi đó, tình hình chính trị tại Trung Âu và Đông Âu không ổn định sau khi Đế quốc Áo-Hung tan rã cũng làm chiến tranh dễ xảy ra.
Tại Thái Bình Dương, ý định trở thành cường quốc số một của Đế quốc Nhật Bản và sự thắng thế của một số tướng lãnh quân phiệt đã khiến nước này có ý đồ sáp nhập Trung Quốc và các thuộc địa lân cận (của Anh, Pháp) vào Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á để thoả mãn nhu cầu tài nguyên mà đảo quốc nhỏ bé này không thể tự đáp ứng được. Tham vọng chiếm thuộc địa cuối cùng đã lôi cuốn Nhật Bản vào chiến tranh.
Cuộc chiến tranh thảm khốc này kéo dài 6 năm (từ 1939 đến 1945), bao trùm trên 60 quốc gia trên thế giới, cướp đi sinh mạng của khoảng 100 triệu người. Trong số thương vong, 60% người chết là thường dân, chết vì bệnh dịch, nạn đói, nạn diệt chủng và bom đạn.
Cho tới nay, nó vẫn là cuộc chiến rộng lớn và gây tàn phá nhất trong lịch sử nhân loại. Nó cũng tạo ra nhiều phát minh lớn cho nhân loại như vũ khí nguyên tử, máy bay phản lực, radar…
Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới trước chủ nghĩa phát xít trong cuộc chiến tranh này đến nay vẫn là một trong những thiên anh hùng ca chói lọi nhất trong lịch sử nhân loại thế kỷ XX.
Những bài học về cuộc chiến tranh chống phát xít vẫn có ý nghĩa thiết thực đối với thế giới đương đại, và luôn được mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới ghi nhớ.
Những tổn thất, thương vong lớn về người luôn là bài học nhắc nhở nhân dân thế giới ngày nay cần phải trân trọng và giữ gìn nền hòa bình thế giới để không được phép tái diễn một thảm họa phát xít dưới bất kỳ hình thức nào.
Cần phải ghi nhận rằng, trong cuộc chiến đấu chống phát xít, nhân dân Liên Xô đã tổn thất rất nặng nề và gánh vác một sứ mệnh lịch sử, cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít, và sau chiến thắng ấy, nhân dân Liên Xô trở thành thành trì vững chắc của Chủ nghĩa xã hội, đặt ra một xu hướng phát triển của các dân tộc bị áp bức trên thế giới và dẫn đến sụp đổ từng phần của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
Sau cuộc chiến, Liên Xô đã cùng các nước xã hội chủ nghĩa tạo thành một mặt trận chống chiến tranh, gìn giữ hòa bình to lớn trên thế giới.
Kết thúc Thế chiến II đã mở ra con đường giải phóng các dân tộc bị áp bức, và việc hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa ra đời sau cuộc chiến tranh này chính là thành quả của thắng lợi chống chủ nghĩa phát xít. Tại châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh đã bùng lên những cơn bão táp cách mạng, đấu tranh để giải phóng dân tộc. Hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc bị lung lay, từng bước sụp đổ.
Phong trào giải phóng dân tộc dâng cao đã trở thành lực lượng quan trọng và là đối trọng chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa bá quyền, bảo vệ hòa bình thế giới. Nhân dân các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đã xây dựng được chính quyền dân chủ nhân dân và bước lên con đường xã hội chủ nghĩa, cùng các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô hình thành một hệ thống mới - hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
Thế giới ngày nay đã bước vào toàn cầu hóa, lợi ích quốc gia và quốc tế được xây dựng trên nền tảng các mối quan hệ đa phương, đa dạng với mong muốn cùng tồn tại hoà bình và phát triển.
Tuy nhiên, những biểu hiện của chủ nghĩa phát xít mới, của tư tưởng bài ngoại, hận thù tôn giáo, sắc tộc… vẫn hiện hữu ở nhiều nơi, ngay cả ở những nước phát triển. Vẫn còn những tiếng súng của chiến tranh, xung đột; khủng bố, cực đoan vẫn là mối nguy thường trực đe dọa cuộc sống của người dân.
Vì vậy, nhắc lại những ý nghĩa và bài học của Thế chiến II chính là để nhắc nhở nhân dân thế giới tiếp tục sự nghiệp đấu tranh vì mục tiêu hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Lời xin lỗi của người Đức
Sáng sớm 1-9, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier đã tham dự một lễ kỷ niệm 80 năm ngày phát xít Đức ném bom thị trấn Wielun, miền Trung Ba Lan, mở đầu cuộc Thế giới II.
Phát biểu tại đây, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier nói rằng, người Đức cầu xin sự tha thứ cho thảm kịch mà phát xít Đức đã gây ra cho Ba Lan trong cuộc chiến.
Trước sự có mặt của Tổng thống Ba Lan và hàng nghìn người dân địa phương, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh bằng cả tiếng Đức và Ba Lan rằng người Đức sẽ không bao giờ quên cuộc tấn công mở màn vào Ba Lan tại thị trấn Wielun, dẫn tới sự hủy diệt, sỉ nhục, đàn áp, tra tấn và giết hại hàng triệu người Ba Lan và châu Âu trong suốt Thế chiến II.
Ông bày tỏ: “Tôi xin cúi đầu trước các nạn nhân của cuộc tấn công vào Wielun, tôi xin cúi đầu trước những nạn nhân của chế độ chuyên chế Đức và tôi cầu xin sự tha thứ”.
Tổng thống Đức nói thêm rằng, lịch sử không thể đảo ngược được và ông biết ơn người Ba Lan đã tìm đến người Đức để hòa giải. Ông cảm ơn cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của người Ba Lan, nhờ đó mà “bức màn sắt” đã sụp đổ và con đường đến một châu Âu thống nhất, tự do đã rộng mở.
Về phần mình, Tổng thống Andrzej Duda bày tỏ, không ai có thể ngờ phát xít Đức phát động cuộc chiến tranh thế giới bằng một vụ oanh tạc bom vào thị trấn Wielun nhỏ bé, phá hủy 75% cơ sở hạ tầng thị trấn, làm hơn 1.200 người thiệt mạng.
Ông lên án vụ ném bom của phát xít Đức như là một hành động man rợ, một hành động khủng bố, một cuộc tấn công vào người dân bình thường.
Lễ kỷ niệm 80 năm ngày nổ ra cuộc Thế chiến II chính thức diễn ra ở Thủ đô Warsaw cùng ngày, với sự tham dự của khoảng 20 nhà lãnh đạo và quan chức cao cấp của nhiều nước.
Điều đáng nói, nước chủ nhà Ba Lan đã mời Tổng thống Mỹ Donald Trump tới dự và có bài phát biểu quan trọng. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Đức rank-Walter Steinmeier tham dự sự kiện ngày Chủ nhật ở Westerplatte.