“Chiến dịch này nhằm vào các thủ lĩnh al-Qaeda ở Syria chịu trách nhiệm đối với các cuộc tấn công đe dọa công dân Mỹ, các đối tác của chúng ta và thường dân vô tội”, trung tá Earl Brown, giám đốc truyền thông của Bộ Chỉ huy Trung tâm trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, nói.
Ông Brown nói rằng, việc phá hủy cơ sở của al-Qaeda ở Syria sẽ giúp làm suy giảm năng lực của tấn công và gây bất ổn khu vực của mạng lưới khủng bố này, báo Israel Haaretz đưa tin ngày 1/9.
“Vùng tây bắc Syria vẫn còn là nơi trú ẩn an toàn – nơi các thủ lĩnh al-Qaeda ở Syria tích cực điều phối các hoạt động khủng bố khắp khu vực và ở phương Tây, Với các đồng minh và đối tác, chúng ta sẽ tiếp tục tấn công những kẻ cực đoan bạo lực để ngăn chúng sử dụng Syria như là nơi trú ẩn an toàn”, trung ta Brown nói.
Tổ chức quan sát nhân quyền Syria (có trụ sở ở Anh) nói rằng, vụ phóng tên lửa của Mỹ đánh sập các căn cứ thuộc về các tay súng thánh chiến ở miền tây bắc Syria. Theo tổ chức này, vụ không kích gần thành phố Maarat Misrin ở tỉnh Idlib đã tiêu diệt hơn 40 phiến quân, bao gồm một số tên chỉ huy.
Khu vực tây bắc Syria, bao gồm tỉnh Idlib, là vùng đất rộng lớn cuối cùng vẫn còn nằm trong tay phiến quân sau hơn 8 năm chiến sự. Lực lượng chính ở Idlib là Hayat Tahrir al-Sham – một liên minh thánh chiến trước đây được gọi là Mặt trận Nusra và đã cắt đứt quan hệ với al-Qaeda vào năm 2016.
Các vụ không kích của Mỹ đã tiêu diệt một số chỉ huy Nusra ở tây bắc Syria những năm gần đây. Khu vực này hiện có hơn 3 triệu dân và nhiều gia đình phải tự đào hầm làm nơi trú ẩn mỗi khi giao tranh xảy ra, CBS News đưa tin. Trong số hơn 3 triệu dân, gần một nửa là người dân các vùng khác bị mất nhà cửa, phải đi sơ tán vì chiến tranh.
Nga chỉ trích
Sau khi vụ không kích mới nhất của Mỹ diễn ra, Nga cáo buộc Mỹ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ở tỉnh Idlib.
Ngày 1/8, quân đội Nga nói rằng, Mỹ tấn công khu vực “mà không thông báo trước cho Nga hoặc Thổ Nhĩ Kỳ” – hai nước có bộ binh ở Idlib.
Vụ không kích đã gây ra “sự phá hủy và thiệt hại to lớn”, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố và buộc tội Washington “vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ở khu vực xuống thang Idlib”.
Gần bốn năm trước, Nga bắt đầu can thiệp vào cuộc xung đột kéo dài ở Syria để ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã ủng hộ các phiến quân ở Idlib.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đồng tài trợ cho một thỏa thuận xuống thang ở Idlib. Thỏa thuận có hiệu lực từ năm ngoái, nhưng gần đây tỏ ra mong manh.
Hãng thông tấn nhà nước Syria SANA ngày 1/9 đưa tin, chính phủ Syria đã đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib. Nga nói rằng, thỏa thuận nhằm “ổn định tình hình” ở thành trì của phe chống chính phủ. Tuy nhiên, quân đội Syria “có quyền phản ứng với các hành động vi phạm” của các nhóm phiến quân.
Thỏa thuận đình chiến vừa qua là nỗ lực mới nhất trong việc ngăn chặn một cuộc tấn công toàn diện ở Syria. Liên Hợp Quốc nói rằng, nếu cuộc tấn công xảy ra thì nó sẽ dẫn tới một trong những thảm họa nhân đạo nghiêm trọng nhất trong 8 năm xung đột ở Syria.
Liên Hợp Quốc nói rằng, bạo lực gần đây khiến hơn 400.000 mất nhà cửa, phải đi nơi khác tạm cư.
Xung đột ở Syra đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người và khiến hàng triệu người phải dời quê hương đi lánh nạn nơi khác.