Trong suy nghĩ của mỗi người, "địa vị" của căn bếp cũng khác nhau. Chẳng hạn, có người coi bếp nấu ăn là nơi để thư giãn, giảm căng thăng bởi mọi lo lắng sẽ tan biến khi bạn nấu những món ăn ngon. Trong khi đó, có người lại coi căn bếp là nơi cho phép họ thoải sức sáng tạo, thử thách bản thân với những công thức nấu ăn mới và mang đến những điều bất ngờ.
Tuy nhiên, đôi khi chúng ta lại luôn giữ những thói quen chưa tốt trong căn bếp nhà mình, nhìn thì tưởng là hợp vệ sinh nhưng hóa ra lại dẫn lỗi cho bệnh tật tìm tới.
Dưới đây là 7 thói quen như thế mà bạn cần phải bỏ ngay.
1. Rửa sạch thịt sống trực tiếp bằng nước máy
Việc rửa sạch thịt bạn mua bằng nước máy để loại bỏ chất bẩn trên bề mặt là điều bình thường phải không?
Tuy nhiên, làm như vậy cũng sẽ khiến nhiều loại vi khuẩn (như Campylobacter và Salmonella) và ký sinh trùng trong thịt sống bắn tung tóe, làm ô nhiễm cơ thể, quần áo, bồn rửa, bàn nấu ăn và thậm chí cả các khu vực khác trong căn bếp, làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.
Cách làm đúng:
- Chần, chiên, quay hoặc nấu ở nhiệt độ cao khác là đủ để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh và thịt sống không cần phải rửa sạch;
- Nếu phải rửa sạch thì có thể cho vào hộp kín;
- Rửa tay bằng xà phòng hoặc chất khử trùng tay sau khi xử lý bất kỳ loại thịt sống nào.
2. Xếp chồng những chiếc bát, đĩa vừa rửa lên nhau
Nếu bát đĩa mới rửa được xếp chồng lên nhau, nước trên bề mặt sẽ khó bay hơi hoàn toàn, trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn, nấm mốc.
Môi trường ẩm ướt sẽ đẩy nhanh sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc, có thể khiến việc rửa của bạn trở nên vô ích.
Cách làm đúng:
- Sau khi rửa xong, nên dựng đứng hoặc lật ngược bát đĩa để nước bay hơi tự nhiên;
- Đợi cho đến khi bát khô hoàn toàn trước khi cất vào tủ (tốt nhất là đặt thẳng đứng).
3. Cắt rau trước, sau đó mới rửa
Nhiều người có thói quen này. Tuy nhiên, làm như vậy sẽ phá hủy cấu trúc tế bào trên bề mặt rau, đồng thời vi khuẩn, chất bẩn trên bề mặt cắt sẽ dễ xâm nhập vào bên trong rau, làm tăng nguy cơ ô nhiễm.
Cách làm đúng:
- Rửa rau trước, sau đó mới cắt.
- Trước khi nấu một số loại rau, tốt nhất nên chần chúng trong vài phút để loại bỏ hiệu quả các chất độc hại.
4. Tắt máy hút mùi ngay sau khi nấu xong
Nhiều người nấu nướng xong, họ tắt bếp gas và máy hút mùi ồn ào ngay lập tức.
Nhưng lúc này khói, hơi nước sinh ra trong quá trình nấu nướng vẫn tràn ngập căn bếp. Các chất có hại bên trong (như benzopyrene, acrolein...) không chỉ gây ô nhiễm môi trường trong nhà mà còn gây hại cho sức khỏe.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc hít phải khói dầu trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi và các bệnh ung thư khác, đặc biệt là đối với phụ nữ.
Cách làm đúng:
- Sau khi nấu, để máy hút mùi tiếp tục chạy trong 10-15 phút;
- Mở cửa sổ thông gió để đảm bảo thoát hết khói dầu, hơi nước trong bếp;
- Vệ sinh máy hút mùi thường xuyên và toàn diện, đặc biệt là quạt, rãnh và hộp dầu.
5. Không thay miếng rửa bát, khăn lau bát sau thời gian dài
Đã bao lâu rồi bạn chưa thay miếng rửa bát và khăn lau bát đĩa trong nhà bếp? 1 tháng? 3 tháng? Hay... 3 năm?
Dù không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng giẻ lau, khăn lau bát đĩa sử dụng lâu ngày có thể tích tụ một lượng lớn vi khuẩn, bụi bẩn và trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn.
Một nghiên cứu tại Trung Quốc đã phát hiện 19 loại vi khuẩn (và nấm) trong các mẫu miếng rửa bát được thu thập, bao gồm E. coli, Staphylococcus aureus, Candida... đều là những vi khuẩn gây bệnh phổ biến! Tổng số vi khuẩn trên một chiếc khăn rửa chén có thể lên tới 500 tỷ.
Cách làm đúng:
- Tốt nhất nên thay miếng rửa bát và khăn lau bát mỗi tháng một lần;
- Rửa sạch, ngâm và khử trùng sau mỗi lần sử dụng và phơi khô kịp thời.
6. Sử dụng cùng 1 con dao, cái thớt để xử lý nhiều nguyên liệu khác nhau
Nhiều người rất tài tình khi chỉ cần đúng 1 con dao, cái thớt để chế biến tất cả các món ăn.
Tuy nhiên, vi khuẩn và ký sinh trùng trên rau và thịt sống sẽ được truyền sang thức ăn đã nấu chín qua dao, gây ngộ độc thực phẩm.
Cách làm đúng:
- Chuẩn bị nhiều dao, thớt để xử lý các nguyên liệu khác nhau (ít nhất phải tách riêng nguyên liệu sống và chín);
- Trước khi sử dụng cùng một con dao để xử lý các nguyên liệu khác nhau, hãy nhanh chóng làm sạch bề mặt dao.
7. Dùng thớt lâu năm không thay mới
Nước rau củ quả, dầu mỡ, máu thường đọng lại trên thớt sẽ trở thành nơi sinh sản cho vi khuẩn sinh sôi và nhân lên.
Đồng thời, sau thời gian dài sử dụng sẽ xuất hiện các vết nứt, rãnh, chứa chất bẩn - như cặn thức ăn, vi khuẩn.
Theo khảo sát, vi khuẩn sẽ gia tăng đáng kể trên những chiếc thớt đã được sử dụng trên 2 năm. Và trên hơn 40% số thớt có tổng số khuẩn lạc vượt tiêu chuẩn!
Cách làm đúng:
- Mỗi lần sử dụng thớt, hãy vệ sinh thớt ngay dưới vòi nước chảy và chất tẩy rửa;
- Phơi khô ở nơi thoáng mát và cố gắng giữ khô nhất có thể;
- Khi thớt bị nấm mốc, nứt hoặc có vết dao, hãy thay thớt kịp thời.
Nguồn và ảnh: QQ, The Healthy